Bệnh ganh
ghét, đố kỵ là một đặc tính tiêu cực trong tính cách của con người, nó hình
thành khi một người cảm thấy mình thua kém người khác và tức giận vì điều đó. Đối
với văn hóa Việt Nam, sự ganh ghét, đố kỵ thường xuất hiện trong các câu ca
dao, tục ngữ như: “Trâu buộc thì ghét trâu ăn/ Quan võ thì ghét quan văn dài quần”,
“con gà tức nhau tiếng gáy”, “ghen ăn, tức ở”...
Trong xã hội
hiện nay, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, mối quan hệ giữa người với người
ngày càng phức tạp, tâm lý ganh ghét, đố kỵ càng trở nên phổ biến, thể hiện ở mọi
lúc, mọi nơi, mọi lĩnh vực và mọi mặt đời sống xã hội. Người ta hay so sánh
mình với những người khác, thấy họ có một vài mặt nào đó hơn mình thì thường cảm
thấy trong lòng lo lắng, buồn bã, so bì, tị nạnh… rồi sinh ra bực bội, căm
ghét, thấy mình bị xúc phạm, muốn trả thù…Đặc biệt, sự ganh ghét, đố kỵ đang tồn
tại ở một bộ phận cán bộ, đảng viên công tác tại các cơ quan, đơn vị; điều dễ
nhận thấy nhất là khi ai đó có thành tích, địa vị, vinh dự, chuyên môn, bằng cấp,
của cải, nhân duyên, gia đình hạnh phúc, thành đạt là nảy sinh ganh ghét, đố kỵ…
Có người thể hiện lòng ganh ghét, đố kỵ ra ngoài, nhưng có người lại giấu kín
trong lòng. Họ không công tâm nhìn nhận, đánh giá năng lực, hiệu quả công việc
của người khác mà còn tìm mọi cách lôi kéo người có chung suy nghĩ để soi mói,
nói xấu sau lưng và tìm cách cản trở đồng chí, đồng nghiệp. Ngoài ra, họ còn tỏ
ra vui sướng trước thất bại của người khác; thậm chí họ lươn lẹo “quy chụp, biến
báo” người tốt thành người xấu, tâng bốc mình lên để được cấp trên ưu ái mình…
Nghị quyết
Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy
lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự
diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đã chỉ rõ: “Cá nhân chủ nghĩa, sống
ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi
ích tập thể; ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn
mình…”, đây là một trong những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống của một
bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đang tồn tại trong tình hình hiện
nay. Những biểu hiện suy thoái này làm nản lòng, nhụt chí và cản trở sự phấn đấu
của cá nhân và tổ chức, làm xói mòn đạo đức, văn hóa trong ứng xử, gây hại cho
tập thể. Đồng thời, làm ảnh hưởng tiêu cực đến việc xây dựng và củng cố sự đoàn
kết, thống nhất và là nguyên nhân của sự nhen nhóm, bè phái, lợi ích nhóm, dẫn
đến nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ…
Để loại bỏ bệnh
ganh ghét, đố kỵ trong tình hình hiện nay, các cơ quan, đơn vị cần quán triệt
và thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng,
chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối
sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, gắn với đẩy
mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Cuộc vận
động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ
mới; chú trọng làm tốt công tác tư tưởng, phát huy dân chủ, xây dựng khối đoàn
kết, thống nhất trong cấp ủy, tổ chức đảng, làm hạt nhân cho khối đoàn kết của
cơ quan, đơn vị. Xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh, kết hợp hài hòa giữa phát
huy dân chủ đi đôi với giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, giữ gìn tình yêu thương đồng
chí, đồng đội.
Thực hiện
nghiêm túc chế độ tự phê bình và phê bình, rà soát từ trong cấp ủy đến từng đảng
viên, ai có biểu hiện ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác
hơn mình phải chấn chỉnh, chỉ rõ cho họ thấy để họ “tự soi”, “tự sửa”. Phải
quán triệt sâu sắc quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh “mục đích của tự phê bình
và phê bình để giúp nhau tiến bộ, sửa chữa sai lầm”, chứ không phải là để “bới
lông tìm vết”, nên cách thức tiến hành phải có lý, có tình, có tính giáo dục
cao. Đồng thời, tự phê bình và phê bình phải được làm thường xuyên, phải nêu cả
ưu điểm và khuyết điểm, “phê bình việc chứ không phê bình người” để cùng tiến bộ.
Thường xuyên
tổ chức các phong trào thi đua, các cuộc vận động vào thực tiễn công việc;
trong nhận xét, đánh giá, đề bạt, khen thưởng phải thật sự khách quan, dân chủ,
công khai và đúng thực chất, không bao che, không ích kỷ, hẹp hòi, thành kiến
cá nhân làm tổn hại đồng chí, đồng đội, hạn chế sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức
đảng và tập thể cơ quan, đơn vị… Phát huy sự nêu gương của đội ngũ cán bộ các cấp,
nói đi đôi với làm, đi đầu trong mọi việc. Thường xuyên động viên, khen thưởng
kịp thời những nhân tố điển hình tiên tiến; ngăn chặn cái sai, cái xấu, kèn cựa
địa vị, lợi ích nhóm…
Đặc biệt, mỗi
cán bộ, đảng viên, quần chúng phải nhận thức đúng và luôn rèn luyện đạo đức
cách mạng, phòng và chống chủ nghĩa cá nhân; nỗ lực học tập nâng cao trình độ
lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, tận tâm, tận lực với công việc, thấy
đúng kiên trì bảo vệ, thấy sai kiên quyết đấu tranh. Phải khiêm tốn lắng nghe,
tự giác học hỏi cái hay, cái tốt, cái mới của người khác mà mình chưa có; biết
chia sẻ, động viên kịp thời với kết quả, thành tích nổi bật của đồng chí, đồng
đội; biết nâng niu những việc đồng đội đã làm tốt, đã cống hiến cho tập thể; biết
trân trọng, khuyến khích những ý tưởng, hiến kế, giải pháp, sáng chế, phát minh
mà người khác nỗ lực tạo ra. Loại bỏ tư tưởng ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh,
hẹp hòi, ích kỷ; tạo không khí dân chủ, đoàn kết, góp phần xây dựng cơ quan,
đơn vị VMTD “mẫu mực tiêu biểu”, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
NXT-H1
0 nhận xét:
Đăng nhận xét