CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Năm, 24 tháng 3, 2022

BIỆN PHÁP NÊU GƯƠNG CỦA CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN TRONG CÁC NHÀ TRƯỜNG QUÂN ĐỘI

 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”; “Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”; “Muốn cho quần chúng nghe lời mình, làm theo mình thì người đảng viên từ việc làm, lời nói cho đến cách ăn ở phải thế nào cho dân tin, dân phục, dân yêu”. Quy định số 08-QĐ/TW, ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.

Quán triệt sâu sắc các nghị quyết, quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong Quân đội đã nghiêm túc triển khai thực hiện. Thông qua đó, ý thức trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trong Quân đội nói chung, trong các nhà trường quân đội nói riêng, nhất là đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp đã được nâng lên rõ rệt, tạo sự chuyển biến tích cực về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong công tác, ý thức tổ chức kỷ luật và đoàn kết nội bộ, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, quan liêu và mọi biểu hiện tiêu cực trong đơn vị, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ Quân đội và quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Quân ủy Trung ương, sự quản lý của Nhà nước và Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, việc quán triệt, thực hiện các nghị quyết, quy định của Đảng, Quân ủy Trung ương về trách nhiệm nêu gương và vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên ở một số đơn vị còn có hạn chế nhất định. Một bộ phận cán bộ, đảng viên trong Quân đội chưa quán triệt đầy đủ, sâu sắc về vị trí, vai trò, yêu cầu và nội dung, biện pháp nêu gương, dẫn đến xác định chưa rõ trách nhiệm và nghĩa vụ nêu gương; chưa thật sự mẫu mực trong lời nói, việc làm, trong rèn luyện, tu dưỡng, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, tác phong công tác, sinh hoạt; còn có những biểu hiện nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, lợi dụng chức quyền để trục lợi, có hành vi tham nhũng; cá biệt đã có cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu có những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kỷ luật Quân đội, gây dư luận không tốt trong cán bộ, chiến sĩ Quân đội và nhân dân.

Hiện nay, sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo đặt ra những yêu cầu mới về xây dựng nhà trường Quân đội, trong đó cần phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Để đề cao trách nhiệm nêu gương, tính tiền phong, gương mẫu trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên trong nhà trường quân đội cần thực hiện tốt một số nội dung, biện pháp sau:

Một là, thường xuyên quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc tư tưởng Hồ Chí Minh; các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của Quân ủy Trung ương và của cấp ủy, tổ chức đảng về nêu gương. Quan triệt, nắm chắc nội dung nêu gương của cán bộ, đảng viên trong Quân đội. Chấp hành nghiêm chỉ thị, nghị quyết cảu các cấp ủy đảng.

Hai là, cụ thể hóa nội dung nêu gương của cán bộ, đảng viên phù hợp với thực tiễn đơn vị và chức trách, nhiệm vụ của cá nhân. Đây là việc làm cần thiết để tạo cơ sở, hành lang pháp lý bản thân tự soi để tự sửa, phát huy vai trò nêu gương trong từng hoạt động cụ thể; đồng thời, làm cơ sở để giám sát việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của cá nhân trong đơn vị.

Ba là, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện thắng lợi Kết luận số 01 của BCH Trung ương; Nghị quyết 847-NQ/QUTW về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới; Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên trong đơn vị.

Bốn là, thường xuyên tự phê bình và phê bình; kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống” trong phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Tự phê bình và phê bình, kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống” là vấn đề có tính quy luật trong xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng trong mọi thời kỳ cách mạng. Bên cạnh việc xây dựng trách nhiệm nêu gương, cần tích cực đấu tranh phê bình các biểu hiện và hành vi thiếu gương mẫu trong đơn vị.

Năm là, làm tốt việc rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên. Việc rút kinh nghiệm phải được tiến hành thường xuyên, liên tục. Thông qua việc thực hiện nhiệm vụ được phân công; hoặc thông qua công tác kiểm tra, giám sát đảng viên của chi bộ, tự kiểm điểm, đánh giá của bản thân; công tác bình xét, phân loại cán bộ, đảng viên năm học và hằng năm./.

NTC-H4

0 nhận xét: