Quan
điểm quốc phòng của Việt Nam khẳng định nhất quán chính sách quốc phòng Việt
Nam mang tính chất chính nghĩa, hòa bình và tự vệ. Cụ thể: Điều 4, Luật Quốc
phòng chỉ rõ: “… không tham gia lực lượng, liên minh quân sự của bên này chống
bên kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ của
Việt Nam để chống lại nước khác; không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ
quốc tế; giải quyết mọi bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên
nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, không
can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi”. Sách trắng Quốc
phòng Việt Nam 2019 tiếp tục khẳng định: “Chính sách Quốc phòng của Việt Nam
mang tính chất hòa bình và tự vệ; kiên quyết, kiên trì đấu tranh giải quyết mọi
tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế,…”.
Việt
Nam luôn nỗ lực thực thi đúng đắn chính sách quốc phòng đã đề ra với đường lối
quốc phòng, quân sự độc lập, tự chủ, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận
quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, tạo sức mạnh bảo
vệ vững chắc Tổ quốc. Đồng thời, tích cực thực hiện cam kết trở thành quốc gia
thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần duy trì hòa bình, ổn
định trong khu vực và trên thế giới.
Hiện
nay, các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị không từ thủ đoạn
nào để chống phá, xuyên tạc chính sách quốc phòng Việt Nam. Chúng cho rằng, chính
sách quốc phòng Việt Nam đã lạc hậu, lỗi thời, không phù hợp; chủ trương “không
sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế” là Việt Nam đã
“từ bỏ dùng vũ lực trong bảo vệ đất nước”, là “tự trói tay, chân mình”, “ tự cô
lập mình”, tước đi cơ hội hợp tác với các nước lớn trong bảo vệ Tổ quốc, không
phù hợp với tình hình thực tế, đi ngược lại xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc
tế. Xảo trá, trắng trợn hơn, chúng còn quy chụp việc Việt Nam tăng cường tiềm lực
quốc phòng, an ninh là khơi mào cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực, là để chống
lại một nước thứ ba. Đặc biệt, trước những diễn biến phức tạp trên Biển Đông,
tình hình chiến sự ở Ukraine tác động đến nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biển,
đảo, các thế lực thù địch, phản động xuyên tạc rằng, với chính sách quốc phòng
hiện nay thì Việt Nam không thể giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền, sự thống
nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, v.v. Từ đó, hô hào, cổ súy tư tưởng sai
trái, kêu gọi dựa vào nước ngoài, nhất là các nước lớn và tham gia liên minh
quân sự để bảo vệ chủ quyền biển, đảo, bảo vệ đất nước. Để đấu tranh phản bác
những luận điệu chống phá, xuyên tạc chính sách quốc phòng Việt Nam của các thế
lực thù địch, phản động, bảo vệ vững chắc Tổ quốc cần thực hiện tốt một số giải
pháp sau.
Một
là, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, làm rõ sự cần thiết, tính khoa học của
chính sách quốc phòng Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đấu
tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, chống phá chính sách quốc phòng
Việt Nam là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống
chính trị. Các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị tập trung đẩy mạnh công tác tuyên
truyền với hình thức, phương pháp đa dạng, linh hoạt, phù hợp với thực tiễn đất
nước và bối cảnh quốc tế nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết, cách tiếp cận đúng
cho nhân dân, kiều bào ta ở nước ngoài, cộng đồng quốc tế về chính sách quốc
phòng Việt Nam.
Hai
là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước đối với
công tác quốc phòng trong tình hình mới. Đây là vấn đề có tính nguyên tắc
được Đảng ta xác định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước năm 1991, bổ sung,
phát triển năm 2011; Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 25/10/2013 của Hội nghị Trung
ương 8 (khóa XI) về Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Nghị quyết Đại
hội XIII của Đảng. Trong đó chỉ rõ ở bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào, Đảng luôn
lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ
quốc; đề cao cảnh giác, chủ động đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn đòi đa
nguyên, đa đảng, “phi chính trị hóa” Quân đội của các thế lực thù địch. Nhà nước
thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong
Hiến pháp, pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện nhiệm vụ quốc
phòng, bảo vệ Tổ quốc.
Ba
là, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng
bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc. Thực tiễn lịch sử đã chứng
minh, sức mạnh bảo vệ Tổ quốc không phải xuất phát từ việc tham gia các liên
minh quân sự mà chính là từ sức mạnh nội lực của dân tộc Việt Nam. Đó là sức mạnh
của độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường; kết hợp chặt chẽ giữa sức mạnh của dân tộc
với sức mạnh của thời đại. Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Củng cố quốc phòng,
an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trọng yếu,
thường xuyên của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó Quân
đội nhân dân và Công an nhân dân là nòng cốt”. Vì vậy, xây dựng Quân đội nhân
dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong đó có một
số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình
hình mới là tất yếu khách quan.
Bốn
là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc
phòng, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định phát triển đất nước.
Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập,
tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển. Sẵn sàng mở rộng quan hệ hợp tác quốc
phòng trên cơ sở không phân biệt sự khác nhau về chế độ chính trị, trình độ
phát triển và không chấp nhận quan hệ hợp tác quốc phòng dưới bất kỳ điều kiện
áp đặt hoặc sức ép nào. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh giải quyết mọi tranh chấp,
bất đồng bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp và thông lệ quốc tế./.
VTK-H1
0 nhận xét:
Đăng nhận xét