Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ
XIII của Đảng đang diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình Từ ngày
25/01/2021 đến 02/02/2021. Tham dự Đại hội có 1.587 đại biểu thay mặt cho hơn
5 triệu đảng viên toàn Đảng. Với chủ đề: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng
và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển
đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức
mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng
và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu để
đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã
hội chủ nghĩa”[1], Đại hội đã
xác định mục tiêu tổng quát: Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm
quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong
sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với
Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước
phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết
hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công
nghiệp hoá, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi
trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước
phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XIII của Đảng đã thông qua Nghị quyết và các văn kiện Đại hội (gọi chung là
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng). Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là sự tổng
kết sâu sắc lý luận và thực tiễn, kết tinh trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của toàn
Đảng, toàn dân và toàn quân ta, đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế
- xã hội 5 năm 2021 - 2025; xác định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến
năm 2030 và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045; có giá trị định hướng
lãnh đạo toàn bộ hoạt động của Đảng, Nhà nước và xã hội.
Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác - Lênin
và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động. Nghị
quyết của Đảng là sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn: Trên cơ sở lý
luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh gắn với thực tiễn,
xuất phát từ thực tiễn để đưa ra đường lối lãnh đạo, hai mặt đó thống nhất
biện chứng không thể tách rời. Sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn thể
hiện rõ nhất ở năng lực lãnh đạo, tư duy sáng tạo của Đảng ta trong tiếp cận,
giải quyết các vẫn đề trong quá trình lãnh đạo kháng chiến và kiến
quốc, đặc biệt trong quá trình lãnh đạo công cuộc đổi mới, đi lên
chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay. Đây là điều kiện thuận lợi cho vận
dụng các phương pháp luận của Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh
trong quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đặc biệt trên cơ sở
nguyên tắc phương pháp luận của sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, giữa
kế thừa và phát triển, giữa nhận thức và hành động để “sớm đưa Nghị quyết Đại
hội vào cuộc sống, biến những quyết định của Đại hội thành hiện thực sinh động
trong thực tế”[2].
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
đã khái quát sâu sắc phương hướng, mục tiêu, chỉ tiêu về kinh tế, chính trị,
văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... Nghiên cứu, học tập, quát
triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội XIII của đảng, hiện thực hóa đường lối
lãnh đạo của đảng “đưa Nghị quyết vào cuộc sống” có vị trí, ý
nghĩa vô cùng to lớn, thiết thực cả về khoa học và chính trị, lý luận và
thực tiễn, làm cơ sở thống nhất nhận thức, xác định quyết tâm chính trị và hành
động có hiệu quả nhằm “Phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát
triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”[3]./.
NHQ-H2
[1] Đảng
Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại
biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự
thật, Hà Nội 2021, tr.11.
[2] Đảng Cộng sản Việt
Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc
lần thứ XIII, tập II, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội 2021,
tr.352.
[3] Đảng
Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại
biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự
thật, Hà Nội 2021, tr.14.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét