Tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hành
tiết kiệm, phòng chống tham ô, lãng phí là kết quả của quá trình nghiên cứu và
vận dụng đúng đắn, sáng tạo của Người từ lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều
kiện Việt Nam; tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại và giá trị truyền thống tốt
đẹp của dân tộc; là cơ sở quan trọng để Đảng ta đề ra những quan điểm đúng đắn về
thực hành tiết kiệm, phòng chống tham ô, lãng phí, giữ vững ổn định xã hội
trong thời gian vừa qua.
Theo Hồ Chí Minh: “Tiết kiệm không
phải là bủn xỉn, không phải “xem đồng tiền bằng cái nống”, gặp việc đáng làm
cũng không làm, đáng tiêu cũng không tiêu. Tiết kiệm không phải là ép bộ đội,
cán bộ và nhân dân nhịn ăn, nhịn mặc. Trái lại, tiết kiệm cốt để giúp vào tăng
gia, sản xuất, mà tăng gia sản xuất là để dần nâng cao mức sống của bộ đội, cán
bộ và nhân dân”. Trong quan niệm của Người, tiết kiệm mang ý nghĩa tích cực,
trái với hành vi bủn xỉn, keo kiệt, ép mọi người phải nhin ăn, nhịn mặc. Tiết
kiệm là chi tiêu, sử dụng có kế hoạch, có tính toán, xem xét đầy đủ các yếu tố,
giảm bớt hao phí trong sử dụng tiền của, thời gian, công sức nhưng vẫn đạt được
mục tiêu xác định. Mục đích của tiết kiệm là để tích luỹ tiền của, thời gian,
công sức cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, nâng cao mức sống của
bộ đội và nhân dân. tiết kiệm “không phải là lý luận cao xa” mà là hành vi
trong thực tế của bộ đội và nhân dân ta, tất cả mội người đều phải thực hành
tiết kiệm và kết quả tiết kiệm của mọi người đều góp phần cho sự nghiệp cách
mạng đi đến thắng lợi.
Theo Hồ Chí Minh, thực hành tiết
kiệm phải chống lại mặt đối lập của nó là tham ô, lãng phí, quan liêu. Người
chỉ rõ: “Đứng về phía cán bộ mà nói, tham ô là ăn cắp của công làm của tư. đục
khoét của nhân dân. ăn bớt của bộ đội. Tiêu ít mà khai nhiều. Lợi dụng của
chung của chính phủ để làm quỹ riêng cho địa phương mình, đơn vị mình cũng là
tham ô. đứng về phía nhân dân mà nói, tham ô là ăn cắp của công, khai gia, lậu
thuế”. Người nhấn mạnh: tham ô, không chỉ gây tổn hại rất lớn đến của cải vật
chất mà còn làm giảm lòng tin của nhân dân. “Tham ô là hành động xấu xa nhất
của con người”, “Tham ô của công tức là xâm phạm đến lợi ích chung của nhân
dân, tức là kẻ địch của nhân dân. Vì vậy, kiên quyết chống tham ô là trách
nhiệm chung của toàn Đảng, toàn dân ta”. Theo Hồ Chí Minh lãng phí là việc quản
lý, sử dụng tiền của, sức lao động, thời gian kém hiệu quả. Người cho rằng lãng
phí có nhiều cách: Lãng phí sức lao động, lãng phí thì giờ, lãng phí tiền của.
Hồ Chí Minh khẳng định: “Lãng phí
và tham ô tuy khác nhau ở chỗ: lãng phí thì không trực tiếp ăn cắp, ăn trôm của
công, nhưng kết quả tai hại đến tài sản của Nhà nước của tập thể, thì lãng phí
cũng có tội. Tham ô là trộm, cướp, lãng phí tuy không lấy của công đút túi,
song kết quả cũng rất ta hại cho nhân dân, cho chính phủ, có khi còn tai hại
hơn tham ô”. Hồ Chí Minh chỉ rõ “Bệnh quan liêu là nguồn gốc sinh ra lãng phí,
tham ô”, cho nên muốn triệt để chống tham ô, lãng phí thì phải kiên quyết chống
nguồn gốc của nó là bệnh quan liêu. Theo Người: “Muốn lúa tốt phải nhổ cỏ cho
thật sạch, nếu không thì dù cày bừa kỹ, bón nhiều phân, lúa vẫn xấu vì lúa bị
cỏ át đi. Muốn thành công trong việc tăng gia sản xuất và tiết kiệm, cũng phải
nhổ cỏ cho thật sạch, nghĩa là phải tẩy sạch nạn tham ô, lãng phí và bệnh quan
liêu. Nếu không thì nó sẽ là hại đến công việc của ta”. Vì theo Người, “Tham ô,
lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ,
kẻ thù khá nguy hiểm, vì nó không mang gươm, mang súng, mà nó nằm trong các tổ
chức của ta, để làm hỏng công việc của ta”, nó làm chậm trễ công cuộc kháng
chiến và kiến quốc của ta, làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí khắc khổ của
cán bộ ta, phá hoại đạo đức cách mạng của ta là cần kiệm liêm chính. “Công khai
và mạnh dạn gạt bỏ cho thật sạch những ung nhọt ấy thì thân thể càng khoẻ mạnh
thêm”
Hồ Chí Minh chỉ ra ý nghĩa to lớn
của thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu trong sự nghiệp cách
mạng của Đảng và nhân dân ta:
Thực hành tiết kiệm, chống tham ô,
lãng phí, quan liêu là điều kiện góp phần xây dựng chế độ xã hội mới, nền văn
hoá mới, con người mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Cách mạng là tiêu diệt
những cái gì xấu, xây dựng những cái gì tốt…thực dân và phong kiến tuy bị tiêu
diệt nhưng cái nọc của nó (tham ô, lãng phí, quan liêu) vẫn còn thì cách mạng
vẫn chưa hoàn toàn thành công”. “Chúng ta muốn xây dựng một xã hội mới, một xã
hội tự do, bình đẳng, một xã hội cần, kiệm, liêm, chính- cho nên chúng ta phải
tẩy cho sạch hết những thói xấu của xã hội cũ”. Thực hành tiết kiệm, chống tham
ô, lãng phí, quan liêu là “một cuộc đấu tranh gay go giữa cái tốt và cái xấu,
cái cũ và cái mới, giữa cái đạo đức cách mạng là cần kiệm, liêm chính, chí công
vô tư và kẻ địch là tệ tham ô, lãng phí, quan liêu”.
Thực hành tiết kiệm, chống tham ô,
lãng phí, quan liêu giúp cho tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, bộ máy chính
quyền trong sạch, củng cố mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Hồ Chí
Minh đã chỉ rõ: “Là một đảng lãnh đạo, Đảng ta cần phải mạnh mẽ trong sạch kiểu
mẫu”, trong khí đó, “Có người trong lúc tranh đấu thì hăng hái, trung thành
không sợ nguy hiểm, không sợ cực khổ, không sợ quân địch, nghĩa là có công với
cách mạng. Song đến khi có ít nhiều quyền hạn trong tay thì đâm ra kiêu ngạo,
xa xỉ, phạm vào tham ô, lãng phí, quan liêu, không tự giác, mà biến thành người
có tội với cách mạnh. Do đó, thực hành
tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu nó giúp cho cán bộ và đảng viên ta
giữ được phẩm chất cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, một lòng
một dạ phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Do vậy nhân dân tin tưởng vào sự
lãnh đạo của Đảng. Nhân dân ta đã đoàn kết càng đoàn kết thêm, lực lượng ta đã
hùng mạnh, càng hùng mạnh thêm.
Hồ Chí Minh chỉ rõ yêu cầu, nội
dung, biện pháp thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham ô, lãng phí, quan liêu.
Người yêu cầu thực hành tiết kiệm, phòng,
chống tham ô, lãng phí, quamn liêu phải được tiến hành thường xuyên, kiên
quyết, triệt để. Người nhắc nhở cán bộ và nhân dân ta: tiết kiệm phải từ việc
to đến việc nhỏ. Mọi công việc, mọi cơ quan đều phải có kế hoạch tiết kiệm. Mọi
người đều phải có ý thức tiết kiệm và phải rèn luyện thành thói quen. Người ví
tham ô, lãng phí, quan liêu như cỏ dại, nếu bổ bễ, đánh trống bỏ dùi thì chẳng
những không triệt được mà còn lây lan, nguy hại thêm. “Chống tham ô, lãng phí
và bệnh quan liêu cũng quan trọng và cần kíp như việc đánh giặc trên mặt trận”.
Muốn thắng lợi ở mặt trận này, cần phải có chuẩn bị thật chu đáo, có tổ chức,
có kế hoạch, “có lãnh đạo và trung kiên”. Mặt khác, thực hành tiết kiệm, phòng
chống tham ô, lãng phí, quan liêu phải trở thành phong trào thi đua sôi nổi,
rộng khắp. Theo Người, đẩy mạnh sản xuất và thực hành tiết kiệm phải trở thành
“Một phong trào thi đua sôi nổi, rộng rãi, bền bỉ…phải đặt phong trào sản xuất
và tiết kiệm làm trung tâm của phong trào thi đua ái quốc”. Người cũng cho
rằng, tham ô, lãng phí, quan liêu nó ngăn trở phong trào thi đua, làm cho mọi
người kém nhiệt tình, kém phấn khởi “Làm giảm bớt những kết quả của phong trào
thi đua ái quốc”. Vì vậy “Mọi người và mọi ngành đều phải thi đua yêu nước,
tăng gia sản xuất và tiết kiệm, tôn trọng và bảo vệ của công, tẩy trừ nạn tham
ô, lãng phí”. Thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham ô, lãng phí phải gắn chặt
giữa xây với chống, kết hợp giáo dục, phòng ngừa với đấu tranh khắc phục, lấy
giáo dục làm chính. Hồ Chí Minh đã chỉ rõ mối quan hệ giữa “xây” và “chống”;
“xây” phát triển mạnh mẽ thì đối tượng “chống” sẽ được xoá bỏ tận gốc, “chống’
nếu làm triệt để sẽ bảo đảm cho ‘xây’ thành công. Người căn dặn: Cuộc vận động
này lấy giáo dục làm chính: khen ngợi những người tốt, việc tốt, khuyến khích
những người có khuyết điểm tự giác, tự động cố gắng sửa chữa để trở thành người
tốt”, “Giáo dục là chính nhưng đối với những kẻ ngoan cố không chịu sửa đổi thì
chính quyền phải dùng phép luật. Phép luật là phép luật của nhân dân dùng để
ngăn cản những hành động có hại cho nhân dân, để bảo vệ lợi ích chung của đại
đa số nhân dân”.
Hồ Chí Minh khẳng định nội dung,
biện pháp thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Theo
Người trước hết, phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách
nhiệm của mọi người, mọi tổ chức, cơ quan, đơn vị. Người căn dặn: “Phải ra sức
tuyên truyền, giải thích…giúp mỗi một đồng bào hiểu rằng tăng gia sản xuất và
thực hành tiết kiệm tức là yêu nước, tức là ích nước lợi nhà, thì phong trào ấy
nhất định sẽ lan rộng ăn sâu, nhất định sẽ thành công tốt đẹp”. Theo Người:
“Bước đầu là đánh thông tư tưởng…để giải thích rõ ràng, nói đi nói lại cho mọi
người đều hiểu tham ô, lãng phí, quan liêu có hại cho dân, cho nước thế nào? vì
sao phải chống nạn ấy”. Các hình thức tuyên truyền, giáo dục phải được kết hợp
với các hình thức sinh hoạt học tập, nghiên cứu các tài liệu, sinh hoạt tự phê
bình và phê bình. Chủ động và kiên quyết đấu tranh với những nhận thức giản
đơn, phiến diện, những biểu hiện ngại đấu tranh như: “Một sự nhịn, chín điều
lành, kiểm thảo lẫn nhau làm gì…chỉ trích lỗi của người sẽ mất đoàn kết. Ai
tham ô, lãng phí mặc ai, mình không tham ô, lãng phí thì thôi. Nói thật mất
lòng, sẽ bị bầu bạn ghét, bị cấp trên trù…”. Mặt khác, thực hành tiết kiệm,
phòng, chống tham ô, lãng phí, quan liêu phải dựa vào sức mạnh của quần chúng
nhân dân. Theo người, quần chúng nhân dân có trăm tai, nghìn mắt, “cán bộ nào
tốt, cán bộ nào xấu, cán bộ nào có lỗi lầm mà có thể sửa đổi, ai làm việc gì
hay, việc gì quấy, dân chúng cũng do cách so sánh đó, mà họ biết rõ ràng”. Vì
vậy, cần phải dựa vào sức mạnh của quần chúng nhân dân, “làm cho quần chúng
khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng ức, hàng triệu con mắt, lỗ
tai cảnh giác của quần chúng thành những ngon đèn pha soi sáng khắp nơi nơi,
không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn lấp”. Hồ Chí Minh khẳng
định, thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham ô, lãng phí, quan liêu phải chăm
lo xây dựng và phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng
viên, chủ động đấu tranh khắc phục chủ nghĩa cá nhân. Người căn dặn: “Trong mọi
công việc cán bộ phải làm gương, nhất là cán bộ cao cấp, đảng viên, đoàn viên
trong quân đội phải làm đầu tàu, làm gương mẫu giúp đỡ mọi người cùng tiến bộ”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thường chỉ ra rằng: “Vì cá nhân chủ nghĩa nên đặt lợi
ích riêng lên trên lợi ích chung, rồi sinh ra vô kỷ luật, vô tổ chức, tham địa
vị, tham danh vọng, bè phái, tham ô, lãng phí, quan liêu”. Để làm cho tất cả
cán bộ, đảng viên xứng đáng là những chiến sĩ cách mạng, phải kiên quyết quét
sạch chủ nghĩa cá nhân. Thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí
phải, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp uỷ, tổ chức đảng, đề
cao trách nhiệm chính quyền thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo, quản lý
thực hành tiết kiệm, phòng chống tham ô, lãng phí, quan liêu… Người khẳng định,
“Đảng mạnh là do chi bộ tốt, chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt” Đồng thời
“phải thực hành phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh trong Đảng. Phải hoan
nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên. Chế độ
sinh hoạt phải nghiêm túc. Kỷ luật của Đảng phải nghiêm minh. Công tác kiểm tra
của Đảng phải chặt chẽ”.
NXT-H1
0 nhận xét:
Đăng nhận xét