Sự kiện Việt Nam, được bầu làm
thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023 – 2025 với số phiếu
145/189, chiếm gần 80%, thuộc nhóm cao nhất. Lợi dụng vấn đề này, một số kẻ
đội lốt “dân chủ”, “nhân quyền” như Đài Á châu tự do, cho rằng: “Việt Nam vào
chỉ phá hỏng uy tín của Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp quốc”.
Có thể thấy, đây vẫn là chiêu
bài cũ lợi dụng “dân chủ, nhân quyền” của các đối tượng chống phá, chỉ khác lần
này, tiếng nói của chúng bỗng trở nên yếu ớt, lạc lõng hơn. Dù đã cố gắng xuyên
tạc nhưng mọi thứ đều vô nghĩa bởi thực tế sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế về
những đóng góp hiệu quả vào hoạt động của Liên hợp quốc trong xây dựng hòa
bình, phát triển và đảm bảo quyền con người trong suốt thời gian qua.
Thực tiễn đã chứng minh, Việt
Nam đã đảm nhiệm thành công vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc
nhiệm kỳ 2014 – 2016, với nhiều sáng kiến để lại dấu ấn như tham gia “Nhóm Nòng
cốt” tại Hội đồng Nhân quyền về “Biến đổi khí hậu và quyền con người”; trực tiếp
là tác giả một số nghị quyết được Hội đồng Nhân quyền thông qua về ảnh hưởng của
biến đổi khí hậu đối với các nhóm dễ bị tổn thương. Việt Nam có nhiều đóng góp,
làm cầu nối hợp tác và đối thoại giữa các nước, các nhóm nước nhằm thúc đẩy
cách tiếp cận cân bằng, tiến bộ, hướng tới con người của Hội đồng Nhân quyền
trên những vấn đề còn khác biệt ví dụ như về quyền sức khỏe sinh sản, chống bạo
hành với phụ nữ, xóa bỏ phân biệt đối xử và bạo lực; gắn kết việc phối hợp với
các nước đang phát triển đấu tranh để bảo đảm Hội đồng Nhân quyền hoạt động
đúng nguyên tắc, thủ tục, không chính trị hóa, không can thiệp vào công việc nội
bộ các nước.
Cùng với đó, Việt Nam cam kết thực
hiện nghiêm túc Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) và triển khai hiệu quả Kế
hoạch tổng thể thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III mà Việt Nam chấp thuận.
Hiện nay, Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập 7/9 công ước cơ bản của Liên hợp quốc
về quyền con người; phê chuẩn, gia nhập 25 công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế
(ILO), trong đó có 7/8 công ước cơ bản. Các công ước quốc tế về quyền con người
mà Việt Nam là thành viên, Việt Nam cam kết thực hiện và coi đó là trách nhiệm
chính trị, pháp lý của Nhà nước.
Từ những nỗ lực, đóng góp hiệu
quả vào hoạt động của Liên Hợp quốc trong xây dựng hòa bình, phát triển và đảm
bảo quyền con người, việc Việt Nam trúng cử vào thành viên Hội đồng nhân quyền
là hoàn toàn xứng đáng. Ngay sau khi Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền
Liên Hợp Quốc, Thứ trưởng thường trực ngoại giao Bangladesh tin tưởng: “Việt
Nam sẽ đóng góp được nhiều hơn nữa trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền
Liên Hợp quốc”. Cũng theo Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonion Guterres khẳng định:
“Việt Nam là một trong những thành viên không thể thiếu, đã, đang và sẽ đóng
góp thúc đẩy và bảo vệ quyền con người”. Đánh giá cao việc Việt Nam, ứng cử
viên duy nhất của ASEAN trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, nhà báo
nổi tiếng người Indonesia Veeramalla Anjaiah đã khẳng định đây là “sự công
nhận” cam kết của Việt Nam trong việc tôn trọng và bảo vệ quyền con người. Theo
nhà báo Anjaiah, Việt Nam là đất nước hòa bình và ổn định, Chính phủ Việt Nam
luôn cam kết bảo vệ quyền con người và các quyền tự do cơ bản trong nước.
Có thể khẳng định, luận điệu của
Đài Á châu tự do là bỉ ổi, bôi nhọ, xuyên tạc, đi ngược lại lợi ích của nhân loại
tiến bộ. Mỗi người dân cần nâng cao nhận thức, hiểu đúng về dân chủ, nhân quyền
và bản chất của việc lợi dụng dân chủ, nhân quyền, qua đó góp phần nâng cao cảnh
giác cách mạng, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc của các
thế lực thù địch. Đồng thời, tin tưởng rằng, với sự đồng thuận và phối hợp chặt
chẽ trong cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà
nước, cùng sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ
tại Hội đồng Nhân quyền, chung tay với cộng đồng quốc tế xây dựng một thế giới
hòa bình, mọi người dân và mọi quốc gia, dân tộc đều thụ hưởng thành quả phát
triển và tiến bộ xã hội.
NNĐ-KBC
0 nhận xét:
Đăng nhận xét