CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Ba, 22 tháng 11, 2022

MỘT SỐ GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ CÁC MỐI QUAN HỆ XÃ HỘI CỦA QUÂN NHÂN Ở TRƯỜNG SĨ QUAN LỤC QUÂN 1

 

Những thay đổi về mọi mặt của đất nước đã và đang tác động nhiều chiều đến mỗi quân nhân, đặt ra nhiều vấn đề trong việc nắm, quản lý các mối quan hệ xã hội. Vì vậy, công tác quản lý các mối quan hệ của quân nhân có vai trò quan trọng trong quá trình đào tạo ở các học viện, nhà trường quân đội nói chung, Trường Sĩ quan Lục quân 1 nói riêng.

Quản lý các mối quan hệ xã hội của quân nhân có vai trò rất quan trọng trong xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, Đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực tiêu biểu”. Đây là hoạt động nhằm nắm bắt tâm tư, tình cảm, hành vi, thái độ của quân nhân; từ đó có biện pháp tổ chức, quản lý, định hướng, điều chỉnh, bổ sung và phát triển các mối quan hệ xã hội tốt đẹp của họ, góp phần phát triển nhân cách, phương pháp, tác phong công tác, giữ vững và phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới.

Quản lý các quan hệ xã hội của quân nhân là phải quản lý toàn diện, chặt chẽ nhiều mặt; trong đó cần tập trung quản lý quan hệ giữa cấp trên với cấp dưới và ngược lại; quản lý mối quan hệ với đồng chí, đồng đội trong đơn vị; quản lý mối quan hệ của quân nhân với gia đình, bạn bè, người thân; quản lý quan hệ của quân nhân với nhân dân, với chính quyền địa phương nơi đơn vị đóng quân và nơi cư trú; quản lý mục đích, động cơ, thái độ và hành vi ứng xử của họ…

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban giám hiệu Nhà trường, công tác quản lý quan hệ xã hội của quân nhân trong toàn Nhà trường đã đạt được kết quả tích cực. Nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng về quản lý các quan hệ xã hội ngày càng được nâng cao; nội dung, phương pháp quản lý không ngừng được hoàn thiện, từ đó tạo thuận lợi cho việc học tập, rèn luyện, nâng cao tri thức, tích lũy kinh nghiệm, vốn sống của quân nhân với cộng đồng, tổ chức trong và ngoài quân đội, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo và xây dựng Nhà trường vững mạnh toàn diện “Mẫu mực tiêu biểu”.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hiện nay, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, một số ít cấp ủy, chỉ huy chưa thật sự chủ động nắm chắc các mối quan hệ xã hội của quân nhân để có các biện pháp ngăn chặn, giải quyết kịp thời. Vì vậy, trong thời gian tới, để quản lý tốt các quan hệ xã hội của quân nhân, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm lãnh đạo quản lý quan hệ xã hội của quân nhân

Đây là giải pháp có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm lãnh đạo quản lý quan hệ xã hội của quân nhân đối với cấp ủy, tổ chức đảng các cấp; đồng thời quyết định đến chất lượng quản lý các quan hệ xã hội của quân nhân. Vì vậy, đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong cấp ủy, tổ chức đảng các cấp sẽ tạo ra được sự nhất trí cao trong cán bộ, đảng viên; làm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc về sự cần thiết phải tăng cường công tác quản lý quan hệ xã hội của quân nhân.

Để thực hiện tốt giải pháp này, cấp ủy, tổ chức đảng phải thường xuyên giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, trình độ cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ trực tiếp chỉ huy, quản lý. Cấp ủy, tổ chức đảng cần đánh giá đúng nhận thức, trách nhiệm, năng lực của từng cá nhân để từ đó đưa vào nội dung giáo dục chính trị, tư tưởng theo định kỳ. Tổ chức tốt các buổi học tập, tập huấn hằng năm cho đội ngũ cán bộ chỉ huy, quản lý; trong đó, chú trọng bồi dưỡng, tăng cường phổ biến, tư vấn, trợ giúp về tâm lý, pháp lý, kỹ năng, kinh nghiệm và phương pháp xử lý các vấn đề nảy sinh trong giải quyết các mối quan hệ xã hội của quân nhân. Nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, tư tưởng góp phần phát huy vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ huy của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong duy trì nền nếp, nắm và quản lý tư tưởng, kỷ luật của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ thuộc quyền, bảo vệ chính trị nội bộ. Nhờ đó, các đơn vị sẽ luôn nắm chắc, phân tích, đánh giá và có biện pháp xử lý phù hợp các tình huống nảy sinh từ các quan hệ xã hội của quân nhân.

Hai là, đổi mới nội dung, phương pháp quản lý các quan hệ xã hội của quân nhân phù hợp với nhiệm vụ của Nhà trường và quân đội

Nội dung, phương pháp quản lý phải sát với đặc điểm quá trình hình thành, phát triển các mối quan hệ xã hội của quân nhân gắn với việc thực hiện nhiệm vụ và môi trường sống, học tập và làm việc. Để quản lý đạt hiệu quả cao, cấp ủy, tổ chức đảng khi phân tích, đánh giá các mối quan hệ xã hội của quân nhân cần kết luận chính xác, làm rõ nguyên nhân và chiều hướng phát triển của các mối quan hệ. Trong đó, chú trọng các biện pháp quản lý trực tiếp như: thông qua hoạt động hàng ngày của quân nhân; thông qua giao ban, các buổi sinh hoạt, đối thoại dân chủ, trao đổi, phát huy vai trò của Hội đồng quân nhân, trò chuyện với quân nhân và nghe báo cáo, phản ánh các mối quan hệ, trực tiếp kiểm tra, giám sát các mối quan hệ xã hội của quân nhân…Bên cạnh đó, cần vận dụng linh hoạt biện pháp quản lý trực tiếp với biện pháp quản lý gián tiếp như: kết hợp phân tích, đánh giá kết quả giải quyết các mối quan hệ xã hội của họ thông qua hồ sơ, sổ sách, các tài khoản mạng xã hội của quân nhân, từ người thân, gia đình, bạn bè, đồng chí, đồng đội; thông qua các báo cáo, phản ánh của các tổ chức, các lực lượng trong và ngoài đơn vị, thông qua lấy phiếu tín nhiệm đề bạt, bổ nhiệm, khen thưởng; thông qua nhận và giải quyết đơn thư tố cáo, khiếu nại và thông qua quân nhân tự khai, bổ sung lý lịch định kỳ hàng năm để nắm những thông tin cơ bản, cần thiết; qua đó, nhanh chóng phát hiện, chấn chỉnh, xử lý những vấn đề nảy sinh, vướng mắc cần tháo gỡ trong giải quyết các mối quan hệ xã hội của quân nhân.

Ba là, kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục ý thức tự giác chấp hành sự quản lý của đơn vị và tự quản lý các quan hệ xã hội của quân nhân

Trong đó, cần tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức cho quân nhân về đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước; điều lệnh, điều lệ Quân đội, quy định của Nhà trường và các quy định về quan hệ xã hội của quân nhân; đẩy mạnh giáo dục truyền thống, nâng cao lòng tự hào, ý chí phấn đấu, rèn luyện tu dưỡng của quân nhân trong Nhà trường; gắn với xây dựng nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật, xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú.

Thông qua đó, quân nhân được sống trong bầu không khí tập thể đoàn kết, dân chủ, trung thực, lành mạnh; cán bộ, học viên, nhân viên, chiến sĩ có phẩm chất, tư tưởng, tình cảm, thái độ, hành vi ứng xử văn hóa, đúng mực góp phần nâng cao nhận thức chính trị, bồi dưỡng nhân sinh quan, thế giới quan, phẩm chất đạo đức cho đội ngũ quân nhân; đấu tranh phòng, chống mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch, bài trừ lạc hậu, tệ nạn xã hội tác động tới mối quan hệ của họ; cổ vũ, biểu dương cái tốt, “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu” trong Nhà trường.

Muốn nâng cao chất lượng quản lý các mối quan hệ xã hội của quân nhân ở Nhà trường hiện nay, phải luôn có sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp. Đặc biệt, cần biến quá trình giáo dục, quản lý thành quá trình tự quản lý các mối quan hệ xã hội của quân nhân. Qua đó, quân nhân sẽ hình thành thói quen sống, làm việc và các mối quan hệ xã hội tốt đẹp; không ngừng hoàn thiện nhân cách, phẩm chất người quân nhân cách mạng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

HVH-BS

0 nhận xét: