CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Ba, 22 tháng 11, 2022

VAI TRÒ CỦA VĂN HÓA TRONG ĐỜI SỐNG TINH THẦN DÂN TỘC

 

Nhằm chống phá công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách xuyên tạc, bóp méo, phủ nhận vai trò chủ đạo đời sống tinh thần dân tộc của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thay vào đó, coi đa nguyên văn hóa mới là vai trò chủ đạo; tuyên truyền cho các giá trị văn hóa phương Tây; cố tình hạ thấp giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Mục tiêu của họ là tạo nên sự hỗn loạn về văn hóa, tư tưởng, làm mất đi trụ cột nâng đỡ về tinh thần của dân tộc ta, làm rối ren hệ ý thức tư tưởng trong nội bộ Đảng, dẫn đến sự hỗn loạn về kinh tế, chính trị.

Trong bối cảnh đó, chúng ta càng phải nâng cao tinh thần cảnh giác, khẳng định vị trí, vai trò, sức mạnh của văn hóa “soi đường cho quốc dân đi”, phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc, kiên trì vai trò chỉ đạo đời sống tinh thần dân tộc của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực phát triển văn hóa. Đây là một công việc khó khăn, vô cùng phức tạp và cũng là nhiệm vụ có tầm quan trọng đặc biệt trong giai đoạn hiện nay.

Quán triệt Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) và các Nghị quyết của Đảng “ văn hóa là nền tảng thần của xã hội”, chúng ta đã tạo dựng được nền móng vững chắc của nền văn hóa mới theo đúng định hướng của Đảng. Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nền văn hóa Việt Nam mang đậm các đặc trưng “dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học”, lấy  chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm tư tưởng chỉ đạo đời sống tinh thần dân tộc, lấy việc “chăm lo xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện,… hướng đến chân - thiện - mỹ”. Nhờ kiên định vai trò chỉ đạo của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, văn hóa Việt Nam luôn tỏ rõ sứ mệnh thiêng liêng “soi đường cho quốc dân đi”. Sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa đã có chuyển biến tích cực, đạt kết quả quan trọng. Tư duy lý luận về văn hóa có bước phát triển; nhận thức về văn hóa của các cấp, các ngành và toàn dân được nâng lên. Đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng phong phú, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được phát huy, nhiều chuẩn mực giá trị văn hóa mới được hình thành. Trong đó, chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ngày càng thấm sâu vào nhận thức, tư tưởng, hành động của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Dưới ánh sáng của hệ tư tưởng tiến bộ đã góp phần xây dựng phẩm chất, đạo đức, tâm hồn, lối sống con người Việt Nam  hiện đại ngang tầm với sự nghiệp đổi mới đất nước. Từ đó góp phần hình thành bản lĩnh của con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam đáp ứng được yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và vững vàng trước những biến động to lớn của thời đại, những thách thức trước vận mệnh dân tộc. Các cộng đồng dân cư, đoàn thể chính trị - xã hội luôn coi trọng phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp; tổ chức thực hiện tốt các phong trào: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” về ý thức tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng nếp sống và văn hóa ứng xử nơi công cộng” có kết quả rõ rệt; “Xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc”;  sự liên kết, phối hợp của 3 lĩnh vực gia đình - nhà trường - xã hội trong xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống, nhân cách cho giới trẻ tiếp tục được phát huy. Quy chế dân chủ ở cơ sở với việc xây dựng quy ước văn hóa được quan tâm hơn trong quá trình triển khai thực hiện… Có thể khẳng định, những giá trị truyền thống của dân tộc, tính tiên tiến của nền văn hóa, đã trở thành nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam hôm nay, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Điều đó góp phần làm nên sức mạnh và sự vững vàng từ trong chiều sâu của truyền thống dân tộc, để đất nước chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu, vượt qua bao vây, cấm vận và mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch.

Chính vì vậy, để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, giữ gìn những giá trị tốt đẹp, tích cực, tạo nên sức hấp dẫn, uy tín của quốc gia trên con đường phát triển, cần có quyết tâm chính trị hàng đầu là đặt văn hóa về đúng vị trí, vai trò, đúng tầm mức; kiên trì xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người phát triển toàn diện, xây cái tốt để lấn át cái xấu, làm lành mạnh hóa môi trường xã hội, làm thất bại âm mưu “diển biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Khi cả xã hội hướng đến thượng tôn pháp luật, yêu thích cái đẹp, cái đúng, cái tốt, cái thật, cái thiện, mỗi công dân tôn trọng thực hành đạo đức, đủ phẩm chất để nêu gương, có khát vọng và trách nhiệm phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, có tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc… thì khi đó chân - thiện - mỹ được vận hành trong mỗi chủ thể xã hội, trở thành tâm hồn và phẩm giá của mỗi con người. Đó cũng là môi sinh để nuôi dưỡng và thấm sâu các giá trị văn hóa vào đời sống tinh thần của xã hội, từ đó bảo đảm cho văn hóa các điều kiện để đảm đương được vai trò là nền tảng tinh thần vững chắc, là nguồn lực nội sinh mạnh mẽ và là động lực của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./.

N.T.L.H2

 

 

 

0 nhận xét: