Giữa biển thông tin nhiễu loạn trong điều kiện xã hội số như hiện nay, việc dẫn dắt, định hướng thông tin dư luận xã hội là vấn đề không hề đơn giản. Bởi thông tin đúng-sai, thật-giả có giới hạn rất mỏng manh, thậm chí là dễ trà trộn, khó đối chứng, kiểm định. Có thông tin đúng lại bị dư luận nghi hoặc, nhưng cũng có thông tin sai lại được cộng đồng tiếp nhận, bày tỏ sự ủng hộ, đồng thuận. Trong thời gian qua, báo chí cách mạng dù khẳng định tốt chức năng, nhiệm vụ, hoạt động tích cực, có nhiều sáng tạo, đổi mới trong công tác tuyên truyền, định hướng dư luận, nhưng chưa thể bắt kịp với tốc độ lan truyền thông tin trên không gian mạng. Nói cách khác, thông tin báo chí dù đúng đắn, chính thống là một dòng chảy thông tin chủ lực nhưng trong tổng thể các trào lưu, xu hướng thông tin đa chiều, khổng lồ, rộng khắp, nhiều khi lại chưa thật sự hấp dẫn. Do vậy, phát huy vai trò báo chí là một phương thức-một kênh quan trọng tham gia vào việc cung cấp, định hướng thông tin, cần phải đạt được mục tiêu dẫn dắt, định hướng cho nhận thức và hành động của toàn xã hội.
Theo nhiều chuyên gia
xã hội học, vấn đề cốt tử ở đây nằm ở phía cơ quan chức năng có trách nhiệm
phát ngôn và định hướng dư luận. Nghĩa rằng, những vấn đề nhạy cảm, thiết yếu,
liên quan đến quốc kế, dân sinh, lợi ích cộng đồng, vấn đề xã hội quan tâm...
thì rất cần phải có những phát ngôn chủ động, kịp thời, đúng lúc, minh bạch
cung cấp thông tin chính thống cho nhân dân. Cùng với đó, khi xuất hiện nhiều
luồng thông tin khác nhau, nảy nở tin đồn, hình thành dư luận tiêu cực thì
những phát ngôn chính thống sẽ có sức mạnh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng nhiễu
loạn thông tin. Ví như, dư luận bàn về tình trạng sức khỏe của một cán bộ cấp
cao đang lâm trọng bệnh, thì cơ quan thẩm quyền cần sớm công khai rõ ràng, đúng
đắn về sự việc ấy. Một khi có thông tin đúng, kịp thời, công khai rộng rãi thì
sự hoài nghi sẽ bị khắc chế, không để kéo dài phức tạp. Hay như những tin đồn
về việc cán bộ này, quan chức nọ rơi vào tiêu cực, nhũng nhiễu dân... thì cơ
quan chức năng sẽ dập tắt được tin đồn khi và chỉ khi chủ động, thẳng thắn công
khai thông tin về cán bộ ấy một cách thuyết phục.
Thực tế cho thấy, sở
dĩ ở nhiều thời điểm, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương việc phát ngôn, cung
cấp thông tin chính thống chưa được tiến hành kịp thời là bởi, những người phát
ngôn ở các cơ quan công quyền hiện nay đều là kiêm nhiệm; chưa có bộ phận phát
ngôn chuyên nghiệp. Thậm chí, trước nhiều thông tin, sự kiện, sự việc khác
nhau, ai cũng có thể phát ngôn-cung cấp thông tin một cách tự phát. Có khi,
việc phát ngôn còn nặng cảm tính, thiếu nhãn quan chính trị, thiếu độ chính xác
hoặc bị mâu thuẫn với nhau... càng khiến thông tin rối ren, nhiễu loạn. Trong
khi, kỹ năng của những người có trách nhiệm phát ngôn vẫn còn nhiều mặt hạn
chế; khả năng và điều kiện thu thập, tổng hợp thông tin chưa đầy đủ, nắm bắt
vấn đề chưa chắc chắn... dẫn đến thông tin dễ bị hiểu nhầm.
Hơn thế, một số tổ
chức, cá nhân có thẩm quyền phát ngôn, nhưng do nhiều nguyên nhân lại sinh ra
biểu hiện “sợ chết vì cái miệng” nên chọn cách “im lặng là vàng”. Lại có nơi,
vì một vài sai phạm nội bộ nên cố tình lấp liếm, giấu giếm khuyết điểm, không
dám thẳng thừng phát ngôn, cung cấp thông tin chính xác đến với công chúng, dư
luận... Sự im lặng không phải là phương cách hữu hiệu để xoa dịu dư luận mà
ngược lại, điều đó còn nhen nhóm mầm mống cho sự nảy sinh tin đồn thất thiệt,
suy diễn dẫn đến khó kiểm soát tâm trạng xã hội. Đến khi, ngọn lửa tiêu cực đã
bùng cháy, dư luận rơi vào trạng thái bức xúc, thì giới chức năng mới hớt hải
đi tháo gỡ, giải quyết theo kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”. Vấn đề đặt ra là
phải trao quyền và gắn trách nhiệm đối với những người có trách nhiệm phát ngôn
ở mỗi cơ quan. Phần việc này sẽ hiệu quả hơn nếu chúng ta xây dựng được một quy
trình phát ngôn có hệ thống, hoạt động chuyên nghiệp, được bồi dưỡng về chuyên
môn, có kỹ năng, kinh nghiệm xử lý, ứng phó trước các vấn đề, sự cố thông tin.
Nên nhớ rằng: Thông tin chính thống đưa càng chậm, sự thật càng dễ bị xuyên
tạc; thông tin chính thống càng lấp liếm, giấu giếm thì thông tin giả, thông
tin bịa đặt càng có đất đua nhau nảy nở, làm vấy bẩn dư luận.
Vậy nên, việc trước mắt là phải thống nhất nhận thức ở mọi cấp, mọi ngành, nhất là những người đứng đầu, những người có thẩm quyền phát ngôn, cung cấp thông tin chính thống. Dù thông tin được công khai có ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của tổ chức, sự nghiệp chính trị của một vài cá nhân thì nhất thiết phải sớm cung cấp một cách đầy đủ đến đời sống xã hội. Miễn là thông tin chính thống-miễn đó là đúng sự thật thì dù nội dung có cực đoan, tiêu cực hay xấu xí thì quần chúng cũng sẽ tiếp nhận bằng sự trân trọng, chia sẻ, cảm thông. Bằng không, “cái kim trong bọc cũng có ngày lòi ra” và hậu quả, hệ lụy thì đã được phơi bày ra nhãn tiền. Đó là việc kẻ thù được dịp “đục nước béo cò”, lợi dụng chống phá sự nghiệp cách mạng. Đó là việc đời sống tinh thần xã hội gặp những bất an, rủi ro, nảy sinh tiêu cực. Đặc biệt là việc quần chúng sẽ dần mất niềm tin đối với tổ chức đảng, bộ máy cầm quyền và đội ngũ cán bộ... Những hệ quả ấy chắc chắn sẽ rất nguy hại và thật sự đau lòng. Vì vậy, chủ động cung cấp thông tin chính thống là việc cần thiết và cấp thiết.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét