Tự do ngôn luận là một trong những quyền cơ bản của con người cần được tôn trọng và bảo đảm. Tuy nhiên ở bất kỳ quốc gia nào, tự do ngôn luận cũng phải nằm trong khuôn khổ pháp luật nhằm tránh hiện tượng bị lợi dụng, gây phương hại đến quyền, lợi ích của cá nhân khác, đến đạo đức xã hội, trật tự công cộng và an ninh quốc gia. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, internet và mạng xã hội đã trở thành công cụ thể hiện quyền tự do ngôn luận của đông đảo người dân, điều này đã tạo ra khoảng trống lớn cho các thế lực thù địch và phần tử cơ hội, phản động lợi dụng để chống phá đường lối chính sách của Đảng, nhà nước ta hiện nay. Cụ thể nhất, vào ngày 09/02/2023 trên trang blog VOV Tiếng Việt phát tán bài “Việt Nam vẫn bỏ tù và truy bức giới hoạt động”, nội dung phủ nhận giá trị tự do, dân chủ ở Việt Nam; vu cáo chính quyền Việt Nam vi phạm không gian dân sự thu hẹp quyền tự do ngôn luận…
Phải khẳng định rằng tự do nói
chung, tự do ngôn luận nói riêng đều cần được hiểu là tự do trong khuôn khổ
pháp luật. Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền năm 1948, Công ước nhân quyền châu Âu
năm 1953, Công ước về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 đều khẳng định quyền
tự do ngôn luận, nhưng cũng nhấn mạnh tự do ngôn luận là tự do trong những giới
hạn của đạo đức và pháp luật, chủ yếu là nhằm bảo vệ nhân phẩm, danh dự (đời
tư) của người khác, bảo vệ bí mật kinh doanh, chống kỳ thị, phân biệt đối xử,
chống kích động bạo lực, chiến tranh, chống chỉ trích, phê phán chính quyền, đặc
biệt nếu đó là những kêu gọi bạo loạn, đe dọa đến trật tự công cộng và an ninh
quốc gia. Bởi vậy, mỗi quốc gia có thể cân nhắc tình hình thực tế của mình để cụ
thể hóa việc thực hiện quyền tự do ngôn luận của công dân.
Rõ ràng, trong bất cứ chế độ chính
trị nào cũng không thể có tự do ngôn luận tuyệt đối, các quốc gia đều xử lý
nghiêm khắc hành vi lợi dụng tự do ngôn luận; đề cao tự do ngôn luận phải vì lợi
ích chung, không phải là sự tuyệt đối hóa tự do cá nhân, không thể lợi dụng tự
do ngôn luận để viết, nói, xuyên tạc với ý đồ xấu, bất chấp luân lý và luật
pháp.
Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước luôn
tôn trọng và bảo đảm các quyền con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận của
công dân. Tự do ngôn luận được xem là quyền hiến định ngay trong bản Hiến pháp
đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946: “Công dân Việt Nam có quyền:
tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự
do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài” (Điều 10). Hiến pháp nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 tiếp tục khẳng định: “Công dân có quyền
tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu
tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định” (Điều 25). Bên cạnh
đó, chúng ta còn có Luật Báo chí năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016.
Khung pháp lý của nước ta về quyền tự do ngôn luận cơ bản đầy đủ, đồng bộ,
tương thích với luật pháp quốc tế về quyền con người. Cũng giống như các quốc
gia khác trên thế giới, Việt Nam có những quy định để hạn chế và ngăn chặn những
hành vi lợi dụng tự do ngôn luận, xâm hại tới lợi ích quốc gia, quyền và lợi
ích hợp pháp của tổ chức, công dân.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét