Quần đảo
Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam gồm nhiều đảo đá san hô rất nhỏ ở
giữa biển Đông. Hiện hai quần đảo đang là tâm điểm tranh chấp phức tạp giữa một
số nước ven biển Đông. Về việc giải quyết tranh chấp chủ quyền đối với lãnh
thổ, pháp luật quốc tế đã hình thành nguyên tắc xác lập chủ quyền là nguyên tắc
chiếm hữu thật sự và thực hiện quyền lực Nhà nước một cách thật sự, liên tục và
hòa bình. Nguyên tắc này đã được các nước và các cơ quan tài phán quốc tế áp
dụng để giải quyết nhiều vụ tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ trên thế giới. Áp dụng nguyên tắc nói trên của pháp luật quốc tế vào
trường hợp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, các bằng chứng lịch sử và căn cứ
pháp lý đều cho thấy rằng các Nhà nước Việt Nam đã chiếm hữu thật sự hai quần
đảo này hàng trăm năm qua.
1. Luật quốc tế về chủ quyền lịch sử quy định: Sự
chiếm hữu lãnh thổ, muốn hợp pháp, phải hội đủ ba điều kiện
Một
là,
điều kiện liên quan đến đối tượng của sự chiếm hữu: lãnh thổ được chiếm hữu
phải là đất vô chủ (res nullius), hoặc là đã bị chủ từ
bỏ (res derelicta).
Hai là, chủ thể của sự chiếm hữu phải là một quốc gia.
Chiếm hữu phải được thực hiện bởi chính quyền của quốc gia muốn chiếm hữu hoặc
bởi đại diện của chính quyền chiếm hữu nhân danh quốc gia mình. Tư nhân không
có quyền chiếm hữu.
Ba
là,
phương pháp chiếm hữu: Ngày nay theo luật quốc tế, sự chiếm hữu lãnh thổ
phải bao gồm cả hai yếu tố vật chất và tinh thần. Yếu tố vật chất được thể hiện
qua việc chiếm hữu thực sự và hành xử chủ quyền trên lãnh thổ đó.
2.
Chứng cứ lịch sử về chủ quyền của Việt Nam
Những tư liệu còn lại
đến nay và chính sử vẫn đủ để khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần
đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Một là, các
bản đồ Việt Nam thế kỷ XVII đã gọi hai quần đảo bằng cái tên Bãi Cát Vàng và
ghi vào địa hạt huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi.
Hai là,
nhiều tài liệu cổ của Việt Nam như Toàn Tập Thiên Nam Tứ chí Lộ Đồ Thư (thế kỷ
XVII), Phủ Biên Tạp Lục (1776), Đại Nam Thực Lục Tiền Biên và Chính Biên (1844
- 1848), Đại Nam Nhất Thống Chí (1865-1875), các Châu bản nhà Nguyễn
(1802-1945)... đều nói về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như là Bãi Cát
Vàng vạn dặm trên Biển Đông và việc Nhà nước cử đội Hoàng Sa ra khai thác các
quần đảo này.
Ba là,
nhiều sách cổ, bản đồ cổ của nước ngoài cũng thể hiện các quần đảo Hoàng Sa và
Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Đỉnh cao nhất của việc tuyên bố và xác lập
chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là vào năm 1816
khi vua Gia Long sai quân lính ra quần đảo Hoàng Sa cắm cờ Việt Nam và tuyên bố
chủ quyền. Nhà nước phong kiến Việt Nam đã tổ chức các đội Hoàng Sa, Bắc Hải để
thực thi quyền chủ quyền và khai thác hai quần đảo. Các đội này được duy trì và
hoạt động liên tục từ thời chúa Nguyễn (1558-1783) đến nhà Tây Sơn (1786-1802)
và nhà Nguyễn. Triều đình Nhà Nguyễn đã cử các tướng Phạm Quang Ảnh (năm 1815),
Trương Phúc Sĩ, Phạm Văn Nguyên, Phạm Hữu Nhật (các năm 1834, 1835, 1836) ra
Hoàng Sa khảo sát, đo đạc các đảo, khảo sát, vẽ bản đồ, xây miếu, dựng bia.
Sau khi đô
hộ Đông Dương, Pháp nhân danh Việt Nam tiếp tục quản lý hai quần đảo qua việc
cử tàu chiến tuần tiễu để đảm bảo an ninh, ngăn chặn buôn lậu, cho phép người
Nhật khai thác phân chim trên đảo. Đầu những năm 30 của thế kỷ 20, Pháp cho
quân trú đóng ở các đảo chính thuộc quần đảo Trường Sa. Các hoạt động này đã
được công bố trong Công báo của Cộng hòa Pháp ngày 26-7-1933. Năm 1933, Toàn
quyền Đông Dương ra Nghị định quy thuộc quần đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa.
Pháp cũng tách quần đảo Hoàng Sa ra khỏi tỉnh Nam Nghĩa và đặt vào tỉnh Thừa
Thiên và cho một đơn vị đóng quân ở đó. Sau khi trở lại Đông Dương, Pháp đã yêu
cầu quân Trung Hoa Dân Quốc rút khỏi các đảo mà họ đã chiếm đóng trái phép năm
1946 và Pháp đã cho quân thay thế quân Trung Quốc, xây dựng lại trạm khí tượng,
đài vô tuyến. Năm 1951, tại Hội nghị San Francisco (Hoa Kỳ) có một đề nghị bổ
sung bản dự thảo Hòa ước yêu cầu trao trả cho Trung Quốc hai quần đảo Hoàng Sa
và Trường Sa. Nhưng Hội nghị đã bác bỏ đề nghị này với số phiếu áp đảo là 46
phiếu thuận, 3 phiếu chống và 1 phiếu trắng. Tại Hội nghị, Ngoại trưởng Trần
Văn Hữu dẫn đầu phái đoàn Chính phủ Quốc gia Việt Nam đã tuyên bố khẳng định
chủ quyền lâu đời của người Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
mà không gặp sự phản đối hay bảo lưu của nước nào.
Năm 1956
Pháp chuyển giao lãnh thổ miền Nam Việt Nam cho Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa
(VNCH) và chính quyền này đã cho quân ra tiếp quản, tổ chức hai quần đảo về mặt
hành chính (lập ở mỗi quần đảo một xã thuộc một huyện ở đất liền), xây các bia
chủ quyền, duy trì các trạm khí tượng. Đối với nhóm đảo phía tây của quần đảo
Hoàng Sa, chính quyền VNCH tiếp tục quản lý cho đến năm 1974. Năm 1974, Trung
Quốc dùng không quân, hải quân chiếm luôn phần phía tây của quần đảo Hoàng Sa.
Chính quyền VNCH đã kịch liệt phản đối hành động xâm lược này của Trung Quốc.
Năm 1975, chính quyền VNCH sụp đổ, Hải quân Việt Nam tiếp quản đầy đủ các đảo
do quân đội VNCH cai quản trên Biển Đông. Nhà nước Việt Nam thống nhất sau đó
tiếp tục khẳng định chủ quyền của người Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa và
Trường Sa, ban hành nhiều văn bản hành chính nhà nước thành lập các huyện đảo
Hoàng Sa và huyện đảo Trường Sa cũng như hoàn thiện việc quản lý hành chính
trên các quần đảo này. Một sự thật hiển nhiên là cho đến năm 1988 chưa hề có
bất kỳ sự hiện diện nào của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa. Ngày 14-3-1988,
Trung Quân bắt đầu dùng vũ lực chiếm đóng trái phép một số đảo thuộc quần đảo
Trường Sa của Việt Nam.
Dưới ánh
sáng của pháp luật quốc tế, Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp
lý để khẳng định chủ quyền lâu đời và liên tục của mình đối với hai quần đảo
Hoàng Sa và Trường Sa.
NMH H8
0 nhận xét:
Đăng nhận xét