Để xây dựng nước Việt Nam thực sự trở thành quốc gia
“mạnh về biển, làm giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng”, đòi hỏi mỗi
cán bộ, đảng viên và nhân dân phải có sự hiểu biết sâu sắc về biển đông, đảo -
quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; đường cơ sở, vùng nội thủy, vùng đặc
quyền kinh tế … trên cơ sở đó nâng cao ý thức trách nhiệm trong xây dựng và
bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận cán bộ,
nhân dân chưa thực sự có hiểu biết sâu sắc về vấn đề này.
TỔNG QUAN VỀ BIỂN ĐẢO CỦA NƯỚC TA:
Việt Nam nằm ngay bên bờ Biển Đông, giáp với Biển Đông ở hướng Đông, Đông Nam
và Tây Nam. Bờ biển nước ta cong hình chữ S, kéo dài trên 3.260km từ Móng
Cái (Quảng Ninh) đến Hà Tiên (Kiên Giang), đứng thứ 27 trong tổng số 157 quốc
gia ven biển, đảo quốc và các lãnh thổ trên thế giới. Theo Công ước về Luật
biển của Liên Hợp quốc năm 1982 thì nước ta có diện tích biển trên 1 triệu km2,
chiếm gần 30% diện tích Biển Đông.
Trong số 63 tỉnh, thành phố của nước ta, có 28 tỉnh, thành phố giáp
biển. Trung bình cứ khoảng 100 km2 đất liền có 1 km bờ biển (mức trung
bình trên thế giới là 600 km2 đất liền/1 km bờ biển). Nơi gần biển nhất ở nước
ta (Quảng Bình) chỉ cách biển khoảng 50 km, nơi xa nhất (Điện Biên) cách biển
khoảng 500 km. Vùng biển nước ta rộng lớn với hàng ngàn đảo lớn nhỏ, đặc biệt
là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm ở trung tâm Biển Đông, có vị trí địa
chiến lược rất quan trọng.
Vùng biển nước ta có gần 4.000 hòn đảo lớn nhỏ trong đó: vùng biển Đông
Bắc có trên 3.000 đảo; Bắc Trung Bộ trên 40 đảo; còn lại ở vùng biển Nam Trung
Bộ, vùng biển Tây Nam và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Hệ thống đảo tiền tiêu có vị trí
quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và BVTQ. Đó là các
đảo, quần đảo như: Hoàng Sa, Trường Sa, Thổ Chu, Phú Quốc..., Côn Đảo, Phú Quý,
Lý Sơn, Cồn Cỏ, Cô Tô, Bạch Long Vĩ ...
Các đảo lớn có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triên kinh tế-xã
hội. Đó là các đảo như: Cô Tô, Cát Bà, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Phú Quý, Côn Đảo,
Phú Quốc. Các đảo gần bờ có điều kiện phát triển nghề cá, du lịch và cũng là
căn cứ đề bảo vệ trật tự, an ninh trên vùng biển và bờ biển nước ta. Đó là các
đảo thuộc huyện đảo Cát Bà, huyện đảo Bạch Long Vĩ, huyện đảo Phú Quý, huyện
đảo Côn Sơn, huyện đảo Lý Sơn, huyện đảo Phú Quốc...
Quần đảo Hoàng Sa (Paracels Island) gồm trên 30 đảo, đá, cồn san hô, đá
ngầm và bãi cạn với diện tích khoảng 16.000 km2 cách đảo Lý Sơn (Cù lao Ré)
khoảng 120 hải lý, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 140 hải lý. Diện
tích toàn bộ phần đất nổi của quần đảo khoảng 10 km2 được chia thành hai nhóm:
Nhóm An Vĩnh ở phía Đông Bắc (gồm các đảo tương đối lớn như đảo Phú Lâm,
Đảo Cây, Đảo Linh Côn và các bãi ngầm chính), trong đó đảo Phú Lâm, và đảo Linh
Côn có diện tích khoảng 1,5 km2.
Nhóm Lưỡi Liềm (Trăng Khuyết) ở phía Tây Nam (gồm các đảo Hoàng Sa, Hữu
Nhật, Duy Mộng, Quang ảnh, Quang Hòa Bạch Quỷ, Tri Tôn và các bãi ngầm), trong
đó đảo Hoàng Sa về yếu tố quân sự là đảo chính nhưng không phải là đảo lớn
nhất.
Nhà Nguyễn đã chính thức đặt bia chủ quyền của Việt Nam trên đảo Hoàng
Sa từ năm 1816, từ đó, Việt Nam liên tục thực hiện chủ quyền cho đến năm 1974
Trung Quốc dùng không quân và hải quân tấn công chiếm đóng trái phép đảo Hoàng
Sa từ lực lượng quân đội của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa (Trước đó, năm 1956
Trung Quốc bí mật chiếm đảo Phú Lâm và Linh Côn thuộc quần đảo Hoàng Sa của
Việt Nam).
Quần đảo Trường Sa (Spratly Island) gồm hơn 100 hòn đảo, đá, cồn san hô và
bãi cát, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng trên 200 hải lý về phía Đông Nam, cách
Cam Ranh 243 hải lý, cách đảo Phú Quý khoảng 203 hải lý (cách biển của
Malaixia khoảng 250 hải lý, đến biển Philippin khoảng 2120 hải lý, đến biển
Brunây khoảng 320 hải lý, cách đảo Hải Nam khoảng 585 hải lý). Diện tích vùng
biển của quần đảo Trường Sa rộng từ 160.000 km2 đến 180.000 km2. Diện tích toàn
bộ phần đất nổi của quần đảo khoảng 10 km2, trong đó có 9 đảo, bãi quan trọng
là các đảo Trường Sa, An Bang, Ba Bình, Nam Yết, Loại Ta, Thị Tứ, Song Tử Đông,
Song Tử Tây và bãi An Nhơn (đảo Ba Bình lớn nhất, khoảng 0,44 km2).
Hai vịnh lớn trên Biển Đông:
Vịnh Bắc Bộ: Là một trong những vịnh
lớn của thế giới, có diện tích khoảng 126.250 km2 (36.000 hải lý vuông), rộng
từ 105o36’E đến 109o55’E, trải dài từ vĩ tuyến 17oN đến vĩ tuyến 21oN. Chiều
ngang nơi rộng nhất khoảng 310km và nơi hẹp nhất khoảng 220 km (119 hải
lý).
Bờ Vịnh Bắc Bộ thuộc 10 tỉnh, thành phố của Việt
Nam với tổng chiều dài khoảng 763km và bờ biển thuộc hai tỉnh Quảng Tây, Hải
Nam của Trung Quốc với tổng chiều dài khoảng 695km. Vịnh Bắc Bộ thông ra Biển
Đông qua của phía Nam, nằm giữa Tây Nam đảo Hải Nam và bán đảo Sơn Trà (Đà
Nẵng) và qua eo biển Quỳnh Châu nằm giữa bán đảo Lôi Châu và phía Bắc đảo Hải Nam.
Hiệp Định Phân định Vịnh Bắc Bộ ký ngày 25/12/2000 giữa Việt Nam và
Trung Quốc đã xác định ranh giới lãnh hải của hai nước ở ngoài cửa sông Bắc
Luân, cũng như ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước ta và
Trung Quốc ở trong Vịnh Bắc Bộ. Phần vịnh phía Việt Nam có khoảng 2.300 đảo, đá
ven bờ, đặc biệt có đảo Bạch Long Vĩ với diện tích 2,5km2 nằm cách đất liền
Việt Nam khoảng 110km, cách đảo Hải Nam khoảng 130km. Phía Trung Quốc có một số
ít đảo nhỏ ở phía Đông Bắc vịnh như đảo Vị Châu, Tà Dương.
Vịnh Thái Lan: Là vịnh nằm ở phía Tây Nam
Biển Đông được bao bọc bởi bờ biển Việt Nam, Căm-pu-chia, Thái Lan và
Ma-lai-xi-a, trải dài từ vĩ tuyến 5° đến 14° Bắc và từ kinh tuyến 99° đến 105°
Đông và kết thúc ở phía Bắc Đông Bắc ở mũi Cà Mau tại 8°36’ Bắc - 102°21’ Đông.
Vịnh rộng khoảng 293.000 km2, chu vi khoảng 2.300km, chiều dài 628 km. Vịnh
Thái Lan là một vịnh nông với độ sâu trung bình khoảng 60 – 80 m. Đảo Phú Quốc
trong Vịnh là đảo lớn nhất của Việt Nam, diện tích 567km2.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét