Việt Nam có một nền văn hoá đặc sắc, lâu đời phong phú, đa dạng nhưng thống nhất gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc. Xuyên suốt toàn bộ lịch sử Việt Nam, đã có ba lớp văn hóa đan xen với nhau: lớp văn hoá bản địa, lớp văn hoá giao lưu với Trung Quốc và khu vực, lớp văn hoá giao lưu với phương Tây. Ba lớp văn hóa này cũng chính là ba giai đoạn phát triển của văn hóa Việt Nam: từ nền Văn hóa Đông Sơn với sự hình thành của nhà nước Văn Lang - Âu Lạc, tiếp theo đến thời kỳ chống Bắc thuộc qua các triều đại nhà nước phong kiến độc lập, cuối cùng là văn hóa Việt Nam hiện đại với khởi nguồn là chủ nghĩa Mác - Lênin.
Trong thời đại ngày nay, xu thế
toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ, trên quy mô lớn. Toàn cầu hóa
tạo ra cơ hội phát triển nhưng cũng chứa đựng nhiều yếu tố bất bình đẳng, gây
khó khăn, thách thức lớn cho các quốc gia trên thế giới và Việt Nam cũng là một
quốc gia chịu sự tác động lớn của quá trình này. Hội nhập quốc tế là quy luật
khách quan nhưng trong tương quan lại nghiêng về các nước phát triển, các nước
lớn. Cho nên Việt Nam cần tỉnh táo, thông minh trong quá trình hội nhập để
không bị hòa tan.
Nhận thức rõ những vấn đề đó, bằng
tư duy mới từ năm 1998, với Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, Đảng ta xác định
văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của
sự phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết Hội nghị Trung ương thứ 5 chỉ rõ:
“phương hướng chung, đồng thời là nhiệm vụ bao quát của sự nghiệp văn hóa nước
ta là phát huy chủ nghĩa yêu nước và truyền thống đại đoàn kết dân tộc, ý thức
độc lập tự chủ, tự cường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, xây dựng
và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thụ
những tinh hoa văn hóa nhân loại, làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống
và hoạt động xã hội, vào từng người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng,
từng địa bàn dân cư, vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người, tạo nên
trên đất nước ta đời sống tinh thần cao đẹp, trình độ dân trí cao, khoa học
phát triển phục vụ đặc lực sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu
dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng văn minh, tiến bước vững chắc lên chủ
nghĩa xã hội”.
Nghị quyết Trung ương 5 “Xây dựng
và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” vừa đáp ứng
đúng những đòi hỏi bức xúc của cuộc sống vừa là định hướng chiến lược cơ bản
cho sự nghiệp xây dựng, củng cố và không ngừng tăng cường nền tảng tinh thần xã
hội ta. Từ nền tảng này, văn hóa còn được xác định là một trong bốn trụ cột của
phát triển bền vững, có vị trí ngang với kinh tế, chính trị và xã hội. Từ đây,
văn hóa không chỉ có chức năng nhận thức, giáo dục, đáp ứng nhu cầu tinh thần của
con người mà còn là nguồn lực nội sinh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Trong quá trình giao lưu văn hóa
hiện nay, sự xâm nhập, thẩm thấu các giá trị văn hóa ngoại lai vào nước ta diễn
ra thông qua nhiều hình thức, con đường rất tinh vi, nên chúng ta rất cần có những
giải pháp phù hợp để phòng ngừa những tác hại, hệ lụy của những luồng văn hóa
lai căng, xấu độc. Muốn giữ được gốc gác cội nguồn dân tộc và bản sắc văn hóa
Việt Nam, ngoài trách nhiệm của ngành văn hóa và những người làm công tác văn
hóa, đòi hỏi phải có sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành và cả cộng đồng,
xã hội. Vì văn hóa gắn liền với mỗi con người, mỗi cộng đồng dân tộc, mỗi địa
phương và gắn liền với các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội, do đó, cả hệ
thống chính trị phải cùng nêu cao trách nhiệm trong việc tham gia giữ gìn, bảo
tồn và phát huy các di sản văn hóa của dân tộc./.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét