CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Ba, 30 tháng 5, 2023

KHƠI DẬY KHÁT VỌNG PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC - ĐIỂM MỚI, ĐIỂM NHẤN TRONG CHỦ ĐỀ ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG

 

Tóm tắt: Trong thời kỳ đổi mới, mỗi kỳ Đại hội Đảng là một dấu ấn quan trọng trong sự phát triển của cách mạng nước ta, khẳng định bản lĩnh, trí tuệ và quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. “Khát vọng phát triển đất nước” là một nội dung trong chủ đề Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đây là điểm mới, điểm nhấn quan trọng khẳng định quyết tâm mãnh liệt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới toàn diện, đồng bộ, phát triển nhanh và bền vững.

Từ khóa: Khát vọng, Đại hội XIII của Đảng; Phát triển đất nước

Trong thời kỳ đổi mới, mỗi kỳ Đại hội Đảng là một dấu ấn quan trọng trong sự phát triển của cách mạng nước ta, khẳng định bản lĩnh, trí tuệ và quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trước mỗi giai đoạn cách mạng trên nền tảng thành tựu đã đạt được cùng với những đặc điểm thuận lợi, khó khăn và thách thức đang đặt ra. Xuất phát từ nhu cầu khách quan cấp thiết của thực tiễn đất nước và thế giới với nhiều thời cơ, thách thức đan xen, đặt ra nhiều vấn đề mới về lý luận và thực tiễn, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đòi hỏi chúng ta phải vươn lên mạnh mẽ hơn, đổi mới đồng bộ, toàn diện hơn, ở trình độ cao hơn. “Khát vọng phát triển đất nước” là một nội dung trong chủ đề Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đây là điểm mới, điểm nhấn quan trọng không chỉ khẳng định quyết tâm mãnh liệt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới toàn diện, đồng bộ, phát triển nhanh và bền vững thực hiện mục tiêu đến giữa thế kỷ 21 đưa đất nước ta trở thành một nước phát triển, thu nhập cao, mà còn khẳng định thành tựu của 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, của cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước như ngày nay.

1. Khát vọng về một Việt Nam độc lập, tự do và hạnh phúc đã làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc trong thế kỷ 20

Trong đấu tranh cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam đã đập tan gông xiềng áp bức, bóc lột của đế quốc, phong kiến, xây dựng và bảo vệ Nhà nước cách mạng; đánh thắng các thế lực xâm lược hùng mạnh, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Những chiến công oanh liệt đó được tạo nên bằng sức mạnh vô địch được khởi nguồn từ khát vọng mãnh liệt “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”[1], bằng những hành động “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”[2]; Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, “Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”[3](3).

2. Khát vọng ấm no, hạnh phúc đã đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn đổi mới thành công, có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay

Đất nước thống nhất, cả nước bước vào giai đoạn cách mạng mới, tiến hành công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước. Khát vọng chiến thắng đói nghèo, lạc hậu xây dựng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân đã được Đảng ta xác định quyết tâm đổi mới, hội nhập quốc tế và được chuyển hóa thành sức mạnh to lớn đưa đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng trong những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ XX; vượt qua cuộc chấn động chính trị toàn cầu khi mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên bang Xô viết và Đông Âu xụp đổ, cùng những thử thách khắc nghiệt do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính khu vực những năm 1997 - 1998 và cuộc khủng hoảng tài chính, suy giảm kinh tế toàn cầu những năm 2008 - 2009, từng bước đưa đất nước ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình; vượt lên, kiềm chế thành công đại dịch Covid-19, hạn chế đến mức thấp nhất những tổn thất do dịch bệnh gây ra, ổn định kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân, khôi phục, duy trì tăng trưởng. Sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới. Đất nưốc đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mối. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

3. Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Thành tựu của 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đất nưốc đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam ngày càng hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đây là kết tinh sức sáng tạo của Đảng và nhân dân ta, khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại. Đây không chỉ là niềm tự hào, là động lực, nguồn lực quan trọng, mà còn là niềm tin để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta bước vào giai đoạn cách mạng mới sâu sắc hơn, toàn diện hơn và mạnh mẽ hơn để phát triển nhanh và bền vững đất nước. Việc đẩy mạnh mở cửa và hội nhập quốc tế bằng hoạt động đối ngoại tích cực, độc lập và tự chủ đã cho phép chúng ta tiến cùng thời đại, nắm bắt, dự báo, tiếp cận được những xu thế phát triển và những giá trị phổ quát của nhân loại. Những thành tựu đó tạo nền tảng vững chắc để khẳng định “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” của Văn kiện Đại hội XIII của Đảng không phải là một huyễn tưởng xuất phát từ ngẫu hứng chủ quan, duy ý chí, mà là một khát vọng bắt nguồn từ niềm tin vững chắc vào cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước, vào bản lĩnh và những kinh nghiệm dày dạn mà Đảng, nhân dân ta trong thực tiễn lao động và đấu tranh cách mạng. Đó là khát vọng được bồi đắp trên cơ sở phân tích, dự báo kỹ lưỡng những thời cơ, thuận lợi có thể nắm bắt, phát huy; đồng thời, tỉnh táo cân nhắc, tính toán những khó khăn, thách thức bên ngoài, những yếu kém, trở ngại bên trong cần phải kiên quyết khắc phục, thích ứng, vượt qua.

Trên cơ sở đánh giá khách quan, toàn diện thành tựu của 35 năm đổi mới đất nước và khẳng định những kết quả đó “là niềm tự hào, là động lực, nguồn lực quan trọng, là niềm tin để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới toàn diện, đồng bộ; phát triển nhanh và bền vững đất nước”[4]. Bên cạnh đó, tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen, đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối vối sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phải tiếp tục đổi mối mạnh mẽ tư duy, có quyết tâm chính trị cao, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc bằng tinh thần yêu nước và sức mạnh đoàn kết dân tộc.

Tinh thần yêu nước là một truyền thống quý báu của dân tộc ta, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”[5] (5). Tinh thần yêu nước của mỗi người dân là nền tảng, cội nguồn sức mạnh của dân tộc khi được khơi dậy, đoàn kết lại và hướng vào thực hiện mục tiêu cụ thể vì lợi ích chung. Không chỉ khi “Tổ quốc bị xâm lăng” thì tinh thần yêu nước của mỗi người dân mới được khơi dậy, sôi nổi và đoàn kết lại, mà tin thần ấy cần được khơi dậy, sôi nổi, kết lại với khát vọng lớn lao hướng tới kỉ niệm 100 năm thành lập nước, vì mục tiêu phồn vinh, hạnh phúc của nhân dân.

Đại đoàn kết dân tộc là một giá trị tinh thần to lớn, một truyền thống cực kì quý báu của dân tộc ta, được hun đúc trong suốt mấy nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đoàn kết đã trở thành một bài học to lớn của cách mạng Việt Nam đưa dân tộc ta vượt qua bao biến cố, thăng trầm của thiên tai, địch họa, để tồn tại và phát triển bền vững cho đến hôm nay và mai sau. Tuy nhiên, việc thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng gây ra những trở lực, thách thức đối với khối đại đoàn kết dân tộc. Hơn nữa, “các nguồn lực, tiềm năng sáng tạo của nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc chưa được phát huy tốt”[6] và bài học “thực sự coi trọng, phát huy hiệu quả vai trò động lực của con người” cần được quan tâm và phát huy hiệu quả. Đây là những thách thức quan trọng mà con thuyền cách mạng Việt Nam cần vượt qua hướng tới tương lai tươi sáng của một đất nước độc lập, một dân tộc tự do, ấm no, hạnh phúc.

Lấy “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” là mẫu số chung để khơi dậy tinh thần yêu nước của mỗi người dân, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc quanh Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc. Muốn vậy, trước hết, cần tiếp tục nâng cao nhận thức quan điểm: đại đoàn kết là sự nghiệp của cả dân tộc, của cả hệ thống chính trị mà hạt nhân lãnh đạo là Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu, là nhân tố bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước góp phần xây dựng Đảng và chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh. Đẩy mạnh thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, tổ chức động viên nhân dân tham gia các phong trào thi đua làm kinh tế giỏi, phát triển kinh tế gắn liền với phát triển văn hoá - xã hội. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động nghiên cứu, nắm bắt, dự báo đúng tình hình, không để bị động, bất ngờ. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc đi đôi vối giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng trên cơ sở giữ vững độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường.

Nhiệm kỳ Đại hội XIII là một dấu mốc, một bước chuyển hết sức quan trọng, làm tiền đề cho các nhiệm kỳ tiếp theo để thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu cụ thể “phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”[7]. Phải khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc[8]. Phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất.



[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 15, tr. 131

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 534

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 280

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Tr. 92

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, Tập 7, tr. 38

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Tr.  79

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Tr.  99

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Tr. 98

0 nhận xét: