CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Chủ Nhật, 23 tháng 7, 2023

NHẬN DIỆN VÀ ĐẤU TRANH PHẢN BÁC CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH MƯU TOAN PHỦ NHẬN NGUYÊN TẮC TẬP TRUNG DÂN CHỦ CỦA ĐẢNG TRONG TÌNH HÌNH MỚI

 

Tập trung dân chủ (TTDC) là nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây luôn là mục tiêu công kích của các lực lượng thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị, hòng phủ nhận nguyên tắc này, mưu toan phủ nhận bản chất của Đảng. Trước bối cảnh phức tạp của tình hình thế giới, khu vực thì việc kiên quyết bảo vệ và giữ vững nguyên tắc TTDC là vấn đề có tính chất “sống còn”, ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch hòng phủ nhận nguyên tắc tập trung dân chủ

Trong suốt quá trình Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo cách mạng, các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị luôn dùng mọi “ngón đòn” tinh vi, xảo quyệt hòng phủ nhận nguyên tắc TTDC, tiến tới mưu toan phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Một trong những âm mưu cực kỳ thâm độc, nguy hiểm đó là “tấn công”, phá vỡ sự đoàn kết, thống nhất, chặt chẽ về mặt tổ chức và hoạt động của Đảng, làm cho Đảng tan rã cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Chúng lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo chí, “núp bóng dân chủ”, “đội lốt nhân quyền” tung chiêu bài “thư ngỏ”, “góp ý”, “hội thảo khoa học” để rêu rao rằng: Tập trung và dân chủ là hai mặt không thể thống nhất, “đã tập trung thì không thể có dân chủ, đã dân chủ thì không thể tập trung”, “tập trung với dân chủ như lửa với nước”. Bởi vậy, hoặc chỉ có tập trung, hoặc chỉ có dân chủ (!?). Thực chất, các quan điểm này muốn tách rời tập trung với dân chủ nhằm phủ nhận một mặt nào đó để xuyên tạc rằng Đảng ta quan liêu, độc đoán, chuyên quyền hoặc dân chủ vô chính phủ, mưu toan phá vỡ sự chặt chẽ, thống nhất trong tổ chức và hoạt động của Đảng, mưu toan làm suy giảm sức chiến đấu, uy tín của Đảng ta.

Trong bối cảnh nước ta thực hiện công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trước sự vận động, phát triển của tình hình cách mạng, các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị luôn dùng chiêu bài xuyên tạc, thổi phồng, bôi đen, bóp méo, suy diễn vấn đề TTDC. Chúng cho rằng: TTDC chỉ phù hợp khi Đảng còn hoạt động bí mật hoặc trong điều kiện chiến tranh, còn trong thời bình, nguyên tắc đó đã lỗi thời, không còn phù hợp, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn tới trì trệ, tiêu cực. Nguy hiểm hơn, một mặt, chúng vẫn tỏ ra ca ngợi Đảng và Bác Hồ đã vận dụng tốt nguyên tắc TTDC, sáng suốt chèo lái con thuyền cách mạng trong thời chiến; mặt khác, chúng lợi dụng những yếu kém, khuyết điểm của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực để đánh lận và “đổ lỗi” cho những khuyết điểm, hạn chế đó đều do nguyên tắc TTDC không còn phù hợp trong thời bình, khi đất nước đổi mới, hội nhập sâu rộng... (!?). Từ đó, chúng đòi hỏi Đảng phải từ bỏ nguyên tắc TTDC “cho phù hợp tình hình mới” (!?).

Bất chấp thực tiễn khách quan, các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị xuyên tạc rằng: Một đảng là độc đoán, chuyên quyền, không có đối trọng, không có dân chủ, xã hội không phát triển, không thể có dân chủ trong chế độ một đảng duy nhất cầm quyền; Việt Nam muốn dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh thì cần phải chấm dứt sự độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản (!?). Theo chúng: Đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập là “xu hướng của thời đại”, của các quốc gia trên thế giới cũng là “hướng đi”, “bước tiến” đúng đắn của Việt Nam (!?). Đây là âm mưu thâm độc cổ xúy cho đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập hòng tạo cơ hội cho các lực lượng phản động, thù địch “ngóc đầu” chống phá Đảng, Nhà nước, mưu toan xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Lợi dụng những hạn chế, khuyết điểm, nhất là khi Đảng ta đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 ở các khóa XI, XII và XIII, với quan điểm “không có vùng cấm”, “không có trường hợp ngoại lệ”, xử lý nghiêm nhiều cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng sai phạm, làm trong sạch Đảng thì các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị không từ bất kỳ thủ đoạn thâm độc nào để xuyên tạc, bóp méo sự thật. Chúng quy chụp, đánh đồng hiện tượng thành bản chất, như tham nhũng là bản chất của Đảng, của TTDC, là hệ quả của một đảng cầm quyền (!?); mục đích của Đảng đã thay đổi không còn vì nước, vì dân như lúc Chủ tịch Hồ Chí Minh còn sống, giờ đây là vì lợi ích nhóm, lợi ích của cán bộ, đảng viên (!?). Chúng xuyên tạc rằng: Chống tham nhũng là để thanh trừng phe, cánh chứ không phải là để làm cho Đảng sạch hơn, mạnh hơn (!?).

Thực tiễn cho thấy, trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhiệm vụ chống tham nhũng được coi là phương thuốc chữa bệnh đặc hiệu, làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh. Với quan điểm “xử một người, cứu muôn người”, “chặt cành để cứu cây”, làm cho Đảng thực sự trong sạch, là đội tiên phong của giai cấp công nhân, xứng đáng với sứ mệnh lịch sử và trọng trách mà nhân dân giao phó, “cuộc đại phẫu” này tuy đau, nhưng cần thiết và được nhân dân đồng tình ủng hộ. Chưa khi nào uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam được tăng cao như ngày nay. Vì vậy, những luận điểm “đánh lận bản chất, bôi đen mục tiêu”, mưu toan tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng cần phải được nhận diện và đấu tranh phản bác kịp thời.

Không thể phủ nhận nguyên tắc tập trung dân chủ

Tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và sinh hoạt Đảng; là tiêu chí để phân biệt chính đảng của giai cấp công nhân, đảng cách mạng chân chính với các đảng khác. Đảng ta đã khẳng định: “Sự chặt chẽ về nguyên tắc là vấn đề sống còn của Đảng và bảo đảm quan trọng nhất cho sức sống, sự trong sạch và vững mạnh của Đảng”(1). Thực hiện tốt nguyên tắc TTDC là vấn đề thuộc về bản chất của Đảng Cộng sản. Vì vậy, tuyệt đối không thể phủ nhận nguyên tắc này. Trong Điều lệ Đảng được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI thông qua đã quy định rõ nội dung nguyên tắc TTDC, đó là: (i) Cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng do bầu cử lập ra, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; (ii) Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng là Đại hội đại biểu toàn quốc. Cơ quan lãnh đạo ở mỗi cấp là đại hội đại biểu hoặc đại hội đảng viên. Giữa hai kỳ đại hội, cơ quan lãnh đạo của Đảng là Ban Chấp hành Trung ương, ở mỗi cấp là ban chấp hành đảng bộ, chi bộ; (iii) Cấp uỷ các cấp báo cáo và chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trước đại hội cùng cấp, trước cấp uỷ cấp trên và cấp dưới; định kỳ thông báo tình hình hoạt động của mình đến các tổ chức đảng trực thuộc, thực hiện tự phê bình và phê bình; (iv) Tổ chức đảng và đảng viên phải chấp hành nghị quyết của Đảng. Thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức, các tổ chức trong toàn Đảng phục tùng Đại hội đại biểu toàn quốc và Ban Chấp hành Trung ương; (v) Nghị quyết của các cơ quan lãnh đạo của Đảng chỉ có giá trị thi hành khi có hơn một nửa số thành viên trong cơ quan đó tán thành. Trước khi biểu quyết, mỗi thành viên được phát biểu ý kiến của mình. Đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số được quyền bảo lưu và báo cáo lên cấp uỷ cấp trên cho đến Đại hội đại biểu toàn quốc, song phải chấp hành nghiêm chỉnh nghị quyết, không được truyền bá ý kiến trái với nghị quyết của Đảng. Cấp uỷ có thẩm quyền nghiên cứu xem xét ý kiến đó; không phân biệt đối xử với đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số; (vi) Tổ chức đảng quyết định các vấn đề thuộc phạm vi quyền hạn của mình, song không được trái với nguyên tắc, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của cấp trên(2). Rõ ràng, ngay từ Điều lệ Đảng, Đảng ta đã rất tôn trọng nguyên tắc TTDC.

Tập trung dân chủ thể hiện bản chất của Đảng. Vì vậy, không thể phân biệt nguyên tắc này phù hợp hay không phù hợp trong giai đoạn chiến tranh hay hòa bình. TTDC là nguyên tắc xuyên suốt trong quá trình Đảng lãnh đạo cách mạng. Bất luận trong điều kiện, hoàn cảnh nào, TTDC luôn là nguyên tắc “rường cột” của Đảng, không ngừng được bổ sung, phát triển phù hợp với sự vận động, phát triển của tình hình cách mạng, đúng với quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

Thực tiễn cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng lãnh đạo đến nay là minh chứng để khẳng định không thể phủ nhận nguyên tắc TTDC. Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Từ khi ra đời, Đảng ta đã xác định Đảng phải “tổ chức theo lối dân chủ tập trung”(4). Từ đó đến nay, trong Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định “Đảng là một tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động, lấy TTDC làm nguyên tắc tổ chức cơ bản...”(5). Với bản lĩnh chính trị vững vàng, đường lối lãnh đạo đúng đắn, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tập hợp quần chúng nhân dân đoàn kết, anh dũng đứng lên vượt qua mọi khó khăn, thử thách, làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 “rung trời, lở đất”, “đập tan mọi xiềng xích”, “phá nát mọi gông cùm”, đánh đổ thực dân, phong kiến, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đưa người dân từ thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước.

Lịch sử đã chứng minh, nếu Đảng Cộng sản nào từ bỏ nguyên tắc TTDC thì Đảng đó tự “bóp chết” chủ nghĩa Mác - Lê-nin, thủ tiêu vai trò lãnh đạo của Đảng, thành quả cách mạng mà biết bao thế hệ đã đổ xương, đổ máu sẽ bị tiêu tan. Thực tiễn ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu những năm 90 của thế kỷ trước đã cho chúng ta một bài học hết sức “đau xót” cần rút kinh nghiệm để tránh đi vào “vết xe đổ” trong lịch sử. Dưới sự tác động của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị và sự sai lầm của Đảng Cộng sản Liên Xô, nguyên tắc TTDC đã bị từ bỏ - bản chất của Đảng bị “biến dạng” và “biến chất”. Đặc biệt, ngày 15-3-1990, tại Đại hội đại biểu nhân dân bất thường, Điều 6 Hiến pháp của Liên Xô quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã bị xóa bỏ. Đây là “dấu mốc” quan trọng, “khởi nguồn” cơ chế “đa nguyên, đa đảng” và tất yếu “dọn đường” cho sự ra đời nhiều tổ chức, đảng phái chính trị đối lập cạnh tranh vai trò lãnh đạo. “Sau khi Điều 6 Hiến pháp Liên Xô bị xóa bỏ, ngay lập tức, các đảng phái xuất hiện “như nấm sau mưa”, ngoài Đảng Cộng sản Liên Xô còn có tới 153 tổ chức đảng phái khác ra đời và cạnh tranh vai trò lãnh đạo với Đảng Cộng sản. Đến đầu năm 1991, sự tồn tại của Đảng Cộng sản Liên Xô chỉ còn trên danh nghĩa và sự sụp đổ của Liên bang Xô viết vào cuối năm 1991 là tất yếu, khi Đảng Cộng sản đã mất quyền lãnh đạo”(7).

Không tốn một viên đạn, nhưng “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” có sức “công phá” và “hủy diệt” chưa từng có, đã làm cho Liên Xô - một siêu cường quốc, một Đảng với hơn 20 triệu đảng viên, một quân đội với hơn 4 triệu quân nhân được trang bị vũ khí hiện đại và tinh nhuệ bậc nhất thế giới đã nhanh chóng mất sức chiến đấu, “khoanh tay đứng nhìn”. “Thành trì vĩ đại” bị sụp đổ, kéo theo sự sụp đổ của cả hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu mà hệ lụy của nó còn ảnh hưởng nhiều năm, nhiều quốc gia và qua nhiều thế hệ. Xung đột ở U-crai-na, những nguy cơ gây bất ổn ở châu Âu và đe dọa sự ổn định, trật tự thế giới đang minh chứng rõ hệ quả của việc từ bỏ nguyên tắc TTDC, từ bỏ vai trò lãnh đạo của đảng cộng sản ở các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô. Thực tiễn này một lần nữa khẳng định: Bất luận trong điều kiện, hoàn cảnh nào cũng không thể chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, không được từ bỏ nguyên tắc TTDC, đồng thời kiên quyết bảo vệ nguyên tắc TTDC, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Mọi mưu toan xa rời, phủ nhận nguyên tắc TTDC trong Đảng phải kịch liệt phê phán, kịp thời ngăn chặn.

0 nhận xét: