Những năm gần đây, mạng xã hội đã có bước phát triển mạnh mẽ,
tác động lớn đến đời sống xã hội ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó
có nước ta. Mạng xã hội giúp cho người dùng kết nối, chia sẻ, tiếp nhận thông
tin nhanh chóng, hiệu quả, góp phần tích cực vào sự phát triển của đời sống văn
hóa tinh thần của xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực,
mạng xã hội đã và đang trở thành công cụ để các thế lực thù địch lợi dụng tiến
hành phá hoại trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa. Các thế lực thù địch, phản động
đã lập ra và sử dụng hàng ngàn trang mạng xã hội vào các hoạt động tuyên truyền
phá hoại tư tưởng, văn hóa. Chúng lợi dụng chiêu bài phản biện xã hội, đấu
tranh chống tiêu cực, tham nhũng, bảo vệ môi trường, dân chủ, nhân quyền… để
đăng tải những nội dung thông tin sai lệch, không được kiểm chứng, suy diễn
xuyên tạc, từ đó kết luận các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước là
sai lầm và đòi xóa bỏ; kích động dư luận, hình thành tâm lý phản kháng, tư tưởng
bất mãn, chống đối, tiến tới kêu gọi biểu tình, bạo loạn lật đổ chế độ. Lợi dụng
mạng xã hội, các thế lực thù địch tuyên truyền, cổ vũ lối sống tôn thờ tự do cá
nhân, lối sống thực dụng, ấn phẩm đồi trụy, bạo lực… đi ngược lại
truyền thống văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, trước việc lồng ghép thông tin thật,
giả lẫn lộn cùng những chiêu trò tung hỏa mù nguy hiểm của các thế lực thù địch,
một số cán bộ, đoàn viên thanh niên còn biểu hiện dao động tâm lý, mơ hồ, mất cảnh
giác. Một số cán bộ, đoàn viên do thiếu kinh nghiệm, kỹ năng xử lý thông tin
nên đã vô tình tương tác, chia sẻ, phát tán thông tin xấu độc trên không gian mạng;
một số hình ảnh đăng tải chưa đúng quy định, vô tình lộ lọt thông tin mật của
đơn vị; thể hiện quan điểm qua “nút like” vẫn còn cảm tính, tâm lý đám
đông, thiếu suy nghĩ. Chính vì vậy, nâng cao khả năng đề kháng của cán bộ, đoàn
viên thanh niên Nhà trường là một yêu cầu đặt ra nhằm ngăn chặn các nguy cơ,
tác động xấu từ mạng xã hội đồng thời góp phần đấu tranh làm thất bại âm mưu,
thủ đoạn của các thế lực thù địch. Theo đó, cần tập trung thực hiện đồng bộ, có
hiệu quả một số biện pháp cơ bản sau:
Một là, phát huy vai trò cấp
ủy, tổ chức đảng và ban chấp hành Đoàn các cấp trong giáo dục chính trị, tư tưởng,
nâng cao nhận thức cho cán bộ, đoàn viên thanh niên. Nội dung giáo dục, tuyên
truyền, tập trung làm rõ tính cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư
tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của
Nhà nước, truyền thống văn hóa, lịch sử của Đảng và dân tộc, lý tưởng cách
mạng cho thanh niên. Coi trọng giáo dục thanh niên trong hoạt động thực tiễn và
các phong trào thi đua yêu nước. Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, đoàn viên thanh
niên cần nhận thức đầy đủ hệ thống các quy định, văn bản, chỉ thị, hướng dẫn
của các cấp về an toàn thông tin mạng, các hoạt động trên mạng xã hội, nhất là
những nội dung cơ bản của Luật An ninh mạng năm 2018, Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng
xã hội do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành ngày 17/6/2021, Thông tư 56 của
Bộ Quốc phòng về Quy định quản lý và bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng
trong Bộ Quốc phòng để hình thành thái độ, nhận thức đúng đắn, có trách
nhiệm cao khi tham gia các trang mạng xã hội.
Hai là, nâng cao kỹ năng
phân tích, xử lý thông tin, kỹ năng tác chiến trên mạng xã hội cho cán bộ, đoàn
viên thanh niên. Trước những thông tin mới, cán bộ, đoàn viên thanh
niên cần thận trọng trong xác định nguồn gốc, tính chất, nội dung thông
tin, tiến hành đầy đủ các bước trong tiếp nhận và xử lý thông tin, gồm: Đọc kỹ,
nghiên cứu thông tin có liên quan; phân tích, phân loại thông tin; sàng lọc
thông tin; xác định mục đích và tiến hành sử dụng thông tin. Nếu thông tin đến
từ các nguồn không chính thức hoặc báo mạng thì cần phải xác minh thông tin bằng
cách tìm các nguồn tin chính thức để đối chiếu. Tránh tiếp cận thông tin một
cách thụ động, thiếu sàng lọc, thông tin chưa được thẩm định. Cùng với đó, mỗi
cán bộ, đoàn viên thanh niên cần tích cực học tập, nâng cao trình độ để
có nhận thức đầy đủ, toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa,
xã hội, quốc phòng, an ninh từ đó tránh bị các thông tin xấu, độc tác động, chi
phối hay dẫn dắt.
Ba là, phát huy vai trò của
cán bộ, đoàn viên, thanh niên trong đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù
địch trên không gian mạng. Tham gia đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù
địch trên không gian mạng là hoạt động tích cực của cán bộ, đoàn viên thanh
niên trong việc nâng cao khả năng đề kháng của bản thân đối với các thông tin xấu,
độc đồng thời góp phần làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch.
Do vậy, mỗi cán bộ, đoàn viên thanh niên cần bám sát thực tiễn, đa dạng hóa các
hình thức đấu tranh, trong đó, đấu tranh trực diện với những quan điểm sai
trái, thù địch là hình thức cần được coi trọng, vận dụng linh hoạt, sáng tạo,
thường xuyên. Cùng với đó, mỗi cán bộ, đoàn viên thanh niên cần chú trọng đăng
tải, chia sẻ các giá trị văn hóa, truyền thống dân tộc, các tấm gương tiêu biểu
trong học tập, rèn luyện, công tác, đẩy mạnh học tập và làm theo tư
tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện “Mỗi ngày một tin tốt,
mỗi tuần một câu chuyện đời thường đẹp”, “những việc làm tử tế” đăng trên
mạng xã hội, để tin tốt át tin xấu, lấy chuyện đẹp dẹp các chuyện bịa đặt
do các thế lực thù địch phát tán, góp phần định hướng giáo dục chính trị, tư tưởng
cho cán bộ, đoàn viên thanh niên.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét