Trong khi dư
luận nói nhiều đến tình trạng cán bộ, công chức sợ trách nhiệm, không dám làm
khiến hàng loạt công việc đình trệ thì một hiện tượng khá phổ biến và cũng là
“trọng bệnh” của đội ngũ cán bộ, công chức, đó là tâm lý, thái độ thờ ơ, vô cảm
với công việc, nhất là giải quyết công vụ. Đây là vấn đề đáng lo ngại bởi những
hệ lụy mà nó gây nên.
Tâm lý, thái
độ thờ ơ gây ra bệnh vô cảm của công chức, một loại bệnh đang được xem là “trọng
bệnh”. Ngành y không có khái niệm bệnh vô cảm nên cũng không đưa ra phác đồ điều
trị. Đây là căn bệnh do lối sống, môi trường và cách hành xử của con người tạo
ra. Hệ lụy của tình trạng thờ ơ, vô cảm của công chức là vô cùng tệ hại, mà tệ
hại nhất là thủ tiêu động lực làm việc, vươn lên của tập thể. Những cán bộ,
công chức thờ ơ, vô cảm thường rất lười đi cơ sở và xa rời thực tiễn cơ sở.
Chính vì lười đi cơ sở, không chịu va chạm với thực tiễn nên không nắm được
công việc, quan liêu trong lĩnh vực mình quản lý, giải quyết. Thậm chí nếu được
giao chức năng tham mưu để ban hành những chủ trương, chính sách, quyết sách
thì đó là những “quyết định trên trời” gây bức xúc dư luận.
Trong một tập
thể có những người thờ ơ, vô cảm với công việc thường dễ lây lan tâm lý này
sang những người khác. Bởi nếu anh “sớm chẳng vừa, trưa chẳng vội” mà không bị
xử lý thì tôi cũng sẽ thế được, dần trở thành tâm lý đám đông. Khi con người
không có động lực làm việc, giải quyết công việc không vì người khác thì sẽ
không bao giờ dành hết trí lực cho công việc, không có tư tưởng nghĩ ra việc,
tìm đến việc. Tệ hại là, số cán bộ, công chức thờ ơ, vô cảm, làng nhàng này lại
không dễ gì đưa họ ra khỏi bộ máy công quyền. Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa
(đoàn Đồng Tháp) từng phát biểu trước Quốc hội khi thảo luận về Bộ luật Lao
động (sửa đổi) rằng: “Có những người mặc dù đã đến tuổi nghỉ hưu theo luật
hiện hành, trong khi công việc làm năng suất không cao, "sáng cắp ô đi,
chiều cắp ô về", chỉ ở mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng không muốn nghỉ hưu,
chờ cho đến đúng tuổi mới nghỉ”. Vì điều đó mà những người mới, nhất là những
người trẻ có hoài bão, tâm huyết và trí tuệ, muốn được cống hiến trong bộ máy
công quyền cũng khó có vị trí.
Không chỉ vậy,
những cán bộ có tâm lý, thái độ thờ ơ, vô cảm trong giải quyết công vụ luôn ám ảnh
người dân có suy nghĩ tiêu cực về đội ngũ cán bộ công quyền, những người được
xem là công bộc của dân. Họ rất ngại đến cơ quan công quyền, trừ việc bất đắc
dĩ. Tâm lý, thái độ thờ ơ, vô cảm của công chức đã hình thành nên tư tưởng cho
mình là người có quyền ban phát. Bởi thế lâu nay, khi người dân làm việc với cơ
quan công quyền thường bị mặc định từ “xin” ở đó. Nguyện vọng, quyền lợi gì
cũng mặc định trong “Đơn xin...”. Xin cho con đi học, xin giấy khai sinh, xin
giấy khai tử, xin xác nhận hộ khẩu... Đây là quyền lợi chính đáng của người
dân, đặc quyền của công dân được hưởng thụ dưới chế độ của Nhà nước ta. Vậy thì
cán bộ cơ quan công quyền phải có nghĩa vụ thực hiện cho người dân chứ không phải
là ban phát hay đặc quyền ở đó.
Dưới chế độ của
Nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa thì cán bộ, công chức là công bộc của dân.
Cũng có nghĩa, mọi cán bộ, công chức phải hết lòng, hết mình trong giải quyết
công vụ, vì nhân dân phục vụ, tự mình đấu tranh với chính mình để loại bỏ tâm
lý, thái độ thờ ơ, vô cảm, cách làm việc làng nhàng không hiệu quả.
Trở lại từ lý
luận, Các Mác từng có một luận điểm mang tính kinh điển, đã trở thành nền tảng,
cơ sở khoa học khi nghiên cứu, giải quyết vấn đề bản chất con người: “Trong tính
hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội”. Luận điểm
này đã được ông luận giải một cách rất thuyết phục. Những cán bộ, công chức và
chính mỗi người có tâm lý, thái độ thờ ơ, vô cảm với công việc nguyên nhân
chính là do họ và họ là người quyết định điều đó trong môi trường đó. Môi trường
làm việc rất quan trọng và có tác động lớn đến tình cảm, thái độ, trách nhiệm của
mỗi người. Con người trong tập thể nếu không chịu va đập, không bị va đập,
không qua trải nghiệm, gắn mình với thực tiễn sẽ ngày càng thờ ơ và ít sự cảm
thông trong đời sống xã hội. Bởi thế, ở đâu môi trường làm việc yêu cầu cao, sự
nghiêm túc, trách nhiệm, sự đánh giá công tâm, công bằng, thì ở đó mỗi cán bộ,
công chức sẽ có động lực để thay đổi mình, buộc phải thay đổi mình.
Từ thực tiễn,
chính các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong bộ máy Nhà nước phải đánh giá đúng thực
chất hiệu quả công việc của công chức do mình quản lý. Ai cũng thấy nhiều cán bộ,
công chức làm việc không hiệu quả theo kiểu “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về” diễn
ra ở các cơ quan công quyền nhưng tỷ lệ báo cáo đánh giá chất lượng cán bộ,
công chức hằng năm của hầu hết các cơ quan, đơn vị thường trên 90% hoàn thành tốt
và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhiều cơ quan, tỷ lệ này rất cao, thậm chí gần
100%. Chính việc đánh giá cán bộ không đúng, phân loại nể nang, không bám vào
tiêu chí đã dẫn đến tình trạng “đánh bùn sang ao”, cán bộ làm tốt cũng như chưa
tốt. Bất cập này khiến người làm tốt bị mất động lực phấn đấu, trong khi người
chưa hoàn thành, hoàn thành thấp nhiệm vụ vẫn nghiễm nhiên tại vị, vẫn được hưởng
đầy đủ các chế độ của một công chức. Và đương nhiên, họ cũng không có động lực
để thay đổi chính mình. Dù Luật Cán bộ, công chức quy định nếu cán bộ hai năm
không hoàn thành nhiệm vụ thì sẽ loại ra khỏi đội ngũ nhưng trên thực tế hằng
năm vô cùng ít cán bộ bị loại khỏi bộ máy công quyền với lý do là không hoàn
thành nhiệm vụ. Vậy nên, cốt lõi để làm cho mọi cán bộ, công chức thay đổi thái
độ, trách nhiệm làm việc của mình thì tổ chức phải đánh giá đúng hiệu quả công
việc của họ.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét