Thứ nhất, thông qua tài trợ các
chương trình, dự án hợp tác về xây dựng pháp luật với nguồn kinh phí lớn trong
vỏ bọc hỗ trợ xây dựng pháp luật nhưng lại đưa ra những yêu cầu, khuyến nghị sửa
đổi pháp luật, can thiệp, tác động vào quá trình xây dựng, ban hành pháp luật của
Việt Nam, nhất là trong giai đoạn dự thảo chương trình, đề án, dự án xây dựng
luật, giai đoạn soạn thảo luật và thảo luận, giai đoạn tiếp thu, chỉnh lý,
thông qua dự án luật. Mặt khác, các thế lực thù địch lợi dụng việc triển khai
các dự án, chương trình tài trợ, hội nghị, hội thảo với vỏ bọc hỗ trợ các cơ
quan có chức năng lập pháp Việt Nam xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật để
thu thập thông tin có giá trị về hệ thống pháp luật Việt Nam phục vụ cho mục
đích tác động, hướng lái pháp luật Việt Nam theo ý đồ của họ…
Thứ hai, tìm cách quan hệ, móc nối,
tiếp xúc với cán bộ làm việc tại các cơ quan tham mưu, hoạch định, xây dựng chính
sách, pháp luật, với mục đích tác động, hướng lái pháp luật Việt Nam, như mời
cán bộ thuộc các cơ quan lập pháp, tư pháp của Việt Nam đi tham quan, nghiên cứu
mô hình hệ thống tư pháp ở nước ngoài nhằm tác động làm thay đổi quan điểm, tư
tưởng, nhận thức; thậm chí tham gia các hoạt động chống Đảng, Nhà nước.
Thứ ba, tác động, kích động các đối
tượng chống đối, bất mãn tuyên truyền, phê phán việc xây dựng nhà nước pháp quyền
nói chung, hệ thống pháp luật nói riêng và công cuộc cải cách tư pháp của Nhà nước
ta nhằm làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Chẳng hạn, hoạt
động lấy danh nghĩa tài trợ cho giới luật gia Việt Nam mở các lớp bồi dưỡng kỹ
năng quản lý cho luật sư trong nước để tác động, khuyến khích họ phát biểu, phê
phán hệ thống pháp luật Việt Nam; lôi kéo số luật gia có trình độ, có uy tín
nhưng có tư tưởng đa nguyên, những đối tượng chống đối, có dấu hiệu “tự diễn biến”,
“tự chuyển hóa” tuyên truyền, xuyên tạc quan điểm, chính sách, pháp luật Việt
Nam, tuyên truyền các quan điểm pháp lý tư sản.
Thứ tư, lợi dụng các hiệp định
thương mại, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam tham gia để tác động, yêu cầu sửa đổi
pháp luật. Gần đây nhất là việc nước ta ký kết tham gia các hiệp định thương mại
tự do thế hệ mới, trong đó cài ẩn một số điều khoản tạo tiền đề pháp lý để các
“tổ chức xã hội” trong nước phát triển, dần tự do và thoát ly khỏi sự lãnh đạo
của Đảng, sự quản lý của Nhà nước Việt Nam, tiến tới hình thành tổ chức chính
trị đối lập.
Thứ năm, đưa ra các tuyên bố, kiến
nghị tập thể, kích động biểu tình, gây rối để tuyên truyền, gây sức ép đến các
cơ quan nhà nước mỗi khi có những chính sách, pháp luật mới được ban hành hoặc
trong quá trình xây dựng, sửa đổi pháp luật nhằm mục đích gây bất ổn tình hình
chính trị - xã hội. Thông qua các cơ chế dân chủ, nhân quyền, các phiên đối thoại
song phương, các tổ chức nước ngoài đưa ra những đánh giá sai lệch rằng, pháp
luật Việt Nam không bảo đảm các cam kết quốc tế, yêu cầu Việt Nam phải sửa đổi
pháp luật theo ý đồ của họ. Chẳng hạn, như yêu cầu Việt Nam phải sửa đổi, ban
hành các luật liên quan đến thể chế chính trị, thể chế kinh tế, vị trí, vai trò
lãnh đạo của Đảng, quyền con người... Bên cạnh đó, lợi dụng các vụ, việc phức tạp
về an ninh, trật tự trong nước, các đối tượng phản động bên ngoài móc nối với
các đối tượng chống đối trong nước tuyên truyền, xuyên tạc tình hình, tạo dư luận
tiêu cực, phản đối chính sách, pháp luật, kích động biểu tình, bạo loạn…
Thời gian qua, được sự quan tâm chỉ
đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, ban, ngành và các lực lượng
chức năng, mà nòng cốt là lực lượng an ninh nhân dân, đã chủ động tổ chức công
tác phòng ngừa, phát hiện, sử dụng tổng hợp nhiều biện pháp đấu tranh hết sức
linh hoạt và hiệu quả đối với hoạt động “diễn biến hòa bình” trong xây dựng pháp
luật. Nhờ đó, các đơn vị chức năng đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, vô hiệu
hóa âm mưu, hoạt động can thiệp, tác động, chuyển hóa quá trình xây dựng pháp
luật ở nước ta. Cũng qua thực tiễn công tác phòng ngừa, đấu tranh, đã góp phần
nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về âm mưu, phương thức, thủ đoạn, sự
nguy hiểm của “diễn biến hòa bình” đối với lĩnh vực xây dựng pháp luật mà các
thế lực thù địch đang tiến hành. Trên cơ sở đó, từng bước đổi mới tư duy, quan
điểm, biện pháp để vừa phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả mà vẫn có thể góp phần phục
vụ tích cực cho chủ trương đẩy mạnh hội nhập, mở rộng hợp tác quốc tế, thu hút
các nguồn lực, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội nói chung và xây dựng Nhà nước
pháp quyền xã hội chủ nghĩa nói riêng.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét