Thấm nhuần tư tưởng của Hồ Chí Minh về đấu
tranh phòng, chống bệnh quan liêu, trước yêu cầu của thực tiễn phát triển đất
nước, Đảng ta xác định đây là một trong những vấn đề mang tính cấp bách, nội
dung quan trọng hàng đầu nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng;
năng lực quản lý, điều hành của Nhà nước. Đảng ta đã có nhiều nghị quyết, chỉ
thị về công tác phòng, chống quan liêu nói riêng, phòng chống suy thoái tư tưởng,
chính trị, đạo đức nói riêng như: Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2 - khóa VIII);
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Ngày
28-10-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký kết luận Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp
hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống
chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy
thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến",
"tự chuyển hóa".
Từ chủ trương, Nghị quyết của Đảng được triển
khai quyết liệt vào thực tế thời gian vừa qua, chúng ta có nhiều tấm gương về
cán bộ, đảng viên tận tụy với nhân dân, nhiều cách làm hay để gần dân, hiểu
dân, phát huy sức mạnh từ nhân dân như mô hình "Gần dân, sát dân",
Ngày thứ Bảy với dân", "Chính quyền thân thiện của dân, do dân và vì
dân"; "Gần công nhân, sát công nhân, lắng nghe ý kiến công
nhân"…, các diễn đàn "Nhân dân nói về chúng tôi", "Cà phê
doanh nhân"… Qua đó, góp phần làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của cán bộ,
đảng viên, từ tư duy "ban phát", "ra lệnh" sang tư duy phục
vụ là "đầy tớ của nhân dân".
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà chủ yếu từ
sự yếu kém, suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng
viên, căn bệnh quan liêu, vô cảm đến nay vẫn là căn bệnh mãn tính trong Đảng và
bộ máy công quyền. Với tinh thần tự phê thẳng thắn, nghiêm túc, Văn kiện Đại hội
XIII chỉ rõ: "Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống,
chủ nghĩa cá nhân, "lợi ích nhóm", bệnh lãng phí, vô cảm, bệnh thành
tích ở một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi".
Trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, vẫn còn
một số cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu chính quyền cấp một số địa
phương quan liêu, thiếu sâu sát, vô cảm trước khó khăn, nỗi đau của nhân dân
nên đã không có chính sách chống dịch, hỗ trợ nhân dân kịp thời, thậm chí cắt
xén, tham ô quỹ phòng chống dịch, tiền cứu trợ làm cho tình hình dịch ở địa
phương diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, làm suy giảm niềm
tin của nhân dân vào chính sách của Đảng, Nhà nước, tạo cớ cho thế lực thù địch
xuyên tạc, phá hoại.
Để đấu tranh chống căn bệnh này, trên nền tảng
tư tưởng Hồ Chí Minh, cần tập trung thực hiện các giải pháp chủ yếu sau:
Tăng cường công tác giáo dục tư tưởng, chính
trị, đạo đức để mỗi cán bộ, đảng viên thật sự thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về
thương dân, hiểu dân, gần dân, trọng dân, phụng sự dân; thực sự để "Dân biết,
dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Mỗi cán bộ,
đảng viên tự giác, tự nhận thức về trách nhiệm đạo đức trong việc phục vụ dân,
đồng cảm, trăn trở với cuộc sống của dân cũng như biết trọng "liêm sỉ,
danh dự" để giữ mình trước cám dỗ của lợi ích không chính đáng, không phản
bội lại lợi ích của dân, của Đảng.
Phải thực hành dân chủ, động viên nhân dân
tham gia đấu tranh chống bệnh quan liêu, vô cảm bởi "Quần chúng tham gia
càng đông, thành công càng đầy đủ, mau chóng". Kết hợp giữa giáo dục đạo đức
công vụ của cán bộ, đảng viên, với việc nâng cao trách nhiệm của đoàn thể, quần
chúng trong giám sát, phản biện xã hội để "trị" căn bệnh này. Cần dựa
vào nhân dân để đánh giá, để "sữa chữa cán bộ". Từ đó, khen thưởng,
biểu dương cán bộ, đảng viên tốt và kiên quyết loại những "công bộc"
yếu kém, "vô cảm" ra khỏi bộ máy cơ quan công quyền.
Để trị "bệnh vô cảm", rất cần tạo dựng
môi trường xã hội nhân văn, tiến bộ, lành mạnh để tiếp tục vun đắp và không ngừng
nhân lên những giá trị văn hóa, đạo đức, truyền thống nhân ái của dân tộc. Trước
hết, cần phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của người cán bộ, đảng viên để
lan tỏa các giá trị tốt đẹp trong xã hội. Hiện nay, Đảng đã có những quy định cụ
thể về trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên như Quy định số 101- QÐ/TW của
Ban Bí thư, Quy định 55-QĐ/TW của Bộ Chính trị, Quy định số 08-QĐi/TW của Bộ
Chính trị, trong đó đặt ra yêu cầu đối với cán bộ, đảng viên nhất là người đứng
đầu là phải thật sự nêu gương trước Đảng và nhân dân, phải kiên quyết chống lại
các biểu hiện "Độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa dân, thờ ơ, vô cảm
trước những khó khăn, bức xúc của nhân dân". Có thể nói, đề cao việc nêu
gương, làm cho cái tốt lấn át cái xấu, cái thiện thắng cái ác, cái chân thực lấn
át cái giả dối sẽ là liều thuốc đặc trị chữa "tận gốc" căn bệnh quan
liêu, vô cảm đang khá phổ biến hiện nay.
Bên cạnh công tác giáo dục đạo đức, tư tưởng rất
cần có quy định pháp luật cụ thể để phòng chống căn bệnh quan liêu, vô cảm - nhất
là khi căn bệnh này đã ăn sâu trong một số bộ phận của bộ máy công quyền và những
người có chức, có quyền. Hiện nay, Đảng ban hành quy định về những điều đảng
viên không được làm, Nhà nước ban hành bộ quy tắc về đạo đức công vụ, văn hóa
công sở, quy định pháp lý về trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, của
cán bộ, công chức. Theo đó, đối với cán bộ đảng viên khi mắc căn bệnh quan
liêu, vô cảm với nhân dân, thì đó không chỉ là sự vi phạm về đạo đức mà còn vi
phạm điều lệ Đảng và pháp luật Nhà nước. Để đáp ứng yêu cầu của sự phát triển,
trong thời gian tới, công cuộc cải cách hành chính, xây dựng nền công vụ hiện đại,
xây dựng nhà nước liêm chính, tinh gọn, có hiệu lực pháp lý mạnh mẽ, phụng sự
nhân dân, cần tiếp tục triển khai sâu rộng hơn với những mục tiêu, biện pháp, lộ
trình cụ thể, bởi một khi cả hệ thống tổ chức và vận hành một cách chặt chẽ,
khoa học sẽ buộc cán bộ, công chức phải đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ nếu không muốn
bị đào thải.
Trong thực hiện nhiệm vụ công, cần thực hiện
chế độ trách nhiệm cá nhân, xác định rõ, cụ thể trách nhiệm của từng cơ quan, từng
chức danh trong bộ máy nhà nước, nhất là người đứng đầu, từ đó quy trách nhiệm,
khắc phục tình trạng tranh công, đổ tội, khắc phục căn bệnh chây ì, lười biếng,
vô trách nhiệm trước nhân dân.
Công tác kiểm tra, kiểm soát cần tiến hành thường
xuyên, trên mọi cấp độ, trên mọi lĩnh vực nhằm kịp thời phát hiện sai lầm, những
hạn chế trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, của mỗi cán bộ đảng
viên dù bất kỳ chức vụ công tác nào để kịp thời sửa chữa, xử lý. Vấn đề bao
trùm hơn là đưa quyền lực vào "lồng kiểm soát", xây dựng hành lang
pháp lý chặt chẽ, quy định cụ thể, không để có khoảng trống pháp lý, kẽ hở để
cán bộ, công chức vi phạm. Những bản án, những quyết định kỷ luật nghiêm khắc với
cán bộ, đảng viên vi phạm trong thời gian qua đã góp phần răn đe, chấn chỉnh kỷ
cương, kỷ luật của cán bộ, đảng viên, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, với
Nhà nước.
Bên cạnh đó, trong xã hội hiện đại và dân chủ
hiện nay, việc tăng cường đối thoại với nhân dân là một trong cách hiệu quả nhất
để giải quyết những điểm nóng ở cơ sở. Bộ Chính trị đã ban hành quy định số
11-QĐ/TW ngày 18/2/2019 về "Trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc
tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của
dân". Điều quan trọng hơn là từ cuộc đối thoại trực tiếp đó, các cấp ủy đảng,
chính quyền cần có hành động thiết thực, cụ thể giải quyết nhu cầu chính đáng của
nhân dân, tránh nói suông, hứa suông làm mất niềm tin của dân. Thực hiện được
những giải pháp trên sẽ là liều thuốc "đặc trị" căn "bệnh mãn
tính" quan liêu, thờ ơ, vô cảm của cán bộ, đảng viên; xây dựng mối quan hệ
máu thịt giữa dân với Đảng, Đảng với dân./.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét