Thực hiện kế hoạch của
Chính phủ, Bộ Công an được giao chủ trì soạn thảo các dự án luật quan trọng gồm:
Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở; Luật Trật tự,
an toàn giao thông đường bộ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND;
Luật Căn cước; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Luật sửa đổi,
bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật
Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Tuy
nhiên, với âm mưu chống phá, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị và các tổ
chức phản động lợi dụng quá trình Bộ Công an triển khai lấy ý kiến nhân dân về
các dự án luật nêu trên để đưa ra đủ luận điệu xuyên tạc, vu cáo. Các đối tượng
cho rằng, Việt Nam muốn hạn chế các quyền tự do dân chủ rồi ban hành luật để
trói buộc, gò ép người dân, thậm chí chúng còn lôi kéo, kích động người dân phản
đối các dự luật khi đưa ra lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của nhân dân.
Lướt qua các mạng xã hội
Facebook, Youtube… hay các phương tiện truyền thông nước ngoài như đài BBC tiếng
Việt, RFA, VOA cho thấy những chiêu trò chống phá khi liên tiếp đăng tải, phát
tán các bài viết có nội dung xuyên tạc các dự án luật. Chẳng hạn, khi nói về dự
án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, các đối tượng tung ra bài viết
cho rằng, Nhà nước muốn tạo ra một mạng lưới chân rết quần chúng sát với từng
người dân để nắm được từng chân tơ kẽ tóc, mọi hoạt động của dân, rồi hạch
sách, nhũng nhiễu… gây nguy hại cho dân; nếu hình thành một lực lượng như thế
thì gần như là lực lượng bán vũ trang, rồi chi phí dụng cụ hành nghề, thậm chí
có thể là vũ khí nóng gây bất an cho dân... Từ đó hướng lái vấn đề “lực lượng
này dù có hợp nhất hay không cũng sẽ không giữ được ANTT như mong muốn của nhà
cầm quyền cộng sản khi soạn luật mà nó sẽ làm mất ANTT và xã hội sẽ trở nên hỗn
loạn hơn”...
Ngay sau đó, nhiều trang
mạng của các tổ chức phản động lưu vong liền đăng tải các bài viết nhằm bôi nhọ
lãnh đạo Đảng, Nhà nước và kích động người dân. Đây là những luận điệu xuyên tạc
nhằm dẫn dắt, hướng lái dư luận, tạo ra nhận thức lệch lạc, thái độ phản đối,
chống phá đối với dự án luật. Từ việc xuyên tạc nội dung trong dự án luật, các
đối tượng hướng đến bôi nhọ hình ảnh lực lượng vũ trang, bôi nhọ chính sách quốc
phòng, an ninh, đối ngoại, cho rằng cách làm như vậy là sai lầm, làm mất vị thế
của Việt Nam trên trường quốc tế! Cùng với việc vu khống, bôi nhọ cán bộ, đảng
viên, các đối tượng tìm cách tâng bốc những người bất mãn, cơ hội chính trị,
coi những đối tượng hoạt động tuyên truyền, chống phá nhà nước bị pháp luật xử
lý là những “nhà dân chủ”; cổ vũ tư tưởng dân tộc cực đoan, kích động
"lòng yêu nước" để tụ tập, biểu tình chống đối nhằm tới mục tiêu
"cách mạng đường phố", "cách mạng màu" để thay đổi chế độ
chính trị ở nước ta.
Trái ngược với những luận
điệu xuyên tạc, phá hoại nói trên, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, đại biểu
Quốc hội và người dân ở các tỉnh, thành phố qua quá trình nghiên cứu, thảo luận
đã khẳng định, việc ban hành các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo nói
trên là hết sức cần thiết, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi khách quan. Điều này xuất
phát từ sự đa dạng, phức tạp của công tác bảo đảm ANTT, luôn có sự biến động,
thay đổi, đòi hỏi các quy định pháp luật phải được bổ sung, hoàn thiện để đáp ứng
yêu cầu thực tiễn.
Các dự án luật trên có ý
nghĩa rất quan trọng, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về an ninh quốc
gia và trật tự an toàn xã hội; tăng cường quản lý nhà nước và bảo đảm quyền lợi
của công dân; nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng CAND. Tạo cơ sở vững chắc
giúp lực lượng Công an chủ động trong công tác tham mưu với Đảng, Nhà nước các
chủ trương, chính sách về bảo đảm an ninh trật tự, triển khai có hiệu quả các
nhiệm vụ, giải pháp thực hiện chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật
tự an toàn xã hội và xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh,
chính quy, tinh nhuệ, hiện đại theo tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày
16/3/2022 của Bộ Chính trị.
Cần thấy rằng, việc xây dựng
Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là sự cụ thể hóa đường lối, quan điểm
của Đảng và Nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội,
đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, trong đó
CAND là lực lượng nòng cốt, bảo vệ ANTT từ xa, từ sớm, từ cơ sở. Việc xây dựng
dự thảo, lấy ý kiến các nhà khoa học, các cơ quan chức năng trước khi hoàn thiện
để Chính phủ trình Quốc hội thảo luận, thông qua nhằm đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi
thực tiễn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đảm bảo ANTT tại địa bàn cơ sở.
“Lấy dân làm gốc”
là nguyên tắc cơ bản, mục tiêu xuyên suốt của dự thảo luật và phát huy vai trò
của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Theo cơ quan soạn thảo, việc xây dựng,
tổ chức lại lực lượng tham gia bảo vệ ANTT không làm tăng biên chế, tăng ngân
sách nhà nước. Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là cánh tay nối dài, sâu
sát với nhân dân, hỗ trợ cấp ủy, chính quyền, hỗ trợ lực lượng nòng cốt là Công
an chính quy trong việc đảm bảo ANTT tại cơ sở, vì cuộc sống bình yên, hạnh
phúc của nhân dân. Thực tế cho thấy, trong đời sống xã hội, lực lượng tham gia
bảo vệ ANTT ở cơ sở đã phát huy tích cực thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ bảo đảm ANTT
địa bàn dân cư, sát dân, hiểu, nắm được tâm tư nguyện vọng nhân dân, góp phần
tham gia tổ chức, thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Rõ ràng, với mục tiêu, ý
nghĩa như trên, việc ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là thực
sự cần thiết và đáp ứng yêu cầu thực tiễn khách quan, có ý nghĩa quan trọng
trong xây dựng, củng cố các lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, nâng cao chất
lượng công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, phục vụ hiệu quả công tác
phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn cuộc sống bình yên và hạnh
phúc của nhân dân và phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội. Do đó,
những quan điểm, luận điệu lệch lạc, sai trái, chống phá việc nghiên cứu, xây dựng
và trình Quốc hội ban hành dự luật cần phải được đấu tranh, ngăn chặn kịp thời.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét