Chính sách quốc phòng của
Việt Nam luôn mang đậm tính chất hòa bình, tự vệ, nhân văn, nhân đạo; kiên quyết,
kiên trì giải quyết bất đồng bằng biện pháp đối thoại hòa bình trên cơ sở luật
pháp quốc tế; phát huy tương đồng, hóa giải bất đồng, chủ động ngăn ngừa, đẩy
lùi nguy cơ chiến tranh từ sớm, từ xa. Đối ngoại quốc phòng của Việt Nam
luôn nhất quán, kiên định thực hiện nguyên tắc: Không tham gia liên minh quân sự;
không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ
quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc
đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Điều đó khẳng định quyết tâm và
đóng góp tích cực của Việt Nam cho hòa bình, ổn định của khu vực và trên thế giới,
được các nước tin tưởng, đánh giá cao; qua đó khẳng định vai trò, vị thế, uy
tín của Việt Nam và của Quân đội nhân dân Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong những năm qua, dưới
sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng
đã lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện toàn diện công tác đối ngoại quốc
phòng, hội nhập quốc tế và đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, góp phần
giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc
từ sớm, từ xa.
Đối ngoại quốc phòng đã
tích cực, chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước giải quyết rất tốt các vấn đề
chiến lược về quân sự, quốc phòng, an ninh, biên giới lãnh thổ, không để Tổ quốc
bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; xử lý tốt quan hệ quốc phòng với các nước
láng giềng, nước lớn, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, tạo nên thế đan
xen chiến lược, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc; củng cố tình hữu nghị, đoàn
kết quốc tế, thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng, góp phần tăng cường tiềm lực,
xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, củng cố
lòng tin chiến lược giữa Việt Nam với các nước, nâng cao vị thế, uy tín của đất
nước và quân đội trên trường quốc tế.
Hiện nay, Quân đội nhân
dân Việt Nam thiết lập quan hệ quốc phòng với quân đội hơn 100 nước, trong đó
có 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, 3 tổ chức vũ trang
quốc tế của Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Thủy đạc quốc tế
(IHO). Thiết lập quan hệ quốc phòng với tất cả các đối tác hữu nghị truyền thống,
đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện với Lào, Campuchia, Cuba; đối tác chiến lược
toàn diện với Trung Quốc, Nga, Ấn Độ… Đến nay, đã có 31 nước đặt Phòng Tùy viên
Quốc phòng thường trú tại Việt Nam; 20 nước kiêm nhiệm. Việt Nam đặt Phòng Tùy
viên Quốc phòng tại 32 nước, Liên hợp quốc và EU.
Việt Nam chủ động đề xuất
sáng kiến tại các diễn đàn hợp tác quốc phòng đa phương khu vực và quốc tế như:
Hội nghị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ASEAN, Đối thoại Shangri-La, Hội nghị an ninh
quốc tế Moscow, Diễn đàn Hương Sơn – Bắc Kinh, Đối thoại Quốc phòng Seoul… Đặc
biệt, Việt Nam đã cử hơn 500 lượt cán bộ, nhân viên, với 4 lượt bệnh viện dã
chiến cấp 2 đến phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan, Cộng hòa
Trung Phi và trụ sở Liên Hợp Quốc, cử Đội Công binh đi làm nhiệm vụ tại Phái bộ
An ninh lâm thời của Liên Hợp Quốc tại khu vực Abyei (UNISFA); cử 76 quân nhân
tham gia cứu hộ, cứu nạn sau thảm họa động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Năm 2022, Bộ Quốc phòng tổ
chức rất thành công Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam, góp phần tăng cường,
mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng; quảng bá
năng lực công nghệ, vũ khí trang bị do Việt Nam sản xuất; đa dạng hóa các kênh
hợp tác mua sắm, tiếp nhận chuyển giao công nghệ của nước ngoài để sản xuất vũ
khí, trang thiết bị, đáp ứng yêu cầu của lực lượng vũ trang và tìm hiểu xu hướng
phát triển của công nghiệp quốc phòng trên thế giới. Triển lãm đã đón 52 đoàn
khách quốc tế và lãnh đạo Bộ Quốc phòng của các nước; Quân đội 30 nước, cùng
hơn 170 doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng của các quốc gia và vùng lãnh thổ
đến tham gia; đã đón hơn 60.000 lượt người dân, gần 10.000 lượt cán bộ, chiến
sĩ tới tham quan.
Sau 37 năm thực hiện đường
lối đổi mới toàn diện đất nước, Quân đội nhân dân Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc
nhiệm vụ. Đối ngoại quốc phòng góp phần rất quan trọng bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ
xa, từ trong thời bình, không để xảy ra xung đột, kiến tạo môi trường hòa bình,
ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.
Đại hội XIII của Đảng xác
định, tình hình thế giới, khu vực diễn biến rất nhanh, phức tạp, khó lường. Độc
lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định của đất nước luôn có nguy cơ bị đe dọa.
Chính vì vậy, để thực hiện tốt kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, đòi hỏi
công tác đối ngoại quốc phòng phải tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn nữa và
nghiêm túc thực hiện tốt phương châm: Tích cực, chủ động, chắc chắn, linh hoạt,
hiệu quả. Không ngừng đổi mới, tham mưu đúng, trúng với Đảng, Nhà nước trên
lĩnh vực quân sự, quốc phòng, an ninh bảo vệ Tổ quốc; để có đối sách đúng đắn,
kịp thời, giành thắng lợi trên bàn đàm phán, chiến thắng trên mặt trận ngoại
giao, đẩy mạnh hợp tác quốc phòng, phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, xây dựng
quân đội tinh, gọn, mạnh; cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; nâng cao sức
mạnh chiến đấu; sẵn sàng chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống, bảo vệ vững
chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa từ sớm, từ xa; không để Tổ quốc bị động,
bất ngờ.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét