Những năm gần đây, tình trạng tham nhũng ở nước ta diễn biến
ngày càng tinh vi, phức tạp, đã và đang tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời
sống xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc. Vì vậy, đấu tranh phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ cấp bách, thường
xuyên, quan trọng; đồng thời là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, lâu dài, là quyết
tâm chính trị của Đảng và Nhà nước ta, nhằm xây dựng một bộ máy lãnh đạo và quản
lý trong sạch, vững mạnh.
Với tầm nhìn sâu sắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm phát hiện và
dự báo về nguy cơ, tác hại của các tệ nạn, tiêu cực xã hội gắn với Nhà nước, với
người có chức, có quyền, nhất là trong điều kiện những người đó là đảng viên của
một đảng cách mạng, nắm giữ quyền lực. Trong các bài nói, bài viết, Người đặc
biệt chú ý đến việc giáo dục cán bộ, đảng viên về đạo đức cách mạng, quét sạch
chủ nghĩa cá nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên đề cập đến sự cần thiết
phải chống bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí. Những bệnh này thường được Người
diễn đạt bằng thuật ngữ “bất liêm”, ngày nay chúng ta gọi là tham nhũng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh coi tham ô, lãng phí là những tội lỗi
đối với Tổ quốc, đối với nhân dân. Theo Người, bản chất của tham ô là lấy của
công làm của tư, là gian lận, tham lam; tham ô là trộm cướp. Chủ tịch Hồ Chí
Minh giải thích: “Đứng về phía cán bộ mà nói, tham ô là: ăn cắp của
công làm của tư, đục khoét của nhân dân, ăn bớt của bộ đội, tiêu ít mà khai nhiều,
lợi dụng của chung của Chính phủ để làm quỹ riêng cho địa phương mình, đơn vị
mình, cũng là tham ô. Đứng về phía nhân dân mà nói, tham ô là: ăn cắp
của công, khai gian, lậu thuế”. Người chỉ rõ chủ thể của hành vi tham ô không
chỉ là cán bộ, công chức – những người nắm chức vụ, quyền hạn nhất định trong bộ
máy nhà nước, mà cả người dân bình thường, nếu “ăn cắp của công, khai gian, lậu
thuế” cũng là chủ thể của hành vi tham ô.
Sâu sắc hơn, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ ra một hình thức
tham ô tinh vi, rất khó nhận biết và khá phổ biến trong cuộc sống đời thường,
đó là những hiện tượng thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, đảng
viên. Người gọi đó là tham ô gián tiếp. Người giải thích: “Thí dụ một cán
bộ, Chính phủ, nhân dân trả lương hằng tháng đều cho, nhưng lại kém lòng trách
nhiệm, đứng núi này trông núi nọ, làm việc chậm chạp, ăn cắp giờ của Chính phủ,
của nhân dân”. Điều đó cho thấy, đây là hình thức tham ô đặc biệt, tuy không
gây hậu quả nghiêm trọng như những hành vi trực tiếp chiếm đoạt tài sản công,
nhưng tham ô gián tiếp xảy ra hằng ngày, thường xuyên, liên tục, làm
hoen ố, xấu xí hình ảnh người cán bộ, đảng viên của Đảng Cộng sản trong quần
chúng nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động và hiệu lực quản lý của bộ
máy nhà nước.
Tham ô, lãng phí là những tệ nạn nguy hiểm, là “giặc nội
xâm” của đất nước. Do vậy, muốn chống tham ô, lãng phí có hiệu quả, cần phải
tìm hiểu nguồn gốc, nguyên nhân của chúng. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ:
“Tham ô và lãng phí đều do bệnh quan liêu mà ra”. Người khẳng định tệ quan
liêu chính là nguồn gốc sâu xa, nguyên nhân trực tiếp, là điều kiện của tham ô,
lãng phí; nơi nào có tệ quan liêu thì ở đó có tham ô, lãng phí; mà quan liêu
càng nặng thì tham ô, lãng phí càng nhiều.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham ô, lãng phí có tác hại rất
lớn, là bạn đồng minh của thực dân, phong kiến, “Kẻ thù của nhân dân, của bộ đội,
của Chính phủ”. Nó trực tiếp gây thiệt hại tài sản của Nhà nước, của nhân dân,
làm hại đến sự nghiệp xây dựng nước nhà, đến việc cải thiện, nâng cao đời sống
của nhân dân. Tham ô, lãng phí làm tha hoá, biến chất, suy thoái tư tưởng chính
trị, đạo đức cách mạng của cán bộ, phá hoại tinh thần trong sáng, ý chí vượt
khó của cán bộ, đảng viên, xói mòn lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước. Chủ
tịch Hồ Chí Minh khẳng định: phần đông cán bộ, đảng viên, đoàn viên, công nhân
viên chức đều trong sạch, tận tụy, đều mang bản chất, đạo đức cách mạng là cần,
kiệm, liêm, chính. Họ không ngại gian khổ, hy sinh vì cách mạng, vì nhân dân.
Nhưng vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên do tham ô, quan liêu, lãng phí, do
mưu lợi cá nhân đã thoái hoá, biến chất, không giữ được đạo đức cách mạng. Điều
này làm giảm sức chiến đấu của Đảng, giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà
nước, làm hại cho sự nghiệp cách mạng.
Trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất
nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, cả nước phải huy động mọi nguồn lực: của cải vật
chất, công sức, tinh thần… Vì sự nghiệp cách mạng của đất nước, “Chiến sĩ thì
hy sinh xương máu, đồng bào thì hy sinh mồ hôi nước mắt để đóng góp” nhưng những
kẻ tham ô, lãng phí đã chiếm đoạt, đã phí phạm, huỷ hoại những nguồn lực ấy. Điều
này dẫn đến hậu quả nguy hại lớn hơn nữa là sự cản trở, phá hoại sự nghiệp cách
mạng, làm chậm trễ công cuộc kháng chiến và kiến quốc của nhân dân ta và ngày
nay, nó đang là lực cản trở lớn sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
BKD - KBC
0 nhận xét:
Đăng nhận xét