Đảng ta luôn coi trọng vị trí, vai trò của văn hóa,
khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh cho
sự phát triển. Hiện nay, trước những thách thức đặt ra của quá trình công
nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, càng phải chú trọng bảo tồn các
giá trị văn hóa dân tộc vì sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.
Giá trị văn hóa còn được
gọi là “vốn văn hóa” với các đặc điểm tiêu biểu là: Giá trị văn hóa có khả năng
bổ sung làm gia tăng giá trị kinh tế của một sản phẩm văn hóa; Giá trị văn hóa
góp phần xây dựng nhân cách, điều chỉnh hành vi cá nhân làm cho nguồn nhân lực
xã hội có chất lượng trí tuệ cao hơn; Vốn văn hóa là một bộ phận cấu thành môi
trường xã hội lành mạnh ; Một sản phẩm có hàm lượng văn hóa, trí tuệ càng cao
thì giá trị hàng hóa/giá thương phẩm càng tăng.
Các di sản văn hóa bao gồm di sản văn hóa vật
thể và di sản văn hóa phi vật thể mang những giá trị văn hóa - vốn văn hóa đặc
sắc, tiêu biểu cho lịch sử xây dựng và phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc.
Tiếp cận từ góc độ kinh tế học, các di sản văn hóa không chỉ mang giá trị văn
hóa, mà còn mang giá trị kinh tế, có khả năng tạo ra lợi nhuận và sinh kế cho
cộng đồng. Do đó, bảo tồn một cách bền vững và hiệu quả góp phần gia tăng giá
trị của di sản văn hóa.
Trong những năm qua, các
giá trị văn hóa ở nước ta, nhất là các giá trị văn hóa truyền thống, luôn được
chú trọng bảo tồn và phát huy. Dù trải qua 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề từ đại
dịch COVID-19 trên toàn cầu, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vẫn
đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2021, cả nước có 23 di tích
cấp quốc gia được xếp hạng, ghi danh 31 di sản văn hóa phi vật thể vào Danh mục
di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngành văn hóa đã hoàn thiện hồ sơ gửi Tổ
chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc đề cử di sản Vịnh Hạ Long
- Quần đảo Cát Bà ghi danh vào Danh mục di sản thế giới; đưa Quần thể di tích
và danh thắng Yên Tử ...vào danh sách dự kiến lập hồ sơ di sản thế giới. Công
tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy các phong tục, tập quán tốt đẹp của đồng bào
dân tộc thiểu số được đẩy mạnh thông qua việc triển khai Chương trình mục tiêu
quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021 - 2030.
Công tác xây dựng con
người Việt Nam phát triển toàn diện được thúc đẩy với việc chú trọng phẩm chất
đạo đức, lối sống tốt đẹp và được triển khai với các chuẩn mực cụ thể. Công tác
gia đình được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương; công tác phòng,
chống bạo lực gia đình được đẩy mạnh; công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức
gia đình được tăng cường. Các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20-3,
Ngày Gia đình Việt Nam 28-6 và Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực
gia đình năm 2021 với chủ đề “Gia
đình bình an - Xã hội hạnh phúc”. Các chương trình nghệ thuật phục vụ
nhiệm vụ chính trị, các sự kiện văn hóa và biểu diễn có thu được đánh giá cao.
Xây dựng thương hiệu quốc gia của 5 ngành: Du lịch văn hóa; điện ảnh; mỹ thuật,
nhiếp ảnh và triển lãm; nghệ thuật biểu diễn; quảng cáo.
Những kết quả trên đã thể hiện sự chủ động
thích ứng với những khó khăn của ngành văn hóa và toàn xã hội trong giai đoạn
hiện nay. Các giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam có cơ hội vượt qua thách
thức, ngày càng hoàn thiện, chắt lọc các giá trị căn cốt làm nên bản sắc Việt
Nam. Qua đó, góp phần rèn giũa bản lĩnh, trí tuệ, tâm hồn con người Việt Nam
trong gian khó với tinh thần chung lưng đấu cật, “lá lành đùm lá rách”, “lá
rách ít đùm lá rách nhiều”, tương thân, tương ái... Đó cũng chính là truyền
thống quý báu, là những trầm tích văn hóa luôn không ngừng được bồi đắp, trao
truyền, tiếp nối và thực hành trong đời sống xã hội qua các thế hệ của người
dân Việt Nam.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét