CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Chủ Nhật, 1 tháng 10, 2023

BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA DÂN TỘC TRONG QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI THEO NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG

 

Trong sự nghiệp đổi mới, Đảng ta luôn coi trọng vị trí, vai trò của văn hóa, khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh cho sự phát triển. Hiện nay, trước những thách thức đặt ra của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, càng phải chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc vì sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.

Trong quá trình xây dựng và phát triển văn hóa, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa và  hội nhập quốc tế cùng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu hiện nay, yêu cầu bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa được đặt ra đối với bất kỳ dân tộc hay quốc gia nào trên thế giới. Trong các nghiên cứu khoa học về văn hóa, tác giả A.A. Ra-du-ghin (nhà nghiên cứu văn hóa của Nga) đã khẳng định, xu hướng hiện đại của việc suy ngẫm lại vai trò và ý nghĩa của di sản văn hóa là ở chỗ, không chỉ cố gắng giữ gìn di sản văn hóa đó ở dạng ban đầu, mà còn phải nỗ lực gắn di sản đó vào nền móng của đời sống xã hội. Tức là bản thân quá trình lịch sử của văn hóa - nghệ thuật xuất hiện ở đây không chỉ như quá trình bảo toàn quá khứ và tích lũy các giá trị văn hóa, mà còn như quá trình phát triển cái mới trong cái cũ. Như vậy, mối quan hệ giữa văn hóa và phát triển đã được xác định có sự kế thừa và mang tính khách quan với yếu tố cốt lõi là các giá trị văn hóa.

Trước những yêu cầu của thời kỳ mới, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định quan điểm chỉ đạo “phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần”, “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”. “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước... xây dựng môi trường văn hóa, đạo đức xã hội lành mạnh, văn minh... Không ngừng cải thiện toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân” và “Tiếp tục nắm vững và xử lý tốt các mối quan hệ lớn: ... giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường”.

Bên cạnh đó, các giá trị văn hóa truyền thống phải được bảo tồn và tích hợp với giá trị của đời sống văn hóa mới, trên cơ sở phương châm làm cho con người ngày càng tốt đẹp hơn, loại bỏ những yếu tố xấu và yếu tố lạc hậu. “Nền văn hóa mới của Việt Nam phải lấy hạnh phúc của nhân dân, của dân tộc làm cơ sở, phải học lấy những điều tốt đẹp của văn hóa nước ngoài, tạo ra nền văn hóa Việt Nam, sao cho văn hóa mới phải sửa đổi cho được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ, phải làm sao cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập”. Văn hóa không chỉ là tiếp thu tinh hoa quá khứ, xử lý tốt mối quan hệ trong hiện tại, mà còn phải luôn hướng tới nền văn hóa đích thực vì sự phát triển bền vững, vì hạnh phúc của con người./

0 nhận xét: