NVN-H1
Thời
gian qua, xuất hiện một kiểu hành xử khá "cù nhầy" trong thực thi
công vụ, ấy là cứ gửi văn bản lên hỏi cấp trên, hỏi các cơ quan quản lý ngành,
mặc dù theo quy định của pháp luật thì cơ quan, địa phương ấy đủ thẩm quyền để
quyết định, xử lý công việc và chịu trách nhiệm. Cơ quan quản lý ngành khi nhận
được văn bản lại trả lời rất chung chung là: “Đề nghị thực hiện theo đúng quy định
của pháp luật”.
Như
vậy là "quả bóng" trách nhiệm cứ được đá qua đá lại giữa các cơ quan,
bộ, ngành, địa phương. Công việc cứ bị đình trệ, thiệt hại thì rất lớn, nhưng
cũng không thấy ai phải chịu trách nhiệm. Bởi thực tế là với một cán bộ không
tham mưu hay ký quyết định bị phát hiện là sai phạm pháp luật thì cũng không dễ
để xử lý, kỷ luật họ. Công việc chưa thông nhiều khi được cán bộ giải thích rằng
chưa đủ căn cứ pháp luật để giải quyết và việc gửi các văn bản hỏi lòng vòng một
cách không cần thiết cũng được giải thích là quá trình thực thi nhiệm vụ, không
dễ để bắt lỗi. Để giải quyết tình trạng chây ì, né việc, né trách nhiệm trong
cán bộ, công chức hiện nay, nên nghiên cứu thực hiện một số giải pháp sau:
Trước
hết, cần nâng cao chất lượng, hiệu quả thực chất của công tác cán bộ. Cần phải
chọn bằng được những cán bộ đủ đức, đủ tài, đủ kiến thức, kinh nghiệm và bản
lĩnh, dám làm, dám chịu trách nhiệm để giao trọng trách. Muốn vậy thì phải thực
hiện tốt quy định của Đảng về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống
chạy chức, chạy quyền. Công tác cán bộ có sạch thì Đảng mới mạnh, tổ chức mới mạnh,
công việc mới thông, quốc gia mới phát triển.
Thứ
hai, cần thường xuyên xem xét, sửa đổi các luật, các quy định không phù hợp với
thực tiễn, để luật mang tính khả thi cao, tránh rủi ro cho đội ngũ cán bộ, công
chức khi thực thi nhiệm vụ.
Thứ
ba là phải quy trách nhiệm cho người đứng đầu. Chọn cán bộ tốt đồng thời cũng
phải có phương pháp và quy định để đánh giá đúng chất lượng hoàn thành nhiệm vụ
của cán bộ. Một cán bộ tốt nhưng được giao vào một vị trí công việc chưa phù hợp
cũng có thể ảnh hưởng tới chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ đó. Nếu cán
bộ giữ vị trí chủ trì thì sẽ ảnh hưởng tới chất lượng công việc của cơ quan,
đơn vị.
Do
vậy, cần giao nhiệm vụ, giao chỉ tiêu cho cơ quan, đơn vị và cho cán bộ chủ trì
cơ quan, đơn vị ấy một cách rõ ràng. Nếu không hoàn thành chỉ tiêu thì cần xem
xét điều chuyển cán bộ ấy sang một vị trí khác, chọn người khác phù hợp hơn. Việc
giao chỉ tiêu và quy trách nhiệm hoàn thành nhiệm vụ cho người đứng đầu các bộ,
ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị có tác dụng rất lớn đến việc đốc thúc để
công việc chạy.
Tổng
Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo rất quyết liệt là: “Ai không dám làm thì mạnh
dạn đứng sang một bên cho người khác làm”, tỏ rõ thái độ đối với những cán bộ
trì trệ, sợ trách nhiệm, né việc. Do vậy, những đơn vị, địa phương nào bị phản
ánh nhiều về sự trì trệ, biểu hiện né tránh trách nhiệm thì cần xem xét trách
nhiệm của người đứng đầu và có giải pháp thay thế phù hợp. Phải đả phá để thay
đổi hẳn quan niệm “không làm thì không sai” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đội
ngũ cán bộ, đảng viên phải thấy rằng: Không làm mà gây hậu quả nghiêm trọng thì
sẽ bị quy trách nhiệm, bị xử lý.
Thứ
tư là đối với cán bộ trong diện quy hoạch, được luân chuyển công tác, cần xem
xét kỹ chất lượng hoàn thành nhiệm vụ ở vị trí luân chuyển. Không nên để tồn tại
tâm lý “án binh bất động” trong một bộ phận cán bộ thuộc diện quy hoạch được
luân chuyển để thử thách. Chính thời gian luân chuyển này là cơ hội để cán bộ
thể hiện rõ năng lực, nhiệt huyết cống hiến của mình, từ đó tổ chức mới sắp xếp
cán bộ theo quy hoạch.
Thứ
năm là cần xây dựng và áp dụng các công cụ để định lượng, đánh giá một cách
chính xác, khoa học chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức. Hiện
nay, công tác đánh giá cán bộ còn cảm tính, chưa có các công cụ để đo lường hiệu
quả chất lượng hoàn thành nhiệm vụ. Ở những nơi công việc bị tắc nghẽn, chậm trễ
thì cán bộ vẫn có thể được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Ở
các nước phát triển, có rất nhiều công cụ để đo lường hiệu quả làm việc của
nhân sự, ví dụ như chỉ số KPI mà hiện nay nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã áp
dụng khá hiệu quả. Chỉ số này có tiêu chuẩn chung, dựa vào đó, mỗi cơ quan, đơn
vị, doanh nghiệp sẽ xây dựng, điều chỉnh cho phù hợp với đặc thù lĩnh vực của
mình. Tuy nhiên, muốn đánh giá được hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ của đội ngũ
cán bộ, công chức thì các chỉ tiêu, nhiệm vụ, thời hạn hoàn thành được giao cho
các bộ, ngành, địa phương cũng phải hết sức cụ thể, rõ ràng.
Thứ sáu là cần có cơ chế, chính sách khuyến
khích, bảo vệ cán bộ có tinh thần “7 dám: Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu
trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và
dám hành động vì lợi ích chung”. Hiện nay đã có Kết luận số 14-KL/TW, ngày
22-9-2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán
bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Thế nhưng, Kết luận số 14-KL/TW cần được
thể chế hóa thành các quy định cụ thể của pháp luật, từ đó cán bộ có chỗ dựa mới
tự tin khi thực hiện nhiệm vụ vì lợi ích chung.
Thứ
bảy là đối với cá nhân cán bộ, đảng viên, phải thường xuyên tự tu dưỡng, rèn
luyện bản lĩnh, đạo đức cách mạng, năng lực, trình độ. Khi người cán bộ, đảng
viên thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của mình sẽ luôn vững vàng trước khó khăn,
thách thức và không bị cám dỗ bởi vật chất, tiền tài, danh vọng.
Đồng
thời, đạo đức cách mạng sẽ thúc đẩy người cán bộ, đảng viên nhiệt huyết trong
thực hiện nhiệm vụ, không thể đành lòng nhắm mắt làm ngơ trước một núi công việc,
không thể làm ngơ trước sự trông mong, tin tưởng của tổ chức, xã hội và nhân
dân. Bản lĩnh của người cán bộ được thể hiện ở ý chí vượt qua khó khăn, gian khổ,
kiên cường, dũng cảm, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi
mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích
chung.
Cùng
với đó, người cán bộ, đảng viên phải không ngừng học tập nâng cao trình độ,
năng lực, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ. Người
cán bộ có trình độ, năng lực, kinh nghiệm thực tiễn sẽ tạo ra niềm tin và chỗ dựa
vững chắc cho cán bộ, nhân viên thuộc quyền, làm cho cán bộ, nhân viên thuộc
quyền không hoài nghi, dao động trước những quyết định của mình. Từ đó, tổ chức,
cơ quan, đơn vị luôn có bầu không khí sôi nổi, tự tin trong mọi hoạt động. Khi
những yếu tố nêu trên được tích lũy đầy đủ, người cán bộ sẽ luôn phát huy tốt
tinh thần “7 dám”, không sợ trách nhiệm, không né tránh hay đùn đẩy trách nhiệm.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét