Trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc, Việt Nam - một
quốc gia nhỏ bé những luôn giành chiến thắng. Một trong những yếu tố tạo lên
sức mạnh Việt Nam trong giữ nước đó là dân tộc ta đã chiến đấu vì lẽ phải, vì
công lý. Người Việt Nam có câu: “Nói phải củ cải cũng nghe" như khẳng định
hiển nhiên rằng đúng lý lẽ thì ai cũng phải công nhận. Việt Nam có lẽ phải, có
công lý nên dẫu hệ thống tuyên truyền đồ sộ của phương Tây, đứng đầu là Hoa Kỳ
có mở hết công suất thì cũng không bóp méo được một lẽ phải hiển nhiên: Việt
Nam cũng như mọi quốc gia trên thế giới cần và phải được độc lập, thống nhất và
hòa bình. Nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới, trong đó có nhân dân
Mỹ, hiểu rõ điều đó là công lý, là chân lý. Mở đầu bản “Tuyên ngôn độc lập” đọc
trước toàn thể quốc dân đồng bào ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh trích dẫn
Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ năm 1776 và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của
Cách mạng Pháp năm 1791, coi đó là những “lời bất hủ”, là công lý, là lẽ phải:
“Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có
quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do. Đó là những lẽ phải không ai chối
cãi được”. Nhân dân Việt Nam đứng về phía lẽ phải đó và quyết đòi bằng được hòa
bình, độc lập, tự do cho dân tộc mình. Tuy nhiên, con đường chính nghĩa thắng
phi nghĩa, cái thiện thắng cái ác cũng trải qua vô vàn gian khổ, hy sinh. Dân
tộc ta đã đoàn kết xung quanh Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, khẳng
định ý chí sắt đá: “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không
chịu làm nô lệ. Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Và lẽ phải ấy đã chiến
thắng.
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, nhân dân Việt Nam đã nhiều
lần buộc phải chống lại kẻ thù xâm lược mạnh hơn mình nhưng cuối cùng chúng ta
đã giành chiến thắng nhờ yêu chuộng hoà bình và phát huy cao nhất sức mạnh của
khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nói về sức mạnh Việt Nam chỉ có thể nói đến hai
chữ “thần kỳ”. Bởi nếu không thần kỳ thì không thể nào giành chiến thắng. Lịch
sử hàng nghìn năm trước, đế quốc Nguyên Mông từng chiếm một vùng rộng lớn từ Á
sang Âu, sức mạnh tưởng không gì ngăn cản, nhưng 3 lần đến Việt Nam đều thất
bại thảm hại. Tìm lời giải cho câu hỏi “Vì sao Việt Nam nhỏ bé chiến thắng?”,
những nhà lý luận quân sự tài ba của thế giới cũng chưa bao giờ lý giải đầy đủ.
Bởi thế, sử sách cũng chỉ khẳng định tổng quát đó là sự kỳ diệu, thậm chí là kỳ
lạ của một dân tộc. Một số người đã cố gắng chỉ ra rằng chúng ta có địa hình
rừng núi hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt làm kẻ thù thất bại. Nhưng nếu chỉ có
thế thì vũ khí hiện đại có thể bù lấp vào chỗ “khuyết” ấy chăng? Và nếu chỉ có
thế thì đối phương chỉ cần tránh ải Chi Lăng, tránh Bạch Đằng giang là thoát
khỏi thảm bại? Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, lợi dụng núi rừng hiểm
trở, người Pháp đã lập cứ điểm Điện Biên Phủ và nghĩ rằng Việt Minh có cánh
cũng không vào được. Vậy mà chỉ với xe đạp thồ và ý chí sắt đá, sự sáng tạo và
quả cảm của nhân dân Việt Nam, mọi thứ đều được chuyển đến Điện Biên để làm nên
một chiến thắng “chấn động địa cầu”. Rồi thời chống đế quốc Mỹ, “trận Điện Biên
Phủ” trên bầu trời Hà Nội càng khó lý giải hơn khi lý thuyết chỉ ra rằng không
lực Hoa Kỳ là bất khả chiến bại, nhưng họ lại thảm bại…
Có thể nói, mọi lý giải như trên đều không thỏa đáng nếu chỉ so
sánh cơ học, số học về vũ khí, tiền bạc giữa Việt Nam và đối phương. Sau chiến
tranh, ông McNamara - cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hoa kỳ - phải thừa nhận tính
toán sai lầm của mình trong chiến tranh Việt Nam, trong đó, sai lầm lớn nhất là
không hiểu văn hóa Việt Nam. Có thể khẳng định, sự ngộ ra của nguyên tác giả
hàng rào điện tử, đạo diễn chính của Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam, là
tương đối thỏa đáng cho câu trả lời vì sao Việt Nam nhỏ bé luôn chiến thắng.
Văn hóa chung của nhân loại luôn khẳng định thiện thắng cái ác,
cái chính nghĩa thắng phi nghĩa. Với Việt Nam, một nước đã từng chịu bao tang
thương, mất mát trong chiến tranh giữ nước thì văn hóa hòa bình là số một. Nhân
dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình, không đem vũ khí xâm lược đất nước khác,
không muốn có chiến tranh - truyền thuyết Hồ Hoàn Kiếm (trả gươm) giữa trái tim
Thủ đô là minh chứng cho điều đó; nhưng chúng ta “càng nhân nhượng” thì kẻ thù
càng lấn tới, buộc toàn dân tộc phải cố kết chặt chẽ, dốc toàn lực đánh đuổi
quân xâm lược. Toàn lực là “ai có súng dùng súng, không có súng thì dùng cuốc
xẻng, gậy gộc”, “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, “còn cái lai quần cũng đánh”,
ngọn giáo, cây chông đều là vũ khí và ngay cả đến “con ong Việt Nam cũng thành
chiến sĩ”… tất cả chỉ để giành lại hoà bình, độc lập, tự do cho dân tộc. Mặc dù
buộc phải “giặc dùng đạn bom thì ta giáng trả đạn bom”. Nhưng ngay trong chiến
sự, nhân văn Việt Nam vẫn toả sáng: “Đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân
thay cường bạo”; Bao dung Việt Nam luôn được đề cao bằng việc cấp lương thảo,
phương tiện cho kẻ thù rút về nước trong danh dự, miễn sao đất nước sạch bóng
quân thù và muôn đời dập tắt chiến tranh.
Lịch sử Việt Nam hàng nghìn năm khẳng định Việt Nam cần hòa
bình, yêu chuộng hòa bình. Trong trường hợp buộc phải cầm vũ khí, chiến đấu,
thì đó là chiến đấu vì độc lập tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân
Việt Nam, chứ không vì sự đối đầu đua tranh hơn kém, thắng thua. Truyền thống
Việt Nam nghìn đời nay vẫn vậy. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam
ngày nay vẫn giữ gìn vá phát huy nét đẹp văn hoá ấy. Khép lại quá khứ, không có
nghĩa là quên quá khứ, bởi quá khứ lưu giữ hàng nghìn bài học quý giá cho tất
cả mọi người, mọi quốc gia./.
NNL-H2
0 nhận xét:
Đăng nhận xét