Cách đây tròn 170 năm (1847-2007), Các Mác và Phri-đrích Ăng-ghen,
các nhà sáng lập thiên tài học thuyết chủ nghĩa cộng sản khoa học, những lãnh tụ
vĩ đại và người thầy của giai cấp công nhân thế giới đã bắt tay khởi thảo tác
phẩm bất hủ Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, tác phẩm phổ biến nhất, có
tính quốc tế nhất trong sách báo xã hội chủ nghĩa. Là văn kiện có tính cương
lĩnh của phong trào cộng sản, Tuyên ngôn đánh dấu sự ra đời của chủ
nghĩa Mác sau một loạt công trình tìm tòi, khám phá, phát hiện trước đó; đánh dấu
sự chuyển biến của chủ nghĩa xã hội từ không tưởng thành khoa học.
Giá trị của Tuyên ngôn không chỉ là cung cấp
những lời giải có sẵn cho mọi vấn đề của thực tiễn cách mạng hôm nay, phản ánh
một cách khái quát xu hướng vận động khách quan của xã hội, chỉ ra những nhiệm
vụ lịch sử cần giải quyết để từng bước giải phóng giai cấp công nhân và các tầng
lớp lao động khác, giải phóng các dân tộc bị áp bức, giải phóng xã hội và giải
phóng con người, mà còn là tác phẩm có ý nghĩa to lớn trong đấu tranh chống các
quan điểm sai trái, thù địch ngay từ khi nó ra đời như
lời nói đầu của bản Tuyên ngôn này ghi rõ: “Hiện nay đã đến lúc những người cộng
sản phải công khai trình bày trước toàn thế giới những quan điểm, ý đồ của mình
và phải có một Tuyên ngôn của Đảng của mình để đập lại một câu chuyện hoang đường
về bóng ma cộng sản”.
Câu chuyện hoang đường về “bóng ma cộng sản” được
hai nhà kinh điển mác - xít nhắc đến ở đây chính là sản phẩm của sự thêu dệt một
cách có chủ đích của các thế lực phản động, chống cộng qua các thời kỳ, mà ngày
nay, biểu hiện của nó là vô cùng phong phú, đa dạng về sắc thái, trong đó tập
trung nhất chính là chiến lược “Diễn biến hòa bình” của chủ nghĩa đế quốc và
các thế lực thù địch nhằm xóa bỏ Chủ nghĩa xã hội hiện thực. Vì vậy, khặng định
giá trị của Tuyên ngôn và phát huy giá trị ấy trong đấu tranh chống các quan điểm
sai trái, thù địch là nhiệm vụ vừa có ý nghĩa lý luận to lớn, vừa có tính thực
tiễn sâu sắc đối với cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Giá trị của
Tuyên ngôn trong đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch thể hiện trước
hết ở chỗ, đây là văn kiện có tính chất cương lĩnh, phản ánh khái quát nhất chủ
nghĩa Mác - một học thuyết cách mạng, khoa học, hoàn bị và triệt để, do đó, nó
là nền tảng, cơ sở lý luận vững chắc và quan trọng nhất trong đấu tranh chống
các quan điểm sai trái, thù địch.
Tính
cách mạng, khoa học của “Tuyên
ngôn” là ở chỗ, nó đã làm rõ sự ra đời, địa vị lịch sử và sự diệt vong tất yếu của chủ
nghĩa tư bản; chỉ
ra sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản – người đào huyệt chôn chủ nghĩa tư bản,
xây dựng xã hội mới và trình
bày khái quát những nguyên lý cơ bản về con đường giải phóng giai cấp vô sản và
mô hình chủ nghĩa xã hội. Có thể khẳng định, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản là
cương lĩnh của những người cộng sản, có giá trị bền vững, lâu dài. Nó không chỉ
xác định mục tiêu, lý tưởng xây dựng chủ nghĩa cộng sản, xóa bỏ chủ nghĩa tư bản,
giải phóng giai cấp, giải phóng con người, không chỉ vạch ra con đường cách mạng
và lực lượng xã hội chủ chốt là giai cấp vô sản thực hiện con đường cách mạng
đó, mà còn trình bày một cách súc tích thế giới quan khoa học và cách mạng của
giai cấp vô sản – một sáng tạo vĩ đại của C.Mác và Ph.Ăng-ghen, dựa trên sự kế
thừa và phát triển những tư tưởng tiên tiến nhất của thời đại. Thực tiễn phong
trào cộng sản và công nhân quốc tế cho thấy, qua các thời kỳ lịch sử, Tuyên
ngôn luôn là kim chỉ nam cho những người cộng sản trong đấu tranh chống chủ
nghĩa chống cộng, chủ nghĩa cơ hội xét lại dưới mọi hình thức.
Giá trị của Tuyên ngôn trong đấu tranh
chống các quan điểm sai trái, thù địch còn thể hiện ngay trong phương pháp đấu
tranh của các nhà kinh điển Mác xít với chủ nghĩa chống cộng, chủ nghĩa xã hội
bảo thủ, các trào lưu văn học phi vô sản và nhiều vấn đề khác trong văn kiện
này. Nói cách khác, bản thân Tuyên ngôn là văn kiện có tính chiến đấu cao và
triệt để. Đó là phương pháp đấu tranh trực diện, kịp thời, bằng sự phân tích lý
luận và thực tiễn sắc bén, làm rõ bản chất, nguồn gốc và tác hại của từng quan
điểm, tư tưởng sai trái, thù địch, có tính kế thừa và phê phán sâu sắc. Ví dụ,
khi phân tích xã hội tư bản, trong Tuyên ngôn, Mác và Ăngghen không chỉ nhìn thấy
bản chất, những mâu thuẫn nội tại cố hữu của chủ nghĩa tư bản, mà còn đánh giá
cao những thành tựu mà chủ nghĩa tư bản đã tạo ra với một tinh thần biện chứng
triệt để, qua đó xác định rõ hơn những vấn đề có tính chiến lược, sách lược
trong đấu tranh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Điều này có ý
nghĩa rất lớn đối với công cuộc đấu tranh phòng, chống những quan điểm, tư tưởng
sai trái, thù địch ở nước ta hiện nay.
Ngoài
ra, Tuyên ngôn còn là tác phẩm mẫu mực trong việc truyền cảm hứng và cổ vũ mạnh
mẽ đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế trong cuộc đấu tranh chống
các quan điểm sai trái thù địch. Rõ ràng, không chỉ là ngọn cờ tiên phong về mặt
lý luận, Tuyên ngôn còn là tác phẩm có sức lan tỏa lớn nhất trong phạm vi toàn
cầu ở mọi thời đại. Đúng như Lênin nhận xét: Cuốn sách nhỏ ấy có giá trị bằng
hàng bộ sách, tinh thần của nó đến bây giờ vẫn cổ vũ và thúc đẩy toàn thể giai
cấp vô sản có tổ chức và đang chiến đấu của thế giới văn minh sống và lao động
theo tinh thần của nó. Chính từ tinh thần ấy mà Mác và Ph.Angghen đã đấu tranh làm thất bại những trào lưu phi
vô sản cuối thế kỷ XIX, Lênin đã hoàn thành việc bảo vệ và phát triển chủ nghĩa
Mác cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX khi đập tan âm mưu của bọn cơ hội, xét lại trong Quốc tế II, phái
kinh tế, phái dân túy và hàng loạt trào lưu tư tưởng phi vô sản khác với
hàng loạt những tác phẩm nổi tiếng như Chủ
nghĩa Mác và chủ nghĩa xét lại, Cách
mạng vô sản và tên phản bội Cau-ski… góp phần làm nên thành công của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, lần đầu
tiên đưa lý tưởng của Tuyên ngôn thành hiện thực.
Bằng Nguyễn
➽ Đáng thương cho Nguyên Thạch: Phận chó cắn càn!➽ “Hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh”➽ Phải chăng “chính trị gia dân chủ cộng sản “muốn tốt cũng không dễ””?
0 nhận xét:
Đăng nhận xét