Thời gian gần đây, một số nhà nghiên cứu phương Tây và một bộ phận cán bộ,
đảng viên trong nước cho rằng, trong thời đại ngày nay, chủ nghĩa Mác-Lênin đã
lỗi thời. Bởi vậy, chúng ta không thể xây dựng được một xã hội mới tốt đẹp, dân
giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh trên nền tảng của học thuyết lỗi
thời đó. Câu hỏi đặt ra là, chủ nghĩa Mác-Lênin có thật là đã lỗi thời không
khi xem xét dưới mọi bình diện, từ ý nghĩa khoa học, mục tiêu xã hội đến ý
nghĩa thực tiễn? Nếu nó là lỗi thời thì nguyên nhân và cơ sở nào quy định, ngược
lại nếu không lỗi thời thì tại sao và do đâu?
Những người cho rằng Chủ nghĩa Mác-Lênin đã lỗi
thời thường dựa chủ yếu vào 4 lý do sau đây: Thứ nhất, chủ nghĩa Mác-Lênin ra
đời từ những điều kiện kinh tế - xã hội của thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX nên
không còn phù hợp với thực tiễn hiện nay. Thứ hai, CNXH hiện thực được xây dựng
theo học thuyết của C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I. Lênin ở Liên Xô, các nước Đông Âu
đã bị sụp đổ. Hiện thực sụp đổ có nghĩa là lý thuyết sai lầm. Thứ ba, điều kiện
kinh tế và xã hội ở các nước tư bản phát triển được cải thiện rất nhiều so với
ở các nước đi theo con đường XHCN, chứng tỏ CNTB là ưu việt. Và thứ tư, một
loạt sai lầm, khuyết điểm mà các nước đi theo con đường XHCN, trong đó có nước
ta đã và đang mắc phải, chứng tỏ lý luận về CNXH là sai lầm và lỗi thời.
Trong bài viết này, chúng tôi xin trao đổi về
các lý do đó. Về lý do thứ nhất, đúng là học thuyết của C.Mác và
Ph.Ăngghen ra đời từ giữa thế kỷ XIX, trong điều kiện những mâu thuẫn của CNTB
đã trở nên gay gắt, phơi bày tất cả bản chất giai cấp của nó cùng với sự bóc
lột người lao động đến cùng cực. C.Mác và Ph.Ăngghen kế thừa những thành tựu
nghiên cứu của các nhà khoa học đi trước, tiếp thu có phê phán toàn bộ những
giá trị tinh hoa của quá trình phát triển tư tưởng của nhân loại, đặc biệt là
kinh tế - chính trị cổ điển Anh, triết học cổ điển Đức và CNXH không tưởng
Pháp. Những học thuyết về giá trị lao động của Ađam Xmít và Đavít Ricácđô,
phương pháp biện chứng của Hêghen, chủ nghĩa duy vật nhân bản của Phơbách,
những tư tưởng tiến bộ về xã hội của các nhà tư tưởng Pháp như Sanh Simông,
Phuriê cũng đóng góp những cơ sở nhận thức quan trọng vào quá trình hình thành
học thuyết của C.Mác và Ph.Ăngghen. Cũng cần phải nói rằng, lần đầu tiên trong
lịch sử tư tưởng nhân loại, C.Mác và Ph.Ăngghen đã phát hiện ra tính quy luật
trong sự vận động của xã hội loài người, trong đó nhân tố quyết định là mối
quan hệ biện chứng giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất. Đây chính là
cơ sở để C.Mác và Ph.Ăngghen dự báo về tất yếu loài người sẽ tiến tới CNCS qua
một giai đoạn quá độ là CNXH.
V.I.Lênin là người tiếp tục phát triển những tư
tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen vào thời kỳ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, trong
điều kiện mới khi CNTB đã chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa. V.I.Lênin có
nhiều đóng góp vào phát triển các tư tưởng triết học, kinh tế - chính trị của
C.Mác và Ph.Ăngghen. Đặc biệt, V.I.Lênin đã phát triển tư tưởng về khả năng
thắng lợi của cách mạng vô sản ở một nước tư bản riêng biệt; xây dựng học
thuyết về một chính đảng mác xít kiểu mới; tổ chức cuộc cách mạng XHCN thắng
lợi và vận dụng học thuyết của Mác để phân tích, giải quyết hàng loạt vấn đề
trong quá trình xây dựng CNXH ở nước Nga và Liên bang Xô viết.
Đến giữa thế kỷ XX, Hồ Chí Minh là người vận
dụng chủ nghĩa Mác - Lênin một cách sáng tạo vào thực tiễn Việt Nam để giải
quyết những nhiệm vụ to lớn của cách mạng Việt Nam, đánh thắng những đế quốc
to, những kẻ thù hung bạo để giành độc lập tự do cho dân tộc, bảo vệ từng tấc
đất thiêng liêng của Tổ quốc, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến
thắng lợi khác.
Điều hiển nhiên và không thể chối cãi là, dù
được hiểu theo nghĩa nào, chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn là khoa họcvề những quy
luật chung nhất của sự vận động, phát triển của tự nhiên, xã hội và tư duy; quy
luật về sự phát triển của sản xuất xã hội, về cuộc đấu tranh của giai cấp vô
sản và nhân dân lao động chống lại áp bức, bóc lột, mưu cầu tự do, hạnh phúc;
quy luật về cách mạng XHCN và con đường xây dựng, phát triển đi tới CNCS. Vào
thời điểm ra đời của học thuyết này, những tác giả của chủ nghĩa Mác - Lênin đã
phê phán CNTB, chỉ ra bản chất bóc lột, tính quy luật trong sự tồn tại và phát
triển của nó. Sự phê phán đó là sâu sắc và phản ánh đúng bản chất của thực tiễn
xã hội đương thời. Đó là điều đã được thực tế kiểm nghiệm, được hầu hết các nhà
nghiên cứu xã hội thừa nhận cho dù họ theo xu hướng chính trị nào. Từ sự phê
phán CNTB đương thời, từ phát hiện tính quy luật của lịch sử xã hội loài người
và từ cả thái độ nhân văn trước hiện thực tăm tối về sự thống khổ của người lao
động dưới ách áp bức, bóc lột của CNTB, C.Mác, Ph.Ăngghen dự báo về một xã hội
tương lai như một tất yếu lịch sử sẽ thay thế CNTB.
Cần nói rằng, những gì CNTB hiện đại đang thể
hiện vẫn không đi ra ngoài tính quy luật mà chủ nghĩa Mác - Lênin đã chỉ ra,
càng minh chứng cho tính đúng đắn của chủ nghĩa Mác - Lênin. Sự phát triển
nhanh chóng của lực lượng sản xuất dưới tác động của cuộc cách mạng khoa học -
công nghệ, một mặt tăng thêm tiềm lực cho CNTB. Mặt khác, nó càng thúc đẩy
nhanh hơn quá trình xã hội hóa của lực lượng sản xuất, dẫn đến những thay đổi
chóng mặt về quy mô, tính chất của quan hệ sở hữu, quản lý, điều hành sản xuất
và phân phối của cải xã hội. Quá trình toàn cầu hóa xuất phát trước tiên từ nền
kinh tế TBCN, nói cho cùng cũng như cái “áo” trong khung khổ từng quốc gia đã
quá chật hẹp, buộc phải nới ra trên phạm vi toàn thế giới. Sự áp bức bóc lột
của CNTB theo đó cũng mở rộng mạnh mẽ ra ngoài chính quốc. Sự bóc lột ấy, về
bản chất, chẳng khác gì hành vi xâm lược thuộc địa của các đế quốc - TBCN trước
đây, chỉ có điều nó được che đậy dưới lớp vỏ hào nhoáng, mỹ miều hơn, nó đi vào
các quốc gia nghèo khó bằng cửa chính và bóc lột người lao động bằng những lề
luật văn minh, sạch sẽ hơn.
Càng giàu mạnh, các thế lực tư bản càng hung
hăng, tìm mọi cách để chiếm đoạt các nguồn tài nguyên, của cải của thế giới,
quy phục các quốc gia nghèo khó, yếu thế nhằm phục vụ cho lợi ích của mình.
Cuộc chiến tranh Irắc đã đẩy một quốc gia hòa bình vào cuộc chiến đẫm máu,
huynh đệ tương tàn suốt hơn một thập niên, đến nay vẫn chưa thấy lối ra. Lý do
để phát động cuộc chiến tranh chống lại một dân tộc có chủ quyền, độc lập cách
xa nước Mỹ hàng vạn cây số là tàng trữ “vũ khí giết người hàng loạt”, nhưng từ
sau chiến dịch Bão táp sa mạcđến giờ người ta đã đào bới, xới lộn cả nước Irắc
mà không tìm thấy cái gì là “vũ khí giết người hàng loạt”. Nhưng thực tế thì
chính nước Mỹ đang tàng trữ lượng vũ khí hạt nhân đủ phá hủy nhiều lần cuộc
sống của nhân loại trên toàn cầu. Đất nước Libia hòa bình cũng trở thành hỗn
loạn sau khi Mỹ và các đồng minh phương Tây can thiệp lật đổ chính quyền dân cử
Mohamet Cadaphi. Cho dù Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Anh đã xin lỗi nhưng điều ấy
có nghĩa gì khi đất nước Irắc và Libia đã tan hoang, hàng vạn người dân lành đã
chết, hàng triệu người dân đang sống trong những điều kiện tồi tệ nhất(1). Ngay
với nước Mỹ, hàng chục nghìn thanh niên đã bỏ xác ở Irắc, ở Trung Đông một cách
vô nghĩa. Chắc chắn trong số những thanh niên Mỹ đã chết vô ích ấy không và
không thể có con cái các nhà tư bản, các ông chủ ngân hàng. Vậy, lý do cuộc
chiến Irắc là gì nếu không phải là dầu mỏ và lợi ích của những ông chủ, các nhà
tư bản Mỹ? Một loạt cuộc cách mạng màu do bàn tay Mỹ và các nước phương Tây
phát động ở Libia, Siry, Ai Cập... đều có chung một hình thái bên ngoài, mục
đích ẩn giấu bên trong và hậu quả tồi tệ không khác gì với cuộc chiến ở Irắc.
Mặt khác, nếu nhìn nhận từ góc độ nhân vănthì
CNXH là ước vọng ngàn đời của tất cả những người dân lao động, của những con
người có lương tâm cùng tình thương nhân loại, muốn sống trong hòa bình, nhân
ái. C.Mác và Ph.Ăngghen đã phát triển CNXH từ không tưởng trở thành khoa học
khi nhìn nhận nó từ quy luật vận động của lịch sử, như sự vận động tất yếu từ
những cơ sở xã hội, những yếu tố kinh tế, vật chất vốn đã được hình thành ngay
trong lòng CNTB. Như vậy, CNXH là phù hợp và hợp lý cả về phương pháp luận khoa
học và tính mục đích nhân văn.
Với tính chất là một học thuyết khoa học, những
người khai sinh ra chủ nghĩa Mác - Lênin chưa bao giờ muốn và chưa có bất cứ
một mệnh đề phán đoán nào để quy các luận điểm trong học thuyết của mình về
cách mạng xã hội hay về xã hội XHCN tương lai thành những tín điều siêu hình,
cứng nhắc. Trong tác phẩm Những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản, Ph.Ăngghen đã
trả lời hàng loạt vấn đề lý luận liên quan trực tiếp đến chủ nghĩa xã hội khoa
học như: thế nào là giai cấp công nhân và đảng cộng sản; quan hệ giữa giai cấp
công nhân với đảng cộng sản; hiểu thế nào là xóa bỏ chế độ chiếm hữu tư nhân
TBCN và xác lập chế độ công hữu về tư liệu sản xuất; mối quan hệ ra sao giữa
giai cấp công nhân, dân tộc và quốc tế; các giải pháp cần thiết để tiến hành
cách mạng XHCN,... Chính Ph.Ăngghen là người rất khách quan, khoa học khi luận
giải rất tường minh CNXH từ không tưởng trở thành khoa học, đồng thời yêu cầu
những người cộng sản rằng, “...chủ nghĩa xã hội trở thành khoa học mà ngày nay,
vấn đề trước hết là phải nghiên cứu thêm, trong mọi chi tiết và mọi mối liên hệ
của nó”.
Trong rất nhiều tác phẩm, C.Mác và Ph.Ăngghen
đều nhấn mạnh tầm quan trọng của nhận thức, đánh giá, tổng kết thực tiễn để
thường xuyên bổ sung, phát triển lý luận, nhất là lý luận về con đường hiện
thực hóa CNXH, CNCS. Trong Lời đề tựa cho lần xuất bản Tuyên ngôn của Đảng Cộng
sản vào năm 1872, C.Mác và Ph.Ăngghen đã viết rằng: “...chính ngay “Tuyên ngôn”
cũng đã giải thích rõ rằng bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, việc áp dụng những
nguyên lý đó cũng phải tùy theo hoàn cảnh lịch sử đương thời, và do đấy không
nên quá câu nệ vào những biện pháp cách mạng nêu ra ở cuối chương II”(2). Quan
điểm lịch sử - cụ thể và quan điểm phát triển cũng luôn luôn được V.I.Lênin
quán triệt vận dụng trong nhiều nhận thức thực tiễn giải quyết mối quan hệ gắn
bó giữa lý luận với thực tiễn. Chính sách Kinh tế mới chính là một dẫn chứng
thực tế sáng rõ về quan điểm đó. Chính V.I.Lênin đã có một định nghĩa đầy tính
thực tiễn về CNXH mà lâu nay đôi khi những người hậu thế đã bỏ quên hoặc bảo
thủ với những định kiến mà không nhìn nhận một cách đúng đắn và nghiêm túc.
Người nói: “Dùng cả hai tay mà lấy những cái tốt nhất của nước ngoài: Chính
quyền xô-viết + trật tự ở đường sắt Phổ + kỹ thuật và cách tổ chức các tơ-rớt ở
Mỹ + ngành giáo dục quốc dân Mỹ etc. etc. + + = ∑= chủ nghĩa xã hội”(3). Nhận
định của V.I.Lênin từ gần 100 năm trước vẫn còn nguyên giá trị phương pháp luận
đối với chúng ta hiện nay, nhất là trong điều kiện toàn cầu hóa.
Vậy thì tại sao có thể nói rằng chủ nghĩa Mác -
Lênin là lỗi thời. Xin thưa rằng, chủ nghĩa Mác - Lênin không thể lỗi thời mà
chính những người cố tình phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin mới là những người
nhầm lẫn, sai lầm, cố tình không nhìn thấy bản chất khoa học và nhân văn của
chủ nghĩa Mác - Lênin. Hoặc giả, họ đã cố tình xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin
vì một lý do chính trị, vì muốn xóa bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin để bảo vệ cho CNTB
và quyền lợi của một nhóm người tư bản hoặc được hưởng lợi không chính đáng từ
guồng máy của CNTB. Nếu có lỗi thời chăng, thì chính là lỗi thời ở cách mà
chúng ta chưa nghiên cứu đủ sâu sắc, chưa vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin một
cách đúng đắn vào thực tiễn để giải quyết các vấn đề trong quá trình xây dựng
CNXH mà thôi. Tuyệt nhiên không thể là sự lỗi thời của chủ nghĩa Mác - Lênin!
Về lý do thứ hai, sự sụp đổ của mô hình CNXH
hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu phải chăng như một bằng chứng hiển nhiên của sự
sai lầm, lỗi thời của chủ nghĩa Mác - Lênin và cùng với nó là con đường xây
dựng CNXH? Phải chăng có một lôgic thực tế là CNXH hiện thực sụp đổ do lý
thuyết về CNXH sai lầm?
Trước hết, cần phải nói rằng mô hình CNXH hiện
thực trên thực tế đã mang lại sự thay đổi rung trời chuyển đất, tạo ra một mảng
sáng không thể phủ nhận ở Liên xô, Đông Âu và một loạt nước trên thế giới. Nó
đã mang lại cuộc sống tốt đẹp cho một phần to lớn của nhân loại. Nó đã tạo nên
một sức mạnh to lớn mà trước đó không thể tưởng tượng về nguồn lực vật chất và
tinh thần, đủ sức để động viên sức người, sức của, tạo thành lực lượng chủ yếu
đánh thắng cả những lực lượng to lớn của liên minh các thế lực tư bản trong
Chiến tranh thế giới thứ nhất cũng như đội quân phát xít tàn bạo của trục ma
quỷ trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Bằng thực tế sinh động tốt đẹp trên các
đất nước xây dựng CNXH, nó đã động viên, thúc đẩy cuộc đấu tranh vì tự do, dân
chủ, hòa bình, giải phóng dân tộc trên toàn trái đất. Hàng loạt dân tộc bị áp
bức đã giành được độc lập tự do dưới ảnh hưởng và sự giúp đỡ vô tư của các nước
XHCN do Liên Xô dẫn đầu. Chính CNXH và cuộc đấu tranh rộng lớn, mạnh mẽ của
nhân dân lao động trên toàn thế giới đã là động lực thúc đẩy, buộc các thế lực
tư bản, đế quốc phải, một mặt thừa nhận quyền tự do, độc lập của các dân tộc
trong hệ thống thuộc địa rộng lớn của CNTB thực dân, đế quốc. Một mặt, tạo
thành sức ép, buộc các thế lực tư bản có những cải cách xã hội, cải thiện đời
sống của nhân dân lao động ở chính quốc. CNXH đã là một hiện thực hùng mạnh đủ
để những chiến lược gia, các nhà lý luận tư sản phải run sợ, đã đưa ra những dự
báo về sự thất bại, kết thúc không thể đảo ngược của chủ nghĩa tư bản. Những
thừa nhận đắng cay của Henry Kitsingiơ, Brêginxki thời kỳ những năm 60, 70 thế
kỷ XX vẫn còn nguyên đó trong các cuốn sách, bài báo của họ.
Tất nhiên, sự sụp đổ của mô hình CNXH hiện thực
ở Liên Xô và Đông Âu đã là một bài học đau đớn không chỉ cho những người cộng
sản, mà còn cho cả nhân loại tiến bộ. Đó là kết quả của sự bảo thủ, không nhìn
thẳng vào thực tế, chậm đổi mới nhận thức và đổi mới các chính sách cũng như
những giải pháp cần thiết để giải quyết những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn như
những mâu thuẫn tất yếu nảy sinh trong quá trình xây dựng và phát triển đất
nước. Đó cũng chính là sự sai lầm do những người cộng sản ở Liên Xô và các nước
XHCN trước đây mắc phải do không nhận thức đúng đắn những nguyên lý cơ bản của
chủ nghĩa Mác - Lênin về tính biện chứng và quan điểm lịch sử cụ thể trong quá
trình lãnh đạo cuộc cách mạng XHCN, đã do cố chấp và thiên kiến mà bỏ qua bài
học phương pháp luận quý báu của V.I.Lênin, không “Dùng cả hai tay mà lấy những
cái tốt nhất của nước ngoài” để xây dựng, phát triển chế độ XHCN.
Mặt khác, sự sụp đổ của mô hình CNXH hiện thực
ở Liên Xô và Đông Âu chỉ là sự sụp đổ của một mô hình xây dựng CNXH cụ thể
không hơn, không kém. Tuyệt nhiên đó không phải là sụp đổ của một học thuyết
khoa học, càng không thể là sự sụp đổ về một tương lai tốt đẹp mà nhân loại
tiến bộ đang hướng tới. Điều ấy không chỉ được minh chứng bằng việc ngay ở thời
điểm hiện nay, một loạt nước ở tây bán cầu ngay cận kề nước Mỹ đang tìm tòi con
đường và cách thức để xây dựng CNXH theo một mô hình mới. Nó cũng được minh
chứng bởi một loạt quốc gia ở chính châu Âu, nhất là Bắc Âu đã và đang lấy CNXH
làm mục đích và cảm hứng để xây dựng, phát triển đất nước mình. Không phải
không có lý do, khi họ tự gọi mình là mô hình CNXH phúc lợi. Đương nhiên còn
một minh chứng hiện hữu là một số nước kiên trì đi theo con đường XHCN, trong
đó có Việt Nam đã đạt được những thành tựu có tính lịch sử trong xây dựng, phát
triển.
Từ tất cả thực tế ấy, không thể nói rằng mô
hình CNXH ở Liên Xô và các nước khác sụp đổ trong những năm cuối thế kỷ trước
có nghĩa là học thuyết Mác - Lênin về CNXH là sai lầm và lỗi thời! Ngược lại,
sẽ là ảo tưởng khi nghĩ rằng CNTB đang thắng thế. Thực tế đang chỉ ra rằng,
chính CNTB đang đứng trước những thánh thức đầy nguy hiểm. Chính sự mâu thuẫn
lợi ích, căn bệnh bản chất của CNTB đang làm nảy sinh sự chia rẽ khó tránh khỏi
trong các liên minh tưởng chừng bền vững của họ. Hiện tượng Brexit của nước Anh
chỉ là một dấu hiệu đầu tiên và tất yếu của sự khục khặc từ chính trong lòng
của nó khi CNTB ở Tây Âu mất đi đối trọng là khối các nước XHCN. Khi không còn
phải đối mặt với nguy cơ từ bên ngoài thì những mâu thuẫn không thể tránh khỏi
về lợi ích sẽ hiện nguyên hình, phá vỡ mối liên kết yếu ớt của các thế lực
TBCN. Mặt khác, những cuộc khủng bố đã hiện diện ngay trung tâm của châu Âu, đe
dọa không chỉ an ninh mà tạo nên sự bất ổn sống còn của chế độ TBCN. Vụ khủng
bố ở thành phố Nice giữa đêm Quốc khánh nước Pháp làm hơn 80 người chết và vụ
khủng bố bằng phương thức như thế được lặp lại ở Berlin, thủ đô nước Đức ngày
18-12-2016 làm 12 người chết, gần năm chục người bị thương, không chỉ báo
hiệu mối nguy lớn về an ninh của châu Âu. Nó còn là hệ quả tất yếu cho chính
sách sai lầm, vụ lợi của CNTB trong cách hành xử với các nước nghèo, các quốc
gia Bắc Phi và Trung Đông.
Về lý do thứ ba, sự hơn hẳn về điều kiện vật
chất, trình độ phát triển về kinh tế, khoa học - công nghệ và một số lĩnh vực
khác của các nước tư bản phát triển so với các nước đi theo con đường XHCN hiện
nay, phải chăng đã minh chứng cho tính ưu việt của CNTB? Đúng là không ai có
thể phủ nhận một thực tế là các nước TBCN phát triển đã có được những thành tựu
phát triển về kinh tế, khoa học - công nghệ kéo theo những cải thiện nhất định
về điều kiện sống của người dân. Nhưng đó mới chỉ là cách nhìn thực tại, phiến
diện, không thấy đằng sau và phía trước của sự phát triển ấy là gì.
Trước hết, cần phải nhìn cho rõ những thành tựu
đó do đâu mà có. CNTB đã có nhiều trăm năm phát triển. Trên con đường phát
triển của CNTB, bánh xe vận hành của nó đã lăn đi trong ngập ngụa máu và nước
mắt của nhân loại cần lao, thống khổ trên khắp các lục địa. “Những nước tư bản
hiện đại là kết quả của một lịch sử nô dịch, diệt chủng, bạo lực và bóc lột một
cách ghê tởm”(4), đó là lời tự thú có tính chất phản tỉnh của Terry Eagleton -
một học giả người Anh. Chỉ cần giở lại các trang lịch sử của nước Mỹ, Anh,
Pháp, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha... sẽ thấy ngay những gì mà chế độ tư bản đã
hành xử với đồng loại của mình. Những kẻ thực dân từ cựu lục địa châu Âu đã phá
vỡ cuộc sống bình yên hàng nghìn năm của các bộ tộc người da đỏ, chiếm đoạt đất
đai của họ bằng gươm, súng và cả sự tra tấn dã man, rùng rợn ngoài trí tưởng
tượng, bằng cách lột da đầu. Trong cuốn sách Sự tàn sát khủng khiếp cuối thời
Victoria(Late Victorian Holocausts), học giả người Anh đã viết rằng, hàng chục
triệu người Ấn Độ, châu Phi, Trung Quốc, Braxin, Triều Tiên, Nga và nhiều nước
khác đã chết do đói, hạn hán và dịch bệnh vào cuối thế kỷ XIX dưới chế độ thực
dân xâm lược. Và ngay ở chính các nước tư bản giàu có hiện nay, có ai dám chắc mọi
người dân đều có cuộc sống tốt đẹp. Hàng chục triệu người dân Mỹ không có bảo
hiểm y tế chỉ có cách chờ tử thần khi mắc bệnh. Ở bang Caliphoócnia, quá nửa
nam giới người da đen có ít nhất một lần trong đời phải đi tù...
Làm sao, là người Việt Nam mà ai đó có thể quên
được nỗi thống khổ của nhân dân ta trong đêm trường nô lệ hơn 80 năm dưới ách
đô hộ của CNTB thực dân Pháp? Bao nhiêu người dân Việt Nam đã chết trong các
xưởng máy, hầm lò, trên các cung đường, các bến tàu. Những cuộc khởi nghĩa của
Nguyễn Trung Trực, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Yên Bái, Xô viết Nghệ -
Tĩnh... bị dìm trong bể máu. Hơn hai triệu người chết đói năm 1945. Thực dân
Pháp bóc lột người dân thuộc địa Việt Nam đến tận xương tủy, vơ vét hết vàng,
than, sắt, đồng... mang về làm giàu cho chính quốc. Gần 20 năm, đế quốc Mỹ thay
chân đế quốc Pháp thiết lập ách thống trị, dày xéo đất nước ta. Những nhà tù
địa ngục trần gian ở Côn Đảo, Phú Quốc..., những vụ tàn sát ở Thái Bình (Bình
Định) năm 1966, Bình Hòa (Quảng Ngãi) năm 1966, Mỹ Lai (Quảng Ngãi) năm
1968..., vụ B52 ném bom rải thảm khu phố Khâm Thiên, bệnh viện Bạch Mai (Hà
Nội), phải chăng đó không phải là tội ác thấu trời của chế độ tư bản Mỹ? Ngỡ
tưởng, không phải nhìn đâu xa, chính những trang lịch sử khắc nghiệt và đau
thương ấy đã đủ để cho các thế hệ chúng ta và con cháu chúng ta hiểu được bản
chất của chủ nghĩa tư bản! Vậy mà lạ lùng thay, vẫn có người bước ra khỏi biên
giới đã hết lời khen hay, khen đẹp cho các nước tư bản, cho các thành phố hào
hoa Tây Âu. Họ có biết đâu hoặc cố tình không biết rằng, những thành phố đó đã
trải qua mấy trăm năm xây dựng bằng sức lao động và của cải của bao thế hệ
người lao động và cả của cải bóc lột từ các thuộc địa mang về.
Việc xây dựng chế độ XHCN là công việc rất khó,
mang tính khoa học, có tính quy luật, đòi hỏi thời gian, nguồn lực, sự lãnh đạo
chính trị đúng đắn và các điều kiện không thể thiếu khác. Theo như C.Mác, CNXH
chỉ có thể thành công ở một loạt nước tư bản phát triển ở trình độ cao. Nó như
là tất yếu thay đổi quan hệ sản xuất xã hội khi lực lượng sản xuất dưới chế độ
TBCN đã phát triển, xã hội hóa cao độ, không thể tiếp tục tồn tại trong khuôn
khổ quan hệ sản xuất TBCN. Đối với Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu, tất cả
đều có điểm xuất phát là các nước tư bản có trình độ phát triển thấp hoặc trung
bình. Thời gian xây dựng chế độ XHCN hầu như còn rất ngắn. Liên bang Xô Viết
(Liên Xô) được thành lập và bắt tay xây dựng CNXH năm 1921, khi vừa ra khỏi
cuộc nội chiến. Mới chỉ có chưa đầy 20 năm hòa bình xây dựng, Liên Xô đã phải
trải qua cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại với sự tàn phá vô cùng nặng về sức
người và sức của. Hơn 20 triệu người chết, hàng loạt thành phố, làng mạc từ
biên giới với Ban Lan cho đến phía Tây Mátxcơva bị san phẳng. Từ sau năm 1945,
Liên Xô chỉ có hơn 30 năm xây dựng trong hòa bình, đồng thời phải đối mặt với
cuộc chạy đua vũ trang do Mỹ và phe đế quốc khởi xướng. Tương tự như vậy, các
nước XHCN ở Đông Âu cũng chỉ có xấp xỉ 30 năm xây dựng. Nhưng những thành tựu
mà các nước này đạt được là vô cùng to lớn, thậm chí có lĩnh vực vượt qua cả Mỹ
và các nước tư bản Tây Âu. Ngoài việc thiết lập cuộc sống công bằng, cải thiện
nhanh chóng về nhà ở, giáo dục, văn hóa cho nhân dân, Liên Xô còn đi đầu thế
giới về khoa học công nghệ vũ trụ. Vào thời hoàng kim, CHDC Đức là quốc gia bảo
đảm điều kiện sống cho trẻ em tốt nhất thế giới. Một yếu tố không thể không
nhắc tới, Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu đã trở thành đối thủ chính trị
không đội chung trời của CNTB ở các nước phương Tây. Người dân các nước phương
Tây và các dân tộc thuộc địa nhìn vào các nước XHCN như tấm gương, niềm hy vọng
cho cuộc đấu tranh giành tự do, độc lập, đòi dân chủ, dân sinh. Các thế lực
TBCN nhìn vào đó như mục tiêu phá hoại phải loại bỏ bằng được. Cho đến hôm nay,
khi Chiến tranh lạnhđã lùi xa hơn 25 năm, nhưng hầu như cách ứng xử trước đây
vẫn còn nguyên trong những trừng phạt kinh tế mà các nước tư bản phương Tây
nhằm vào nước Nga.
Đối với Việt Nam, chúng ta bắt tay vào xây dựng
đất nước thống nhất theo con đường XHCN sau cuộc chiến tranh tàn khốc kéo dài
suốt 30 năm. Ngay sau đó, chúng ta lại phải đối mặt với cuộc chiến tranh biên
giới Tây Nam và cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc. Trên thực tế, đất nước chỉ
ra khỏi cuộc chiến từ năm 1989. Chúng ta bắt tay vào xây dựng đất nước từ con
số không khi tất cả những gì có được sau mấy năm hòa bình xây dựng ngắn ngủi đã
bị tàn phá hoàn toàn. Hơn thế nữa, hậu quả chiến tranh vô cùng nặng nề. Hàng
vạn thương, bệnh binh, người già, trẻ em không nơi nương tựa. Đồng ruộng đầy
bom, đạn, mìn còn lại. Những gì chúng ta có được hôm nay sau 30 năm xây dựng là
đáng trân trọng, đáng tự hào, mặc dù chưa phải đã được như mong đợi. Đương
nhiên là không thể so sánh với các nước tư bản đã có mấy trăm năm phát triển mà
không cần quan tâm đến sự thống khổ, hy sinh của lớp lớp người lao động thuộc
địa và ở chính quốc. Tuy nhiên, công việc xây dựng một xã hội mới chưa từng có
tiền lệ, không bao giờ là dễ dàng, có tính quy luật của nó, không thể xong
trong thời gian ngày một, ngày hai, không thể đốt cháy giai đoạn.
Như vậy, rõ ràng là sai lầm khi chỉ nhìn vào bề
ngoài những gì đang có ở các nước tư bản phát triển để so sánh, đánh giá tính
ưu việt của chế độ TBCN so với chế độ XHCN. Chỉ có bằng sự phân tích sâu sắc,
toàn diện, bằng cách nhìn công bằng, lịch sử mới thấy được nguồn gốc, bản chất
của sự giàu có của các nước tư bản phát triển, mới thấy hết được những thành
công và đóng góp to lớn của CNXH cho sự phát triển của nhân loại và tiến bộ xã
hội.
Về lý do thứ tư, phải chăng sự bảo thủ, trì trệ
trong nhận thức, những sai lầm, hạn chế và khó khăn trong quá trình xây dựng và
phát triển đất nước theo con đường XHCN là bắt nguồn từ chủ nghĩa Mác - Lênin?
Trước hết, chúng ta không hề giấu giếm những
sai lầm, hạn chế và khó khăn trong quá trình xây dựng CNXH ở Việt Nam. Báo cáo
chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng trình bày tại Đại hội XII của Đảng
chỉ rõ: “Tăng trưởng kinh tế thấp hơn 5 năm trước, không đạt mục tiêu đề ra;
năng suất, chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn
thấp... Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một
bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa
bị đẩy lùi... Dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc
chưa được phát huy đầy đủ; kỷ cương, kỷ luật chưa nghiêm...”(5). Đảng cũng
nghiêm khắc thừa nhận rõ rằng, tình trạng trên có những nguyên nhân khách quan
nhưng “trực tiếp và quyết định nhất là nguyên nhân chủ quan”. Đó là những hạn
chế trong đánh giá, dự báo tình hình, trong nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn,
trong công tác lãnh đạo, quản lý của các cấp ủy, chính quyền, v.v..
Việc có những sai lầm, khuyết điểm, khó khăn,
hạn chế trong quá trình xây dựng đất nước là khó tránh khỏi. Xây dựng CNXH là
công việc vô cùng khó khăn, phức tạp, có tính khoa học, đòi hỏi thời gian,
nguồn lực to lớn và nhiều điều kiện khác. Chúng ta bắt tay vào xây dựng CNXH từ
một nước nông nghiệp lạc hậu, bị tàn phá nặng nề sau cuộc chiến tranh khốc liệt
kéo dài suốt 30 năm. Cái khó khăn lớn nhất của chúng ta có lẽ trước hết không
phải từ sự thiếu thốn về của cải, vật chất mà đa phần chính ở lối nghĩ, tác
phong mang nặng tính chất của nền văn hóa nông nghiệp. Không có kinh nghiệm
tiền lệ, không có sự hỗ trợ của phe XHCN như trước đây. Nhiều thế lực đang dòm
ngó, chống phá. Trong điều kiện ấy, những thành tựu mà công cuộc đổi mớiđạt
được là đặc biệt quan trọng. Chúng ta đã duy trì tốc độ tăng trưởng GDP cao
trên 6,5% năm trong suốt 30 năm thực hiện chính sách đổi mới. Từ GDP bình quân
đầu người chỉ 80USD đã tăng lên mức trên 2.100USD. Đời sống nhân dân đã được
cải thiện một bước cơ bản. Những điều đó là không thể phủ nhận và mặc nhiên đã
được nhiều tổ chức, cá nhân trên thế giới, trong đó có nhiều học giả phương Tây
thừa nhận.
Để có được những thành tựu to lớn đó, Đảng và
Nhà nước Việt Nam đã có những bước đi dũng cảm về nhận thức, sự đổi mới mạnh mẽ
về chính sách kinh tế - xã hội. Từ một nền kinh tế bao cấp hoàn toàn dựa trên
sở hữu công cộng, chúng ta đã chuyển sang xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều
thành phần sở hữu, rồi chuyển hẳn sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Từ một Nhà nước xây dựng theo mô hình nền chuyên chính vô sản, chúng ta đã
chuyển sang xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Từ chỗ bị bao vây cấm vận, chỉ
có quan hệ với các nước khối XHCN là chủ yếu, chúng ta đã mở cửa hội nhập quốc
tế, thiết lập quan hệ ngoại giao với 185 quốc gia và vùng lãnh thổ trên tổng số
193 thành viên Liên Hợp quốc, trong đó có 2 đối tác toàn diện đặc biệt, 15 đối
tác chiến lược, 11 đối tác toàn diện, hai đối tác chiến lược theo từng lĩnh vực.
Từ thực tế ấy, không thể có lý gì để nói rằng
Đảng và Nhà nước Việt Nam bảo thủ, cố chấp hay định kiến mà không đổi mới nhận
thức, đổi mới chính sách về CNXH và xây dựng CNXH, cũng như không thể đổ cho
học thuyết Mác - Lênin có lỗi trong những khó khăn, hạn chế, sai lầm của quá
trình xây dựng, phát triển đất nước.
Tóm lại, sự sai lầm của những người phủ nhận
chủ nghĩa Mác - Lênin thể hiện ngay trong chính những cơ sở, lý do để họ phản
bác chủ nghĩa Mác - Lênin. Ở đây, hoặc là có sự hiểu nhầm về tính chất của học
thuyết - chủ nghĩa Mác - Lênin, hoặc là biết nhưng vẫn cố tình xuyên tạc chủ
nghĩa Mác - Lênin với định kiến và mục đích chính trị là thay đổi nền tảng tư
tưởng, đường lối, mục tiêu xây dựng CNXH bằng một lý thuyết khác, bằng một mô
hình xã hội khác. Mục đích ấy đơn thuần để phục vụ cho lợi ích của một nhóm
người nào đó, hoàn toàn không phải vì lợi ích của tuyệt đại đa số nhân dân,
không phải vì lợi ích chung của dân tộc.
Việc nghiên cứu, chỉ ra những sai lầm, xuyên
tạc đối với chủ nghĩa Mác - Lênin không chỉ đơn thuần là để bảo vệ sự trong
sáng, tính khoa học, nhân văn của chủ nghĩa Mác - Lênin. Đó còn là sự cảnh báo,
là lý do để những người cộng sản cảnh giác với nhận thức của mình về chủ nghĩa
Mác - Lênin, để tìm hiểu rõ hơn, quán triệt sâu sắc, thường xuyên hơn quan điểm
thực tiễn, quan điểm lịch sử - cụ thể khi vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào
việc đề ra đường lối, hoạch định chính sách xây dựng, phát triển đất nước.
=Tia chớp=
0 nhận xét:
Đăng nhận xét