Trong diễn văn khai mạc lớp học lý luận khoá I, Trường Nguyễn ái Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác-Lênin. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông”[1]. Luận điểm đó là sức sống, linh hồn của chủ nghĩa Mác. Đồng thời, đó cũng là mẫu mực mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta trong việc vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam.
Từ những ngày đầu tìm đường cứu
nước Hồ Chí Minh đã tiếp cận với nhiều tư tưởng, nhiều học thuyết ở nhiều châu
lục khác nhau nhưng chỉ đến khi Người gặp chủ nghĩa Mác-Lênin, Người mới nhận
thấy rằng, chủ nghĩa Mác-Lênin là học thuyết cách mạng nhất, khoa học nhất, là
nền tảng tư tưởng cho cách mạng Việt Nam. “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa
nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất là chủ
nghĩa Lênin”[2]. Theo Người,
muốn làm cách mạng thành công trước hết chúng ta cần phải nghiên cứu lý luận,
học tập lý luận, không có lý luận soi đường dẫn lối thì hành động sẽ trở nên mù
quáng. Người đã chỉ ra rằng: “Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà
đi”[3]. “Không có lý
luận thì không khác gì đi mò trong đêm tối, vừa chậm chạp, vừa hay vấp váp. Có
lý luận thì mới hiểu được mọi việc trong xã hội, trong phong trào để chủ trương
cho đúng, làm cho đúng”[4]. Ngay ở trang
đầu tiên của tác phẩm “Đường cách mệnh”, không phải ngẫu nhiên Người trích dẫn
câu nói bất hủ của Lênin: “Không có lý luận cách mệnh thì không có cách mệnh
vận động... Chỉ có theo lý luận cách mệnh tiền phong, Đảng cách mệnh mới làm
nổi trách nhiệm cách mệnh tiền phong”[5].
Hồ Chí Minh không chỉ nhận thức sâu
sắc về vị trí vai trò của lý luận, mà Người còn vạch rõ nguồn gốc của lý luận,
sự vận động tích cực của tư duy và tư tưởng để hình thành lý luận. Lý luận mà
Người đề cập đến ở đây không phải là thứ lý luận chung chung, trừu tượng, bắt
nguồn từ hư vô, thoát ly thực tiễn, mà nó rất trong sáng, giản dị, cô đọng, dễ
hiểu, dễ nhớ và gần gũi thực tiễn. Theo Người, muốn có lý luận người ta phải
dựa vào hoạt động thực tiễn, dựa vào những thực tế trong lịch sử, dựa vào những
kinh nghiệm đã được đúc kết trong quá trình hoạt động thực tiễn. Thông qua
những hoạt động thực tiễn của lịch sử xã hội, con người phân tích, khái quát
thành lý luận. “Lý luận là đem thực tế trong lịch sử, trong kinh nghiệm, trong
các cuộc đấu tranh, xem xét, so sánh thật kỹ lưỡng, rõ ràng, làm thành kết
luận. Rồi đem nó chứng minh với thực tế. Đó là lý luận chân chính”[6].
Như vậy, lý luận được xuất phát từ
thực tiễn, được phát triển trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm thực tiễn để rồi trở
lại chỉ đạo thực tiễn. Lý luận gắn chặt với thực tiễn, thực tiễn là một bộ phận
hợp thành không thể thiếu của lý luận. Lý luận chỉ có thể trở thành khoa học,
trở thành chân lý khi nó bắt nguồn từ trong hoạt động thực tiễn và được thực
tiễn kiểm nghiệm là đúng. Trong quá trình hoạt động và chỉ đạo hoạt động cách
mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quán triệt quan điểm thực tiễn - quan điểm cơ
bản hàng đầu của triết học Mác-Lênin. Chính vì vậy, trong huấn luyện lý luận
cho cán bộ, đảng viên, không những Người phê phán tình trạng không coi trọng
huấn luyện lý luận mà Người còn nghiêm khắc phê phán cách huấn luyện lý luận xa
rời thực tế, sách vở, theo cách học thuộc lòng, khô khan, cứng nhắc, không
thiết thực cụ thể.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, lý luận
mà không gắn với thực tiễn, không đem ra thực hành vào công việc thực tế là lý
luận suông. “Lý luận cốt để áp dụng vào công việc thực tế. Lý luận mà không áp
dụng vào thực tế là lý luận suông. Dù xem được hàng vạn quyển lý luận, nếu
không đem ra thực hành thì khác nào một cái hòm đựng sách”[7].
Ngược lại, thực tiễn mà không có lý luận soi đường cũng như việc hành động mà
không dựa trên cơ sở lý luận được nhận thức và chỉ đạo, sẽ là thực tiễn mù
quáng. Cả hai trường hợp ấy đều là biểu hiện tách rời lý luận với thực tiễn,
đều có hại, đều không thể đem lại sự hữu dụng cần phải có. Đây là căn bệnh cần
phải khắc phục.
Người trí thức mà chỉ trọng lý luận
sách vở, không biết gì công việc thực tế, chỉ biết tới tháp ngà chuyên môn, xa
cách cuộc sống của dân chúng, sẽ tự mình ngáng trở sự phát triển của chính
mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi đó là hạng trí thức mọt sách, dễ mắc vào bệnh
kiêu ngạo. Muốn đem hiểu biết, tài năng của mình phục vụ cho sự nghiệp cách
mạng của nhân dân, phụng sự cho Tổ quốc thì phải đem cái trí thức đó áp dụng
vào thực tế, phải ra sức làm cái việc thực tế. Ngược với khuynh hướng đó, nếu
chỉ biết tới thực tế, mà lại chỉ biết bằng kinh nghiệm, thì thường là thực dụng
và thiển cận sẽ dẫn tới chỗ coi khinh hoặc xem thường lý luận. Bệnh ấy thường
mắc ở những người ít học thức, không chịu học hỏi lý luận, nên trong hành động
dễ mù quáng, phiêu lưu. Thói quen được củng cố bằng chủ nghĩa kinh nghiệm là
rất khó sửa, dễ sinh ra trì trệ, bảo thủ. Chính vì vậy, Người đòi hỏi phải ra
sức thực hành, học phải đi đôi với hành. Học để hành càng ngày càng tốt hơn.
Người còn nhắc nhở cán bộ, đảng viên tuyệt nhiên không được tuyệt đối hoá mặt
lý luận, nếu không sẽ dẫn chúng ta sa vào chủ nghĩa giáo điều; đồng thời, không
được tuyệt đối hoá kinh nghiệm thực tiễn, vì như vậy sẽ dẫn đến căn bệnh kinh
nghiệm chủ nghĩa. Chủ nghĩa giáo điều, cũng như căn bệnh kinh nghiệm chủ nghĩa
đều có cội nguồn từ việc tách rời sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn. Để
khắc phục những căn bệnh ấy, theo Người trong nhận thức cũng như trong hoạt
động cách mạng, mỗi cán bộ đảng viên phải gắn “lý luận đi đôi với thực tiễn”,
“lý luận phải liên hệ với thực tế”, “lý luận và thực hành phải luôn đi đôi với
nhau”.
Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về
sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là vấn đề có ý nghĩa quyết định trên
nhiều lĩnh vực. Quán triệt tư tưởng đó của Người trong lĩnh vực giáo dục, đào
tạo ở các học viện, nhà trường trong quân đội sẽ góp phần bồi dưỡng, nâng cao
năng lực tư duy lý luận cho đội ngũ cán bộ quân đội. Tư duy là sản phẩm của quá
trình con người nhận thức hiện thực khách quan, là quá trình phản ánh, vận
động, phát triển của nhận thức và sản phẩm của quá trình đó chính là những khái
niệm, phán đoán, suy lý. Những khái niệm, phán đoán, suy lý đó chứa đựng những
tri thức mới về tự nhiên, xã hội và bản thân con người, thông qua quá trình tư
duy mà có được. Tư duy lý luận là cấp độ tư duy ở trình độ khái quát cao. Tư
duy lý luận đòi hỏi phải hiểu sâu sắc thực tiễn cuộc sống, từ đó mới có thể
khái quát thành lý luận, phát triển lý luận. Tư duy lý luận đối với người cán
bộ chính trị được ví như là “chìa khoá” mở rộng hoạt động nhận thức và thực
tiễn của họ. Có tư duy lý luận, họ nắm được thực chất quan điểm, đường lối,
chính sách của Đảng và Nhà nước, chỉ thị, nghị quyết của cấp trên; có khả năng
phân tích, luận giải để nắm được tinh thần cốt lõi của đường lối. Có tư duy lý
luận người cán bộ quân đội sẽ có đủ năng lực phân tích sự phong phú, tính đa
dạng và phức tạp của thực tiễn cuộc sống chiến đấu, lao động, học tập và công
tác; để từ đó vận dụng lý luận một cách chủ động, sáng tạo và có hiệu quả.
Cán bộ quân đội là những người giữ
cương vị lãnh đạo, chỉ huy, là người chủ trì hoặc tham mưu cho cấp uỷ Đảng tiến
hành các hoạt động công tác đảng, công tác chính trị và hoạt động quân sự. Nếu
không có tư duy lý luận, thiết nghĩ, họ chỉ biết áp dụng một cách máy móc, cứng
nhắc những quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước - vốn là cái chung nhất,
khái quát nhất - vào những hoàn cảnh rất riêng, rất cụ thể. Nếu thiếu tư duy lý
luận thì chẳng những họ không có sự sáng tạo mà còn kìm hãm sự phát triển sinh
động của thực tiễn cuộc sống. Cuộc sống thường xuyên biến đổi, nó đặt ra những
vấn đề buộc lý luận phải giải đáp, hối thúc lý luận phải đổi mới và phát triển.
Nếu không có tư duy lý luận thì người cán bộ sẽ khó có thể lý giải được những
vấn đề mà thực tiễn cuộc sống đặt ra và lại càng không thể có khả năng khái
quát thực tiễn, tổng kết thực tiễn để phát triển lý luận. Nhìn từ góc độ tư duy
lý luận, người cán bộ quân đội phải là những người có năng lực sáng tạo cao. Vì
họ là những người phải nắm thật vững bản chất những quan điểm, đường lối, chính
sách của Đảng và Nhà nước, những chỉ thị nghị quyết các cấp để từ đó đề ra
những chủ trương biện pháp lãnh đạo sát, đúng với tình hình thực tiễn mỗi đơn
vị; từng bước cụ thể hóa chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, đưa đường lối, quan
điểm, chính sách vào thực tiễn chiến đấu, lao động và học tập của mỗi đơn vị;
góp phần biến chủ trương, nghị quyết thành hiện thực. Thế nhưng tư duy lý luận
không phải là cái “bẩm sinh”, mà đó là kết quả của quá trình học tập, rèn
luyện, trước hết là trong hoạt động thực tiễn. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, lý
luận bắt nguồn từ thực tiễn, nhưng không phải cứ có thực tiễn là có lý luận,
cũng không phải thực tiễn trực tiếp sinh ra lý luận, mà phải trải qua quá trình
tổng kết thực tiễn, khái quát thành lý luận. Quá trình thường xuyên tổng kết
thực tiễn chính là quá trình mài sắc lý luận, mài sắc tư duy lý luận.
Như vậy, tính quy luật của việc
nâng cao tư duy lý luận cho cán bộ trong quân đội là việc học lý luận chính trị
phải gắn với thực tiễn cuộc sống. Bám sát thực tiễn, chăm chú phát hiện và tổng
kết thực tiễn, một mặt để kiểm chứng lý luận; mặt khác, để điều chỉnh bổ sung
và phát triển lý luận mới. Đó là phương châm nhận thức và hành động đúng đắn,
khoa học của người cán bộ phù hợp với nguyên lý thống nhất lý luận với thực
tiễn theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Trước những diễn biến phức tạp của tình hình
trong và ngoài nước hiện nay đang đặt ra những yêu cầu cao về nhận thức lý luận
cũng như năng lực tư duy lý luận đối với mỗi cán bộ nói chung và cán bộ quân
đội nói riêng. Tư tưởng Hồ Chí Minh về sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn
có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là cơ sở nền móng để bồi dưỡng, nâng cao năng
lực tư duy lý luận cho đội ngũ cán bộ chính trị trong quân đội, đáp ứng yêu cầu
nhiệm vụ trong tình hình mới.
LNK
- H1
[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nhà
xuất bản CTQG, H.2011, t.8, tr.496.
[2]
Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nhà xuất bản CTQG, H.2011, t.2, tr.268.
[3]
Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nhà xuất bản CTQG, H.2011, t.5, tr.233
[4]
Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nhà xuất bản CTQG, H.2011, t.6, tr.47.
[5]
Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nhà xuất bản CTQG, H.2011, t.2, tr.259
[6]
Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nhà xuất bản CTQG, H.2011, t.5 tr.233.
[7]
Hồ Chí
Minh, Toàn tập, Nhà xuất bản CTQG, H.2011, t.5, tr.233.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét