CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Tư, 26 tháng 5, 2021

TÍNH TẤT YẾU KHÁCH QUAN CỦA VIỆC XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN BẢN CHẤT GIAI CẤP CÔNG NHÂN CỦA QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM

 

Quân đội nhân dân Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, lãnh đạo, mang bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc sâu sắc. Bản chất giai cấp công nhân là yếu tố cơ bản, có ý nghĩa quyết định đối với quá trình xây dựng, trưởng thành, chiến đấu và chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Xây dựng và phát triển bản chất giai cấp công nhân, làm cho quân đội luôn kiên định mục tiêu, lý tưởng chiến đấu vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội là vấn đề tất yếu khách quan của việc xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp vô sản.

Khi bàn đến vấn đề chiến tranh và quân đội, C. Mác và Ph. Ăng ghen cho rằng, quân đội bao giờ cũng là quân đội của nhà nước của giai cấp thống trị xã hội. Giai cấp thống trị, thông qua nhà nước, đã tổ chức ra quân đội để thực hiện các chức năng chính trị - xã hội với tính cách là một công cụ bạo lực sắc bén. Tuy chưa đề cập đầy đủ đến vấn đề tổ chức và xây dựng quân đội vô sản sau khi giai cấp vô sản giành chính quyền, nhưng cả C. Mác và Ph. Ăngghen đã có những tư tưởng quan trọng về việc tổ chức một lực lượng vũ trang của giai cấp công nhân, khác về bản chất, chức năng, nhiệm vụ quân đội thường trực của giai cấp tư sản. Đó là các đội vũ trang công nhân có mục tiêu, lý tưởng chiến đấu bảo vệ thành quả cách mạng của giai cấp vô sản.

Tư tưởng quan trọng của C. Mác và Ph. Ăngghen đã đặt nền móng cho các Đảng Cộng sản vận dụng và phát triển trong việc xây dựng các tổ chức quân sự cách mạng. V.I. Lênin là người đầu tiên phát triển những tư tưởng của C. Mác và Ph. Ăngghen về xây dựng lực lượng vũ trang của nhà nước vô sản thành lý luận về xây dựng quân đội kiểu mới. V.I. Lênin cho rằng, quân đội kiểu mới là quân đội của Nhà nước Vô sản, mang bản chất của giai cấp công nhân. Quân đội đó chiến đấu để thực hiện sứ mệnh lịch sử, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của giai cấp công nhân. V.I. Lênin viết: “Quân đội chúng ta là quân đội giai cấp, chống lại giai cấp tư sản”[1] và “Một quân đội đang được thành lập, đó là Hồng quân của công nhân và nông dân nghèo, sẵn sàng hy sinh tất cả để bảo vệ chủ nghĩa xã hội”[2]. Người còn chỉ rõ, “Hồng quân có một nhiệm vụ vĩ đại rất rõ ràng: giải phóng giai cấp công nhân”. Trong diễn văn tiễn đưa các đoàn quân xã hội chủ nghĩa đầu tiên ra mặt trận ngày 1 tháng 1 năm 1918, V.I. Lênin đã viết: “Tôi chào mừng những người chí nguyện anh hùng đầu tiên của quân đội xã hội chủ nghĩa, những người sẽ lập nên một quân đội cách mạng hùng mạnh. Và quân đội đó có nhiệm vụ bảo vệ những thành quả của cách mạng, chính quyền nhân dân của chúng ta, các Xô viết đại biểu công nông binh, toàn bộ chế độ mới thực sự dân chủ, chống tất cả mọi kẻ thù của nhân dân đang dùng đủ mọi cách để bóp chết cách mạng”[3]. Đây là cơ sở lý luận để Đảng Cộng sản Bôn-sê-vích Nga đề ra các nguyên tắc xây dựng Hồng quân công nông, trong đó, “nguyên tắc giai cấp" là một trong những nguyên tắc cơ bản nhất.

Vận dụng và phát triển sáng tạo các luận điểm của các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin về quân đội kiểu mới vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải quyết một loạt các vấn đề quan trọng về xây dựng bản chất giai cấp công nhân cho lực lượng vũ trang cách mạng của Đảng. Ngay từ những năm 1930, Đảng đã chủ trương “tổ chức ra quân đội công nông”, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Cùng với sự phát triển của phong trào cách mạng trong cả nước, nhiều tổ chức vũ trang cách mạng đầu tiên của Đảng ra đời với những tên gọi khác nhau: Tự vệ đỏ (tự  vệ  công  nông  năm  1930 – 1931); Đội du kích Nam kỳ; du kích Bắc Sơn (1940), các Trung đội Cứu quốc quân và các đội du kích ở chiến khu Việt Bắc, chiến khu Quang Trung trong những năm 1941 - 1944; Đội du kích Ba Tơ và các đội du kích khác và đến ngày 22.12.1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân với tư cách là đội quân chủ lực cách mạng ra đời. Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân phát triển mạnh mẽ, thành Giải phóng quân, thành Vệ quốc đoàn, và ngày nay là Quân đội nhân dân Việt Nam. Xuyên suốt quá trình xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng nói chung, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chăm lo xây dựng và phát triển bản chất giai cấp công nhân, coi đó là vấn đề sống còn của quân đội. Trong những nguyên tắc căn bản xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam, Đảng ta đặt lên hàng đầu nguyên tắc xây dựng quân đội về chính trị mà trọng tâm là xây dựng và phát triển bản chất giai cấp công nhân. Bản chất giai cấp công nhân là hạt nhân chính trị của Quân đội nhân dân Việt Nam; nó quy định mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, nội dung và hình thức xây dựng quân đội, quy định quan hệ và thái độ của quân đội đối với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân. Việc xây dựng và phát triển bản chất giai cấp công nhân của quân đội được thể hiện ở công tác tư tưởng và công tác tổ chức, ở việc giáo dục nâng cao giác ngộ giai cấp, lập trường cách mạng cho cán bộ, chiến sỹ qua mỗi thời kỳ lịch sử; ở việc xác định mục tiêu, lý tưởng chiến đấu vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội của quân đội, việc tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng cộng sản Việt Nam đối với quân đội.

Thực tiễn xây dựng và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam trong 76 năm qua cho thấy, để làm cho quân đội luôn trung thành tuyệt đối với Đảng, với mục tiêu, lý tưởng chiến đấu vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, vấn đề tất yếu khách quan là phải xây dựng và phát triển bản chất giai cấp công nhân của quân đội, thường xuyên giáo dục nâng cao giác ngộ chính trị, giai cấp của cán bộ, chiến sỹ.

Có thể khẳng định rằng, từ khi thành lập đến nay, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn kiên định lập trường giai cấp, kiên định mục tiêu, lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, vượt qua nhiều thử thách gay go, lập được nhiều chiến công vang dội, góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Có được điều đó là do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công vun đắp, xây dựng, bồi dưỡng bản chất giai cấp công nhân cho quân đội, làm cho bản chất giai cấp công nhân của quân đội ngày một phát triển vững chắc. Thường xuyên xây dựng và phát triển bản chất giai cấp công nhân đã trở thành bài học kinh nghiệm quý báu của Đảng ta trong xây dựng và giáo dục Quân đội nhân dân Việt Nam. Sự biến chất của Quân đội Liên Xô và quân đội một số nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu những năm 90 của thế kỷ XX có nguyên nhân từ việc quân đội giảm sút bản chất giai cấp công nhân; Đảng Cộng sản không tăng cường xây dựng và phát triển bản chất giai cấp công nhân cho quân đội. Khi tình hình cách mạng gặp khó khăn, quân đội bị mất phương hướng chính trị - giai cấp, mất mục tiêu chiến đấu, không còn là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, của Nhà nước xã hội chủ nghĩa; nó bị các thế lực chống Đảng, chống chủ nghĩa xã hội lợi dụng vào mục đích chính trị đen tối của chúng. Bài học cảnh tỉnh rút ra ở đây là, một quân đội cách mạng của giai cấp vô sản, dù được trang bị và cung cấp đầy đủ, nhưng nếu không được chăm lo xây dựng và giữ vững bản chất giai cấp công nhân, giữ vững mục tiêu, lý tưởng chiến đấu thì vẫn có thể bị các thế lực thù địch phá hoại làm suy yếu dẫn đến biến chất, trở thành công cụ của các tập đoàn chính trị phản động, chống lại lợi ích giai cấp, cách mạng.

Quân đội nhân dân Việt Nam ra đời và lớn lên trên mảnh đất Việt Nam, mang trong mình các đặc điểm về kinh tế, xã hội, văn hóa, đạo đức, lối sống của dân tộc Việt Nam, một dân tộc có truyền thống chống ngoại xâm nhưng vốn là một nước tiểu nông, chậm phát triển, lại bị chủ nghĩa thực dân ngoại bang đô hộ hàng trăm năm và chế độ phong kiến cai trị hàng nghìn năm. Những đặc điểm này chi phối và ảnh hưởng rất lớn đến việc xây dựng bản chất giai cấp công nhân của quân đội. Nếu không quan tâm, chăm lo xây dựng và phát triển bản chất giai cấp công nhân cho quân đội thì quân đội sẽ chịu ảnh hưởng của tư tưởng, ý thức tư sản hay tàn dư tư tưởng phong kiến, sớm muộn sẽ bị biến chất.

Việt Nam là một đất nước nông nghiệp; nông dân chiếm khoảng 80% dân số. Đại đa số quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam là con em của giai cấp nông dân. Tuy Đảng ta, quân đội ta không theo chủ nghĩa thành phần nhưng vẫn rất coi trọng nguồn gốc xuất thân của cán bộ, chiến sỹ. Với đa số quân nhân là con em nông dân, việc giác ngộ mục tiêu, lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, xây dựng bản chất, giai cấp công nhân cho quân đội là một việc không dễ dàng. Bởi vì, từ lâu, tâm lý và ý thức của người sản xuất nhỏ đã ăn sâu, bám rễ trong đời sống tinh thần, văn hoá của người Việt Nam, đã trở thành những nét tính cách đặc trưng của con người Việt Nam. Xây dựng và phát triển bản chất giai cấp công nhân cho quân đội là một quá trình đấu tranh tư tưởng gay go và quyết liệt giữa ý thức xã hội chủ nghĩa với ý thức phi xã hội chủ nghĩa, diễn ra hàng ngày, hàng giờ trong mỗi con người. Nếu lơ là việc xây dựng và phát triển bản chất giai cấp công nhân cho quân đội thì các yếu tố ý thức, tư tưởng tư sản, phong kiến sẽ xâm nhập vào quân đội, làm cho quân đội suy thoái dần bản chất cách mạng của giai cấp công nhân. Ở những nước tiểu nông, chậm phát triển như Việt Nam, việc không ngừng xây dựng và phát triển bản chất giai cấp công nhân cho quân đội cách mạng là vấn đề tất yếu khách quan, là yêu cầu không thể thiếu trong tổ chức xây dựng quân đội cách mạng của Đảng.

Hiện nay, Việt Nam đang tiến hành công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh những mặt tích cực, những thành tựu to lớn, trong quá trình đổi mới đã và đang xuất hiện những nhân tố tác động tiêu cực đến việc xây dựng và phát triển bản chất giai cấp công nhân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đó là mặt trái của cơ chế thị trường, sự phân hoá giàu nghèo, sự phân tầng xã hội, sự vận động đan xen giữa các yếu tố xã hội chủ nghĩa và phi xã hội chủ nghĩa, sự xâm nhập của các yếu tố văn hoá- tư tưởng phương Tây… Trong thành phần tham gia quân đội hiện nay cũng không đơn thuần chỉ là con em của giai cấp công nhân, nông dân mà còn có cả con em các tầng lớp xã hội khác. Sự phức tạp về thành phần giai cấp, tầng lớp xã hội, về thành phần kinh tế mà các quân nhân đại diện mang vào quân đội sẽ làm cho việc giáo dục bản chất giai cấp công nhân trong điều kiện mới cũng hết sức phức tạp. Nếu không có đường lối, chủ trương, phương hướng xây dựng và phát triển bản chất giai cấp công nhân của quân đội đáp ứng yêu cầu của cách mạng trong điều kiện mới thì quân đội sẽ sa sút bản chất, khó tạo ra được sự thống nhất cao về mục tiêu, lý tưởng chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân.

Từ trước tới nay, trong chiến lược chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch. Bằng nhiều âm mưu và thủ đoạn thâm độc, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch tìm mọi cách để “phi chính trị hoá” quân đội, làm biến chất bản chất giai cấp công nhân của quân đội, tách quân đội khỏi sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự chống phá điên cuồng của các thế lực thù địch đối với Quân đội nhân dân Việt Nam trong bối cảnh quốc tế có những biến đổi không thuận lợi: Liên Xô tan rã, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước  Đông Âu sụp đổ, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế lâm vào thoái trào… đang đặt ra yêu cầu khách quan và tất yếu phải củng cố, xây dựng và phát triển bản chất giai cấp công nhân, bảo đảm quân đội tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của giai cấp trong mọi tình huống, có khả năng tự đề kháng và “miễn dịch” cao trước những tác động phức tạp của tình hình thế giới, của đất nước và sự chống phá của các thế lực thù địch.

Như vậy, từ nhiều góc độ tiếp cận, có thể khẳng đinh dứt khoát rằng, xây dựng và phát triển bản chất giai cấp công nhân cho Quân đội nhân dân Việt Nam đã, đang và sẽ là vấn đề tất yếu khách quan, vấn đề có tính quy luật trong xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp vô sản nói chung, xây dựng quân đội của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam nói riêng.

                                                                                                                 NXT - H1



[1] V.I.Lênin Toàn tập, tập 43, Nxb Tiến bộ M, 1978, tr 277

[2] V.I.Lênin Toàn tập, tập 37, Nxb Tiến bộ M, 1977, tr 118.

[3] V.I.Lênin Toàn tập, tập 35, Nxb Tiến bộ M, 1976, tr 258.

0 nhận xét: