Danh dự là sự
coi trọng, đánh giá của dư luận xã hội đối với một người dựa trên các giá trị
tinh thần, đạo đức của người đó; là sự tự ý thức về giá trị của bản thân, sự
tôn trọng và gìn giữ giá trị ấy, đặc biệt trong những bối cảnh khó khăn, các
tình huống thử thách. Danh dự không tự nhiên có được, mà đến từ sự đóng góp, cống
hiến của người đó với tổ chức, tập thể, xã hội; do sự tu dưỡng, phấn đấu, rèn
luyện miệt mài, dày công vun đắp như “ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện
càng trong”. Danh dự không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, địa vị, chức vụ, nghề
nghiệp, giới tính. Người có danh dự, trọng danh dự sẽ được mọi người yêu mến,
tin tưởng, tôn trọng.
Danh dự không
thể mua bán, trao đổi, ban phát hay cho tặng như những món quà, vật phẩm khác.
Tiền bạc mất đi có thể kiếm lại được, còn danh dự mất đi thì không thể lấy lại
được. Do vậy, người có danh dự, trọng danh dự khi làm một việc gì luôn cẩn trọng,
suy xét một cách thấu đáo xem có ảnh hưởng đến danh dự của bản thân không, có
làm tổn hại đến lợi ích, danh dự của người khác, của tập thể, cộng đồng không;
luôn đặt lợi ích của tập thể, của cộng đồng lên trên, lên trước lợi ích của cá
nhân. Nhờ đó, người có danh dự, trọng danh dự luôn hướng tới điều thiện, điều tốt,
tránh những điều xấu, điều ác.
Đối với người
cán bộ, đảng viên, danh dự lại càng thiêng liêng, cao quý. Lời tuyên thệ khi kết
nạp Đảng là giây phút trang trọng, xúc động, tự hào. Đó không chỉ là một câu khẩu
hiệu mà chính là lời thề thực hiện sứ mệnh, trách nhiệm, lòng trung thành của
người đảng viên vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Lời thề thiêng liêng, cao quý ấy
chính là sức mạnh, động lực giúp các thế hệ cán bộ, đảng viên tiền bối sẵn sàng
chịu đựng, chấp nhận gian khổ, hy sinh trong các cuộc kháng chiến chống ngoại
xâm vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì lý tưởng cộng sản. Nhờ đó, nhân dân
tin theo Đảng, sẵn sàng đùm bọc, chở che cho cán bộ, đảng viên, hy sinh cho Đảng,
gọi Đảng là “Đảng ta” một cách trìu mến, trân trọng. Uy tín, thanh danh của Đảng
được dựng xây, bồi đắp, ngày càng được củng cố là nhờ đạo đức cách mạng, sự hy
sinh, tinh thần vì nước, vì dân của những chiến sĩ cộng sản kiên trung, tiên
phong ấy.
Nhưng uy tín,
thanh danh không phải là điều gì đó bất biến, còn mãi, trái lại sẽ bị giảm sút,
thậm chí mất đi nếu không biết giữ gìn, bảo vệ, bồi đắp, như lời chỉ dạy của
Bác Hồ, rằng “một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại,
có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu
mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá
nhân”. Lời chỉ dạy của Bác cách đây 52 năm nhưng vô cùng sâu sắc, thấm thía, nhất
là soi rọi vào tình hình hiện nay khi một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó
có không ít cán bộ cao cấp của Đảng do thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống,
không vượt qua được chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, mất cảnh giác, bị cám dỗ của quyền
lực, địa vị, tiền tài,… làm cho suy thoái, sa ngã, bị xử lý kỷ luật, có người
rơi vào vòng lao lý, đến khi nhận ra thì thường là đã quá muộn, không thể lấy lại
được nữa.
Những cán bộ,
đảng viên suy thoái này đã đánh mất danh dự của bản thân, gia đình; đánh mất niềm
tin, sự kỳ vọng của cơ quan, tổ chức và xã hội mà trước đó đã phải cố gắng, nỗ
lực, phấn đấu mới có được. Thật đau xót! Nhưng đau xót hơn là Đảng mất cán bộ,
uy tín, thanh danh của Đảng bị tổn hại, niềm tin của những cán bộ, đảng viên
chân chính và nhân dân đối với Đảng bị giảm sút. Không phải ngẫu nhiên trong thời
gian gần đây, người đứng đầu Đảng ta đã nhiều lần nhấn mạnh: Danh dự mới là điều
thiêng liêng, cao quý nhất, sẽ còn mãi với thời gian; phải giữ cho được tư
cách, đạo đức, danh dự của người đảng viên, người cán bộ cách mạng. Đây là những
lời nhắc nhở, đồng thời là sự tổng kết kinh nghiệm của cha ông về đạo lý làm
người, giá trị của con người mà mỗi chúng ta, nhất là cán bộ, đảng viên phải thấu
triệt, suốt đời tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, đấu tranh chống chủ
nghĩa cá nhân, những thói hư, tật xấu trong bản thân mỗi người, để làm cho cái
tốt, cái đẹp, điều thiện nảy nở như hoa mùa xuân; để đến khi trở về cuộc sống đời
thường hay trước lúc nhắm mắt xuôi tay không cảm thấy ân hận, hổ thẹn vì đã giữ
được trọn vẹn danh dự của mình./.
LNK-H1
0 nhận xét:
Đăng nhận xét