CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Ba, 15 tháng 2, 2022

TRÂN QUÝ MÙA XUÂN VÀ LẼ SỐNG CAO ĐẸP, KIÊN ĐỊNH CON ĐƯỜNG MÀ ĐẢNG, BÁC HỒ ĐÃ CHỌN

 

Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội đã và đang là vấn đề thời sự, tâm điểm chống phá Đảng ta của các thế lực thù địch, nhất là vào dịp Tết đến Xuân về. Những người có quan điểm đối lập với Đảng ta cho rằng, “Việt Nam không thể có độc lâp dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”; việc “níu kéo mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội” chứng tỏ Đảng Cộng sản Việt Nam “bảo thủ, trì trệ”, là “sai lầm nghiêm trọng” trong việc xác định con đường phát triển của dân tộc trong bối cảnh thế giới hiện đại đã khác xưa; toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế là một tất yếu khách quan, mang giá trị toàn cầu, khẳng định vị thế của chủ nghĩa tư bản là “đại diện chân chính” của thời đại... Vì vậy, các nước đang phát triển lựa chọn con đường tư bản chủ nghĩa là “khôn ngoan”, “sáng suốt”, “đúng quy luật khách quan”, còn Đảng Cộng sản Việt Nam “cứ khư khư bám giữ món đồ cổ” là chủ nghĩa Mác - Lênin, đi theo con đường chủ nghĩa xã hội là “tự mình trói buộc mình”, bị “cô lập”, bị “gạt ra lề cuộc sống”, “một mình một chợ”, “một mình một bàn cờ”…

Những lời lẽ xuyên tạc, vu khống của các thế lực thù địch là sai trái, phản động, tác động tiêu cực đến một bộ phận người dân nhẹ dạ, cả tin, do thiếu thông tin, ít quan tâm đến đời sống chính trị, gây tâm lý bức xúc, bất bình, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống tinh thần - xã hội, bị phần lớn người dân phản đối, bác bỏ tính phi lý của các quan điểm sai trái.

Chúng ta nhận thức rõ rằng, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn duy nhất đúng đắn của Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta, đã trở thành mục tiêu, lẽ sống của một dân tộc yêu chuộng hòa bình, có khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Trong đó, độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở vững chắc để bảo đảm cho độc lập dân tộc. Đây là hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam có mối quan hệ chặt chẽ, quy định và bổ sung cho nhau. Cơ sở của sự lựa chọn và thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, là kinh nghiệm thực tiễn hơn 90 năm Đảng lãnh đạo quân và dân ta thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trên dải đất hình chữ S. Vì vậy, mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là lẽ sống cao đẹp, nguyên tắc “bất di bất dịch” và là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình cách mạng Việt Nam.

Thực tiễn đã được kiểm chứng bởi chính lịch sử dân tộc, truyền thống yêu nước và chí căm thù giặc của nhân dân ta, ngay sau khi thực dân Pháp đặt chân lên đất nước Việt Nam, các sĩ phu yêu nước đã lãnh đạo nhân dân ta khởi nghĩa, chống lại quân xâm lược. Thế nhưng, các cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta đã bị dìm trong biển máu. Giai cấp phong kiến và đại diện cho các thế lực tư sản dân tộc đã không thể giải quyết thỏa đáng vấn đề độc lập dân tộc ở Việt Nam đầu thế kỷ XX. Chủ nghĩa Mác - Lênin ra đời, cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 thắng lợi, đã chỉ ra con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, xóa bỏ áp bức, bóc lột, bất công; khẳng định giai cấp công nhân là “người đào huyệt chôn chủ nghĩa tư bản”. Nhờ có chủ nghĩa Mác - Lênin soi sáng, dẫn đường, Cách mạng Tháng Mười Nga mở ra thời đại mới, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội và tạo ra phản ứng dây chuyền, lan tỏa, làm nảy sinh hàng loạt cuộc đấu tranh giải phóng, trong đó có cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam.

Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga và sự ra đời của Liên bang Xô viết, tính chất thời đại đã thay đổi căn bản, con đường, mục tiêu, phương pháp và lực lượng cách mạng cũng thay đổi; lịch sử thế giới đã sang trang mới, nhân loại đã được thức tỉnh. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga khẳng định chân lý: phải có độc lập dân tộc thì mới có thể đi lên chủ nghĩa xã hội. Nếu không giải quyết được vấn đề độc lập dân tộc thì chẳng những không thể đi lên chủ nghĩa xã hội mà thân phận của người dân lương thiện mãi mãi “bị áp bức, đọa đầy, chịu bóc lột bất công”. Vì lẽ đó, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là hai nhiệm vụ của cách mạng, có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, không thể tách rời nhau.

Những diễn biến mang tính bước ngoặc của thời đại đã lan truyền đến Việt Nam, nơi mà sự tàn bạo của thực dân Pháp đã “chuẩn bị sẵn đất rồi”, chủ nghĩa xã hội chỉ còn làm cái việc “gieo hạt giống cách mạng” để giải phóng dân tộc. Chính trong bối cảnh lịch sử ấy, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã từ chủ nghĩa yêu nước đến gặp chủ nghĩa Mác - Lênin, tiếp nhận lý tưởng Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại. Với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội đã trở thành mục tiêu, lẽ sống của nhân dân ta. Đảng, Bác Hồ đã chỉ ra con đường cách mạng Việt Nam: “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Tuyên bố và lời hiệu triệu của Đảng Cộng sản Việt Nam đã bác bỏ mọi luận điệu sai trái: “Việt Nam phải đi theo con đường tư bản chủ nghĩa mới giải phóng được dân tộc” của các thế lực thù địch. Rõ ràng, lựa chọn mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội của Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta là hoàn toàn đúng đắn, là phù hợp với xu thế phát triển của Việt Nam và của thời đại; đáp ứng tâm tư, khát vọng được sống trong hòa bình, độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam. Nó khắc phục được những hạn chế, khuyết điểm của ý thức hệ phong kiến và tư sản trong giải quyết vấn đề độc lập dân tộc. Nhờ đó, nội dung độc lập dân tộc thể hiện sâu sắc ở các khía cạnh: độc lập về chính trị, kinh tế, văn hóa, đối ngoại; khẳng định sự tự do, bình đẳng, công bằng, quyền tự quyết của dân tộc, không có sự can thiệp của nước ngoài; là điều kiện tiên quyết để giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người và giải phóng nhân loại. Đây là hệ giá trị phát triển của Việt Nam dưới ngọn cờ bách chiến, bách thắng của Đảng.

Với hệ giá trị này, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta vượt qua muôn ngàn khó khăn, gian khổ, giành những thắng lợi to lớn: Cách mạng Tháng Tám thành công năm 1945, nước Việt Nam dân chủ, cộng hòa ra đời, đưa nước ta bước vào kỷ nguyên mới: độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc. Sau đó, nhân dân ta đã đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và đi lên chủ nghĩa xã hội, tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Sự thật ấy bác bỏ mọi quan điểm sai trái, phản động; khẳng định tính độc lập, tự chủ, tự lực tự cường của dân tộc Việt Nam, từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một quốc gia độc lập, phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành chủ nhân xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thành tựu ấy khẳng định độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội không chỉ là mục tiêu, nhu cầu, là cương lĩnh hành động, là ngọn cờ hiệu triệu, mà còn là niềm tin, động lực thúc đẩy nhân dân Việt Nam tiến lên nhờ gắn kết chặt chẽ hai sức mạnh: độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Nhìn lại lịch sử thế giới, chúng ta cảm nhận sâu sắc giá trị, ý nghĩa của độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà nhân dân ta xây dựng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và chia sẻ với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế về nỗi đau thương, mất mát đã diễn ra trên thế giới, nhất là sự sụp đổ của chế độ xã hội theo mô hình Xô viết ở Liên Xô, Đông Âu - nơi đã giành được độc lập dân tộc nhưng mắc mưu “diễn biến hòa bình” và sai lầm về đường lối chính trị nên nền độc lập ấy đã bị đánh cắp bởi sự chia rẽ dân tộc sâu sắc và sự can thiệp từ bên ngoài, sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch.

Điều đó khẳng định chỉ có độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mới là hệ giá trị đúng đắn, chính xác và là mục tiêu, lý tưởng cần có, phải giữ vững để nhân dân ta phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta tiếp tục phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, góp phần thực hiện hóa mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, sớm đưa đất nước ta trở thành một quốc gia phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa; nhân dân có cuộc sống hòa bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc./.

LQT-H8

0 nhận xét: