CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2022

KHƠI DẬY NIỀM TỰ HÀO VÀ KHÁT VỌNG CỐNG HIẾN QUA NHỮNG BÀI GIẢNG LỊCH SỬ

 

Những bài giảng lịch sử xúc tích gắn với thực tế hay những buổi trải nghiệm tại bảo tàng, hoạt động ngoại khoá là cách giúp học sinh hiểu thêm về những mốc son trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Qua đó, nhà trường giáo dục cho học sinh về lý tưởng cách mạng, khát vọng cống hiến. Đa dạng các hình thức tiếp cận kiến thức. Theo nhiều giáo viên dạy Lịch sử thì cách dạy ngắn gọn, gần gũi với đời sống sẽ khơi dậy niềm đam mê, hứng thú với môn học.

Thầy Trần Trung Hiếu, Giáo viên dạy Lịch sử, Trường THPT chuyên Phan bội Châu cho rằng, việc dạy Lịch sử cho học sinh thông qua những ngày nghỉ lễ là rất ý nghĩa. Thầy Trần Trung Hiếu cho biết: “Ngày 30/4 - ngày thống nhất non sông sau 21 năm đất nước bị chia cắt (1954 - 1975). Để có ngày thống nhất đó, dân tộc Việt Nam phải tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ đầy gian khổ, mất mát, hy sinh để chống đế quốc Mỹ và tay sai. Chúng ta được nghỉ ngày này để thế hệ trẻ biết tôn trọng những giá trị bất biến của lịch sử và biết tưởng nhớ, tri ân những người đã chiến đấu, phục vụ chiến đấu và hy sinh vì nền độc lập tự do của dân tộc”. Theo thầy Trần Trung Hiếu, những kiến thức từ cuộc sống sẽ khơi dậy niềm đam mê, hứng thú học môn Lịch sử trong mỗi học sinh. Đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, lồng ghép giáo dục đạo đức, lối sống qua các chủ đề dạy học và các hoạt động giáo dục là cách mà một số nhà trường đang thực hiện.

Theo cô Nguyễn Thu Anh (Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội), tại Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành, các môn học như Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý... đã lồng ghép nhiều nội dung giáo dục về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho các thế hệ học sinh. Không chỉ học trên lớp, học sinh còn được học tại bảo tàng, tại các di tích lịch sử, các phòng thí nghiệm, phòng thực hành của trường đại học… tạo cơ hội để học sinh hợp tác, tương trợ lẫn nhau, phát huy tư duy độc lập, tính sáng tạo, đồng thời, khơi dậy phẩm chất sống có trách nhiệm và khát vọng cống hiến. “Các tổ chuyên môn ở Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành đã lựa chọn đa dạng các hình thức tổ chức dạy học giúp học sinh” được vận dụng kiến thức và hứng thú học tập. Các cuộc thi “Sách và tôi”, “Sáng tác thơ chào xuân” và “Sân khấu văn học dân gian” của tổ Ngữ văn; cuộc thi “Em yêu lịch sử Việt Nam” và “Sưu tầm tư liệu lịch sử về nhà giáo Nguyễn Tất Thành” của tổ Lịch sử”, cô Nguyễn Thu Anh nhấn mạnh.

Theo định hướng chương trình giáo dục phổ thông mới. Năm học 2021-2022 là năm học đầu tiên ngành giáo dục và đào tạo thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó có những môn học tích hợp lần đầu xuất hiện. Ở một số nhà trường việc dạy tích hợp còn thể hiện qua những sân khấu trải nghiệm do chính học sinh thực hiện. Mới đây, một dự án tích hợp liên môn Lịch sử-Văn học-Mĩ thuật-Âm nhạc với chủ đề “Ngày hội non sông” tái hiện lại Chiến thắng lịch sử 30/4/1975 do các em học sinh khối 9 Trường Tiểu học, THCS và THPT Iris (Thái Nguyên) thực hiện.

Dự án có 2 nội dung chính bao gồm: Khu trưng bày hình ảnh, tái hiện hiện vật và vở nhạc kịch “Ngày hội non sông” tái hiện lại toàn bộ những dấu mốc quan trọng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 với điểm nhấn chính là Chiến thắng lịch sử 30/4/1975. Học sinh khối 9 của trường đã có 1 tháng chuẩn bị, từ việc lên ý tưởng, xây dựng kịch bản, tập kịch đến vẽ tranh, thiết kế poster, sa bàn, dàn dựng sân khấu…

Theo TS. Bạch Phương Vinh, Tổng Hiệu trưởng Trường Iris: “Những câu chuyện được kể lại qua hình ảnh trưng bày cũng như vở nhạc kịch “Ngày hội non sông” đã giúp khơi dậy niềm tự hào dân tộc, nâng cao tinh thần yêu nước cho các em học sinh, giúp các em cảm nhận sâu sắc nhất về giá trị của nền độc lập, tự do, hạnh phúc ngày hôm nay. Từ đó, các em luôn cố gắng, nỗ lực tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu học tập để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội”.

Theo cô Nguyễn Thị Thu Hương, Giáo viên dạy Lịch sử, Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) thì cách dạy Lịch sử có hiệu quả nhất vẫn là dạy theo chủ đề và có hoạt động kèm theo. “Việc học nhồi nhét kiến thức không còn phù hợp với tình hình hiện nay. Thay vào đó, cách dạy theo chủ đề, hoạt động trải nghiệm cần được quan tâm và khuyến khích. Đây là định hướng của Chương trình giáo dục phổ thông mới”, cô Nguyễn Thị Thu Hương cho biết.

Năm học 2021-2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có văn bản hướng dẫn gửi các Sở GD&ĐT và nhà trường về việc tổ chức triển khai kế hoạch giáo dục một số môn học, hoạt động giáo dục theo chương trình mới. Trong đó có 2 môn học tích hợp lần đầu tiên được thiết kế trong chương trình giáo dục phổ thông đối với cấp THCS là lịch sử và địa lý (tích hợp từ 2 môn lịch sử và địa lý trước đây) và môn khoa học tự nhiên (tích hợp từ 3 môn: vật lý, hoá học, sinh học).

Chương trình môn lịch sử và địa lý bao gồm phân môn lịch sử và phân môn địa lý, mỗi phân môn được thiết kế theo mạch nội dung riêng, trong đó nhiều nội dung dạy học liên quan được bố trí gần nhau để hỗ trợ nhau; nội dung lịch sử tích hợp trong những phần phù hợp của nội dung địa lý và nội dung địa lý tích hợp trong những phần phù hợp của nội dung lịch sử./.

NTH-H4

 

0 nhận xét: