CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2022

KÝ ỨC NHỮNG NGÀY LÀM DÂN CÔNG HOẢ TUYẾN TRƯỜNG SƠN

Trong trí nhớ của nhiều người già ở các bản làng nằm dọc theo dãy Trường Sơn thì quãng thời gian làm dân công hỏa tuyến gùi lương, tải đạn cho bộ đội giải phóng miền Nam năm xưa là ký ức không thể nào quên. Những con người rất đỗi bình thường nhưng kiên cường vượt qua mưa bom, bão đạn để góp công làm nên mùa xuân thống nhất.

Những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi có dịp đi dọc theo đường Hồ Chí Minh. Đường Trường Sơn năm xưa đã được đổi tên, khoác lên mình diện mạo mới, được trải nhựa, mở rộng, tạo động lực để hình thành nên những thị trấn, thị tứ với vóc dáng của đô thị miền xuôi. Thế nhưng, khi gặp, trò chuyện với những người từng tham gia làm dân công hỏa tuyến trên đường Trường Sơn, chúng tôi chợt nhận ra, có những thứ vẫn vẹn nguyên như cũ.

Bà Hồ Thị Mơng (người Vân Kiều, thôn Sa Trầm, xã Ba Nang, huyện Đakrông, Quảng Trị) tuổi đã cao nhưng trí nhớ vẫn rất minh mẫn. Đã mấy chục năm rồi nhưng khi được hỏi về quãng thời gian cùng thanh niên trong xã đi làm dân công hỏa tuyến ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), bà Mơng dường như không quên điều gì dù là chuyện nhỏ nhất. Bà bảo, ngày ấy, ăn không no, sức vóc nhỏ nhưng ai cũng có thể vác những thùng đạn nặng ngang ngửa với trọng lượng cơ thể đi băng băng. Và, với bà Mơng thì đó là những quãng thời gian tươi đẹp nhất vì được gặp các chị thanh niên xung phong, những người lính Cụ Hồ từ miền Bắc đi giải phóng miền Nam. Mọi người cùng làm việc, chiến đấu và cùng xây đắp ước mơ về cuộc sống ngày thống nhất.

Năm 1969, con trai của vợ chồng bà là Hồ A Xo đã anh dũng hy sinh ở mặt trận Quảng Trị. Giờ đây, bà Mơng sống một mình, tuổi đã cao nên không tránh được việc ốm đau. Những lúc ấy Trung tá QNCN Lê Văn Đức, y sĩ ở Phòng khám quân dân y Sa Trầm, Đồn Biên phòng Ba Nang, BĐBP Quảng Trị lại đến khám, phát thuốc và điều trị bệnh giúp bà. Dần dà, bà Mơng coi Trung tá QNCN Lê Văn Đức như người thân của mình nên có gì cũng kể cho anh nghe.

Tài sản quý giá nhất của bà Mơng là chiếc túi bóng đựng những “kỷ vật”. Trong đó, có Kỷ niệm chương Chiến sĩ Trường Sơn đường Hồ Chí Minh của bà, có giấy báo tử của con trai, có giấy tờ của người chồng (đã mất) mà bà đã gặp gỡ trong thời gian đi làm dân công hỏa tuyến. Bà bảo: “Chiến tranh đã lấy đi con trai của mẹ thì nay mẹ được “trả lại” những người con khác là cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ba Nang. Cả nhà mẹ ai cũng được đóng góp cho cách mạng nên mẹ rất tự hào”.

Ở Sa Trầm còn có ông Hồ Văn Vai (người Vân Kiều) cũng là người từng có thời tham gia dân công hỏa tuyến. Đã bước qua tuổi 70 nhưng ông Vai vẫn hằng ngày đi rẫy, giọng nói sang sảng, nhất là khi nhắc lại chuyện “ngày xưa”. Năm 1960, ông Vai nhập ngũ, làm anh nuôi cho Đại đội 12 (đóng quân ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế). Năm 1970, ông xuất ngũ về lại quê nhà ở Sa Trầm. Bước sang những năm 1971, 1972, cách mạng dồn lực chi viện cho miền Nam thế nên khi biết tin chính quyền xã kêu gọi người dân đi dân công hỏa tuyến, một lần nữa ông Vai lại ghi tên lên đường.

Núi cao, vực sâu chưa bao giờ là trở ngại với những người sinh ra và lớn lên trên đại ngàn Trường Sơn này. Chân đất và đôi vai trần nhưng dù đêm hay ngày ông và mọi người vẫn vác những thùng đạn, súng vượt qua những “tọa độ chết” để cho kịp chuyển hàng vào Nam. Anh Hồ Văn Mút, con trai ông Vai chia sẻ: “Khi còn bé, bố thường kể cho chúng tôi nghe thời gian đi dân công hỏa tuyến trên đường mòn Hồ Chí Minh. Chuyện bố tôi cùng mọi người băng rừng vượt suối gùi hàng cho bộ đội hay các đoàn xe chở vũ kí, lương thực vượt bom đạn để chi viện cho chiến trường miền Nam là những câu chuyện của cả tuổi thơ của tôi và các con tôi sau này”.

Câu chuyện của ông đôi vợ chồng người Pa Cô tên Cu Ro và bà Căn Đol (thôn A Đớt, xã Lâm Đớt, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) khiến chúng tôi từ tò mò đến ngưỡng mộ khi thấy tên của 2 người được ghi chung vào giấy chứng nhận Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bà Căn Đol bảo, hai người quen nhau khi cùng đi làm dân công hỏa tuyến trên đường mòn Hồ Chí Minh, được chính những người lính Trường Sơn đứng ra tổ chức đám cưới trong những ngày bom đạn. Hai ông bà không sinh được người con nào nên tuổi già khá vất vả, nhất là giờ đây ông Cu Ro chỉ nằm một chỗ.

Năm 2009, Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt, BĐBP Thừa Thiên Huế đã xây tặng ông bà căn nhà tình nghĩa và hàng tháng đều hỗ trợ cho ông bà 20kg gạo. Nhà không có xe, trạm y tế lại xa nên mỗi khi ốm đau, quân y Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt lại xuống tận nơi thăm khám, phát thuốc điều trị. Ông Cu Ro từng bảo: “Dù không sinh được người con nào nhưng tuổi già chúng tôi không cô độc vì có cán bộ, chiến sĩ Biên phòng. Những năm qua, các con Biên phòng đã chăm sóc, lo lắng cho 2 vợ chồng chúng tôi như người ruột thịt”.

Có lần, Chi đoàn Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt và Đoàn xã Lâm Đớt tổ chức sinh hoạt ngoại khóa bằng việc giúp gia đình ông Cu Ro, bà Căn Đol dọn dẹp nhà cửa và nấu ăn. Từ sớm, những đoàn viên trong màu áo thiên thanh tình nguyện đến quét mạng nhện, lau sạch những tấm bằng Huân chương kháng chiến đã ố màu thời gian. Những chàng lính trẻ cùng nhau dựng lại bờ rào cho chắc chắn. Nhìn những bạn trẻ vừa làm vừa hát những bài ca với giai điệu vui nhộn, ký ức tuổi thanh niên sôi nổi của ông Cu Ro, bà Căn Đol lại hiện về.

Đó là những ngày trên vai vác nặng, trèo đèo lội suốt nhưng vẫn hát vang bài ca cách mạng, cùng vững tin vào ngày chiến thắng sẽ không còn xa. Thượng tá A Liêng Hà, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt chia sẻ: Hoàn cảnh của 2 cụ Cu Ro và Căn Đol không chỉ là người già neo đơn mà còn là gia đình có công với cách mạng bởi vậy mà cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị luôn quan tâm, giúp đỡ. Chúng tôi thường xuyên đến thăm hỏi, động viên để 2 ông bà luôn cảm thấy vui vẻ, không cảm thấy cô quạnh tuổi già. Đó là sự tri ân của người lính chúng tôi với thế hệ đi trước”. Thế mới biết, theo thời gian, mọi thứ rồi cũng sẽ trở thành ký ức nhưng những câu chuyện về tháng năm đi tiếp lương, tải đạn cho bộ đội của người Trường Sơn sẽ còn được kể và trân trọng mãi./.

NTH-H4

0 nhận xét: