Kế
thừa và phát triển ý thức chủ quyền biển, đảo của ông cha trong lịch sử dựng nước
và giữ nước, cũng như nhận thức đúng vị trí, vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của
biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng và Nhà nước ta đã có
nhiều chủ trương, chính sách về biển, đảo. Quản lý, khai thác đi đôi với bảo vệ
vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển, làm
cho đất nước giàu mạnh là quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta.
Những
năm qua, trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, nhưng
dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, quân và dân ta triển khai
tích cực các hoạt động bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển. Chúng ta
đã “Chủ động, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp phù hợp, bảo vệ
được chủ quyền biển, đảo, vùng trời và giữ được hòa bình, ổn định để phát triển
đất nước”. Đồng thời, Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt
Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng nêu “nhận thức của toàn hệ thống
chính trị, nhân dân và đồng bào ta ở nước ngoài về vị trí, vai trò của biển, đảo
đối với phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền quốc gia được nâng lên rõ rệt. Chủ
quyền, an ninh quốc gia trên biển được giữ vững”.
Hiện
nay, sức mạnh tổng hợp của quốc gia, thế và lực của ta trên các vùng biển, đảo
đã tăng lên nhiều. Thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, “thế trận
lòng dân” trên biển, đảo không ngừng được củng cố, tăng cường. Các lực lượng quản
lý, bảo vệ biển, đảo từng bước được xây dựng, phát triển ngày càng vững mạnh
hơn, trong đó Hải quân nhân dân Việt Nam được Đảng, Nhà nước ưu tiên đầu tư tiến
thẳng lên hiện đại, có sự trưởng thành, lớn mạnh vượt bậc, đủ sức làm nòng cốt
bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Bộ đội Hải quân cùng các lực lượng thực
thi pháp luật khác trên biển (cảnh sát biển, bộ đội biên phòng, kiểm ngư…)
không quản ngại khó khăn, gian khổ, hiểm nguy; kiên cường bám trụ nơi “đầu
sóng, ngọn gió”; đêm ngày tuần tra, kiểm soát, khẳng định, bảo vệ chủ quyền, giữ
bình yên biển, đảo, thực sự là điểm tựa tin cậy cho nhân dân yên tâm vươn khơi
bám biển, phát triển kinh tế. Đặc biệt, mỗi khi phải đối mặt với tình huống phức
tạp, căng thẳng, các lực lượng trên biển luôn nêu cao ý chí quyết tâm “còn người,
còn biển, đảo”, “một tấc không đi, một li không rời”; thực hiện đúng đối sách,
phương châm, tư tưởng chỉ đạo; khôn khéo, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc
chủ quyền, lợi ích quốc gia, an ninh, trật tự trên biển; không để xảy ra xung đột;
giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước và mở rộng quan hệ
hợp tác với các nước.
Bên
cạnh thuận lợi cơ bản, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc hiện nay
vẫn đang đứng trước những khó khăn, thách thức. Tình hình quốc tế, khu vực diễn
biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, những nhân tố mới xuất hiện tác động trực
tiếp đến tình hình Biển Đông. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn và tranh
chấp lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo giữa các nước trong khu vực diễn ra gay gắt,
tiềm ẩn nguy cơ xung đột, mất ổn định.
Ở
trong nước, sự phối hợp, thống nhất nhận thức và hành động về chủ quyền biển, đảo
của một bộ phận nhân dân chưa cao. Các thế lực thù địch ra sức lợi dụng vấn đề
biển, đảo hòng chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ. Trong điều kiện kinh tế,
ngân sách có hạn, chúng ta chưa thể cùng lúc đầu tư xây dựng được ngay các lực
lượng quản lý, bảo vệ biển đủ mạnh, trang thiết bị, phương tiện còn hạn chế,
khó duy trì sự hiện diện thường xuyên, liên tục trên toàn bộ vùng biển rộng lớn.
Cơ chế phối hợp, chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất các lực lượng quản
lý, thực thi, bảo vệ chủ quyền biển, đảo còn những bất cập nhất định...
Chúng
ta cần thống nhất phương châm hành động “dĩ bất biến ứng vạn biến”, “kiên định
nguyên tắc chiến lược, linh hoạt về sách lược” trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Chủ quyền biển, đảo và toàn vẹn lãnh thổ là thiêng liêng, bất di bất dịch,
không thể để bị xâm phạm, không thể đánh đổi và không thể nhân nhượng. Các biện
pháp bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên các vùng
biển, đảo phải được triển khai mạnh mẽ, kiên quyết vì chúng ta có chính nghĩa,
song cũng phải hết sức linh hoạt, mềm dẻo, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, thời
điểm cụ thể; lấy bảo vệ vững chắc chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc và giữ vững
hòa bình, ổn định để đất nước phát triển làm mục tiêu tối thượng.
Sức
mạnh bảo vệ chủ quyền biển, đảo là sức mạnh tổng hợp quốc gia, bao gồm và có sự
kết hợp chặt chẽ tất cả các mặt trận, các lĩnh vực hoạt động: quốc phòng, an
ninh, kinh tế, chính trị, ngoại giao, pháp lý... Trong đó, sức mạnh quốc phòng,
an ninh giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Do vậy, phải xây dựng thế trận quốc
phòng toàn dân, an ninh nhân dân trên biển vững chắc, thế bố trí chiến lược các
lực lượng có chiều sâu, liên hoàn bờ - biển - đảo, sẵn sàng chuyển hóa thành thế
trận chiến tranh nhân dân khi có xung đột. Xây dựng các lực lượng quản lý, bảo
vệ biển, đảo, dự bị động viên, dân quân, tự vệ biển mạnh, có chất lượng tổng hợp
và sức chiến đấu cao, trong đó Hải quân là lực lượng nòng cốt, cần tiếp tục được
ưu tiên xây dựng tiến lên chính quy, hiện đại, ngang tầm nhiệm vụ. Chỉ có trên
cơ sở phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp và tập trung của toàn Đảng, toàn dân,
toàn quân, trong đó Hải quân làm nòng cốt mới có thể bảo đảm được khả năng bảo
vệ chủ quyền, duy trì hòa bình, ổn định lâu dài trên biển.
Nhân
dân ta từ lâu đã đúc kết: “trong ấm, ngoài êm”. Đây không chỉ là bài học sâu sắc
về đối nhân, xử thế trong mỗi gia đình mà còn cả quốc gia. Lịch sử dân tộc nhiều
lần chứng minh, khi nội bộ đoàn kết, lòng dân hòa thuận thì biên cương, bờ cõi
yên ổn. Nhưng khi trên dưới bất hòa, lòng dân ly tán, ắt ngoại bang sẽ nhòm
ngó, xâm lăng. Suy ra, trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo, “biển yên” thì “bờ ấm”,
có bảo vệ được bình yên biển, đảo thì trong nước mới ổn định, phát triển. Ngược
lại, “trong bờ có ấm, ngoài biển mới yên”, đất nước có ổn định, phát triển mới
tạo ra thế và lực để bảo vệ biển, đảo. Vậy nên, cần phải tiếp tục làm tốt công
tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân
đối với chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ biển, đảo. Củng cố niềm tin và tạo sự đồng
thuận, nhất trí cao trong hệ thống chính trị và nhân dân về các chủ trương,
chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến phát triển kinh tế và bảo vệ chủ
quyền biển, đảo. Khi “ý Đảng” đã hợp với “lòng dân” sẽ tạo sức mạnh vô địch, đập
tan những mưu đồ của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề biển, đảo chống phá
nước ta; đồng thời tạo ổn định chính trị trong nước để phát triển kinh tế, xã hội,
xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trong bờ, ngoài biển. Và khi đó sẽ khơi
dậy được lòng tự hào, tự tôn, truyền thống, ý chí kiên cường, bất khuất của dân
tộc; hình thành mặt trận chính trị rộng lớn của nhân dân cả nước hướng về biển,
đảo quê hương, chung sức đồng lòng bảo vệ biển, đảo Tổ quốc.
Trong
bối cảnh toàn cầu hóa, muốn bảo vệ chủ quyền biển, đảo, chúng ta phải phát huy
tinh thần tự lực, tự cường và phải biết kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh
thời đại, nêu cao tính chính nghĩa, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của quốc tế,
“kiên quyết, kiên trì đấu tranh”, tăng cường hợp tác quốc tế, “tạo sự đan xen lợi
ích”, “vừa hợp tác, vừa đấu tranh”. Và cũng cần xác định, giải quyết tranh chấp
trên Biển Đông là vấn đề lâu dài, không thể nóng vội, kiên trì hợp tác tìm kiếm
biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp, không làm phức tạp thêm tình hình,
bảo vệ lợi ích chính đáng của ta, đồng thời tôn trọng lợi ích chính đáng của
các nước trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế. Tăng cường công tác đối ngoại của
Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại quốc phòng với các nước trong khu vực,
các nước có vùng biển giáp ranh, chồng lấn để xây dựng lòng tin, tạo sự hiểu biết
lẫn nhau, giảm bớt căng thẳng, kịp thời phối hợp giải quyết bất đồng và các vấn
đề nảy sinh trên biển. Qua đó, hình thành môi trường thuận lợi cho bảo vệ chủ
quyền biển, đảo, không để xảy ra xung đột, không để đất nước bị cô lập trong vấn
đề Biển Đông, cùng các nước xây dựng vùng biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác,
phát triển, ổn định lâu dài.
Bảo
vệ chủ quyền biển, đảo cần phải có hệ thống chính sách, pháp luật chặt chẽ, phù
hợp với luật pháp và tập quán quốc tế. Do đó, trên cơ sở các chủ trương, chính
sách của Đảng, Nhà nước, nhất là Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới,
Luật Biển Việt Nam, Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến
năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục xây dựng
và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống
nhất trong quản lý, thực thi và bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Chú trọng nghiên cứu
xây dựng các chính sách về phát huy tiềm năng, thế mạnh của biển; về kết hợp
kinh tế với quốc phòng, an ninh, bảo vệ biển, đảo. Sự kết hợp đó phải thể hiện
rõ trong quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển của quốc gia cũng như từng
vùng, từng địa bàn, từng ngành. Đồng thời, phải hoàn thiện cơ chế chỉ đạo, chỉ
huy, điều hành, phối hợp, hiệp đồng các lực lượng, các mặt trận đấu tranh bảo vệ
chủ quyền biển, đảo khi có tình huống.
Mặt
khác, chúng ta phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa kinh tế với quốc phòng, an
ninh; giữa khai thác và bảo vệ biển; giữa xây dựng sức mạnh khai thác biển và sức
mạnh bảo vệ biển. Kinh tế biển mạnh sẽ tạo điều kiện vật chất để tăng cường sức
mạnh quốc phòng, an ninh bảo vệ biển, đảo vững chắc, toàn vẹn. Ngược lại, quốc
phòng, an ninh vững mạnh mới bảo vệ được biển, đảo, tạo ra môi trường, không
gian, điều kiện thuận lợi, an toàn cho phát triển kinh tế biển bền vững. Quá
trình phát triển kinh tế biển cần được kết hợp với tăng cường sức mạnh bảo vệ
chủ quyền; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội biển, đảo và nâng cao đời
sống nhân dân cần đi đôi với củng cố trang bị, cầu cảng, công trình phòng thủ,
bố trí dân cư. Các lực lượng chuyên trách, trong đó có Hải quân tích cực tham
gia phát triển kinh tế quốc phòng trên biển, đảo ở lĩnh vực thế mạnh, ưu tiên
những vùng biển, đảo xa, tiền tiêu, còn nhiều khó khăn, góp phần tạo thế và lực
cho đất nước trong hành trình bảo vệ và khai thác biển.
Trước
những diễn biến mau lẹ, khó lường của tình hình thế giới, khu vực và trên Biển
Đông, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải nâng cao cảnh giác, chủ động
nắm chắc, dự báo chính xác mọi động thái, ngăn ngừa nguy cơ xung đột từ sớm, từ
xa, kiên quyết không để mất dù là một sải biển, một tấc đảo. Các lực lượng hoạt
động trên biển, nòng cốt là Hải quân thường xuyên chăm lo xây dựng các tổ chức
đảng, tổ chức chỉ huy, lấy nhân tố con người là quyết định, vũ khí trang bị là
quan trọng; đồng thời duy trì sẵn sàng chiến đấu, nắm chắc tình hình trên các
vùng biển, nhất là vùng biển trọng điểm, nhạy cảm, không để bị động, bất ngờ.
Tăng cường huấn luyện làm chủ và phát huy hiệu quả trang bị, nâng cao khả năng
tuần tra, kiểm soát, bảo vệ chủ quyền, an ninh, trật tự, an toàn các hoạt động
kinh tế biển. Khi có tình huống, cần tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước, Quân
ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về phương châm, đối sách, biện pháp lãnh đạo, chỉ
đạo xử lý; phát huy sức mạnh tổng hợp; kết hợp giữa đấu tranh trên thực địa với
đấu tranh chính trị, ngoại giao, pháp lý; tổ chức, chỉ huy, phối hợp, hiệp đồng
chặt chẽ các lực lượng; kiên quyết, khôn khéo bảo vệ vững chắc chủ quyền, giữ vững
môi trường hòa bình, ổn định trên biển.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét