Một thực tế
đó là, mỗi khi có đồng chí cán bộ nào bị xử lý sai phạm thì xuất hiện tâm lý hả
hê ở một bộ phận dư luận. Phần đa ý kiến không đồng tình với tâm lý hả hê đó,
nhưng điều này cần được nhìn nhận thấu đáo để hiểu rõ vì sao? Một trong những
nguyên nhân gây nên tâm lý đó chính là “bệnh xa dân” của cán bộ khiến dư luận
đã có cái nhìn tiêu cực, thiếu cảm thông mỗi khi có vụ việc.
Mới đây, khi
cơ quan chức năng thực hiện lệnh bắt tạm giam và khám xét nhà riêng của ông
Nguyễn Văn Vịnh, cựu Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều
bình luận thể hiện tâm lý hả hê. Căn biệt thự của gia đình ông cựu Bí thư Tỉnh ủy
nằm ở vị trí được xem là đẹp nhất của TP Lào Cai từ lâu đã trở nên xa cách với
đời sống của phần đông người dân. Cũng theo kết luận của cơ quan chức năng, ông
Nguyễn Văn Vịnh có tới 7 lô đất đều nằm ở các vị trí đắc địa của TP Lào Cai,
chưa kể những tài sản khác. Hình ảnh người cán bộ như vậy đã khiến người dân
không có cảm tình.
Tìm hiểu những
câu chuyện thực tế ở nhiều địa phương cho thấy, tình trạng cán bộ mắc “bệnh xa
dân” khá phổ biến. Có những nơi đã hình thành khu ở của người giàu, của một số
“quan chức”, hoặc vợ con họ sống xa xỉ, hưởng lạc. Đó là những khu phố luôn kín
cổng cao tường, xa cách với nhân dân lao động. Chuyện cán bộ mắc “bệnh xa dân”
ngày nay thể hiện muôn hình vạn trạng, đó là cán bộ ít đến với dân, ít nghe tâm
tư nguyện vọng của người dân; cán bộ tránh, trốn tiếp dân bằng nhiều lý do, nhất
là khi có “tình huống điểm nóng”. Người dân không dễ gì gặp được họ dù ý kiến,
nguyện vọng muốn trình bày với người có trách nhiệm giải quyết là chính đáng và
cần thiết.
Ở một góc độ
khác, chính vì mắc “bệnh xa dân” nên có những cán bộ chỉ nắm được tình hình qua
báo cáo. Mà chất lượng báo cáo thì không phải ở đâu, chỗ nào cũng đúng, cũng thực
chất. Tình trạng “tô hồng” báo cáo là một “trọng bệnh” với đa số ưu điểm, thành
tích mà lảng tránh khuyết điểm, yếu kém.
Đã có rất nhiều
cảnh báo, phân tích về hệ lụy ghê gớm của “bệnh xa dân”, một biểu hiện rõ nét
nhất của tệ quan liêu nếu mỗi cán bộ, đảng viên không thực tâm rèn luyện. Chính
vì xa dân, không được nghe và không chịu nghe những ý kiến từ đời sống khiến
cán bộ mắc thói quan liêu, cửa quyền. Chủ nghĩa cá nhân trong mỗi con người
cũng lớn lên từ đó, là căn nguyên khiến cán bộ hư hỏng.
Chủ tịch Hồ
Chí Minh luôn đặc biệt coi trọng, giáo dục cán bộ công quyền phải trọng
dân, gần dân, vì dân mới làm được cách mạng và đó mới là mục đích của cách mạng.
Ngay từ những ngày đặt viên gạch đầu tiên để xây dựng nền móng cách mạng, Bác
đã nhiều lần nhấn mạnh: “Có dân là có tất cả”. Trong cuộc đời mình, Người đã
dành nhiều thời gian đi cơ sở, thăm nhân dân, cán bộ, công nhân, người lao động.
Trong những lần đến, Bác rất chú ý thăm đồng bãi, công trường, nhà ăn, nơi ngủ
nghỉ của công nhân, người lao động. Theo một thống kê chưa đầy đủ, trong vòng
10 năm, từ năm 1955 đến 1965, Bác đã về địa phương, cơ sở, đến với nhân dân hơn
700 lần. Những chuyến đi của Bác thường không được báo trước, gọn nhẹ, không
gây tốn kém, lãng phí cho cơ sở. Nhiều lần Người còn mang cơm nắm đi, ăn cùng cảnh
vệ cho đỡ phiền phức địa phương và đặc biệt là tác phong giản dị, không bao giờ
quan cách.
Để mỗi cán bộ, đảng
viên thấm nhuần tư tưởng và hành động, đặc biệt chống thái độ thờ ơ, vô cảm,
quan liêu, “bệnh xa dân”, cùng với từng bước hoàn thiện hệ thống luật pháp của
cả hệ thống chính trị, Đảng ta đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị trong vấn đề
này. Điển hình là Quy định số 11-QĐi/TW “về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy
trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến
nghị của dân” được Bộ Chính trị khóa XII ban hành. Quy định này đã yêu cầu đội
ngũ bí thư, cấp ủy và rộng hơn là mỗi cán bộ phải khắc phục biểu hiện thiếu sâu
sát thực tế cơ sở, xa dân; cần coi việc gần dân, công tác tiếp dân, giải quyết
tâm tư, nguyện vọng của nhân dân là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính
trị.
Đặc biệt, Nghị
quyết số 04-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “về tăng cường xây
dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo
đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển
hóa" trong nội bộ” đã thẳng thắn chỉ ra những biểu hiện suy thoái về tư tưởng
chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển
hóa" của cán bộ, đảng viên. Trung ương chỉ rõ 1 trong 27 biểu hiện suy
thoái đó là “quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra,
đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình; thờ ơ, vô cảm,
thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân
dân”.
Nhìn nhận từ
lý luận gốc đến thực tiễn sự vận động phát triển trong xã hội ngày nay, càng thấy
vấn đề “gần dân, hiểu dân, trọng dân và vì dân” là cốt tử của mỗi người cán bộ,
đảng viên trong cơ quan công quyền. Cán bộ mà quan liêu, xa dân thì chỉ có hại
cho dân, cho nước và hại cho chính họ. Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
trong phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa
XII chỉ rõ: “Ta làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược
lại, nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả”.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét