CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Ba, 29 tháng 8, 2023

PHẢN BÁC QUAN ĐIỂM “CÁCH MẠNG THÁNG 8 THỰC CHẤT LÀ CUỘC TRANH GIÀNH QUYỀN LỰC NỘI BỘ TẠI VIỆT NAM”

 

Cách mạng tháng Tám thành công năm 1945 là một mốc son chói lọi trong dòng chảy lịch sử để dẫn đến sự kiện trọng đại của cả dân tộc - khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Thắng lợi này là một trong những sự kiện, một bước ngoặt trọng đại nhất của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20.

Tuy nhiên, các thế lực phản động gần đây cho rằng “Cách mạng Tháng 8 thực chất là cuộc tranh giành quyền lực nội bộ tại Việt Nam”. Đây rõ ràng là những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động nhằm phủ nhận hoàn toàn vai trò của Đảng cộng sản Việt Nam và nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc để xây dựng cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc.

Ngược dòng lịch sử, vào đêm 31/8 rạng sáng ngày 01/9/1858, thực dân pháp đã đổ bộ tấn công vào bán đảo Sơn Trà Đà Nẵng vào; sự kiện đó đánh dấu sự xâm lược, bóc lột của chủ nghĩa đế quốc nói chung cũng như chủ nghĩa thực dân pháp nói riêng trên đất nước ta. Đến ngày 6/6/1884 khi hiệp ước pa tơ nốt được ký kết, đánh dấu sự kiện nhà Nguyễn chính thức đầu hàng, hoàn toàn dâng Việt Nam vào tay thực dân Pháp. Lúc này, thực dân pháp bắt đầu thực hiện chính sách khai thác và bóc lột thuộc địa ở đất nước ta. Rồi từng bước thiết lập chế độ thống trị tàn bạo, phản động của chủ nghĩa thực dân. Nhân dân ta lúc này sống trong tình trạng một cổ 2 tròng, lầm than, mất nước.

Trong thời gian từ năm 1858 đến trước năm 1930, dưới sự áp bức của thực dân Pháp và chế độ phong kiến nhà Nguyễn, các tầng lớp nhân dân đã tổ chức hàng trăm cuộc khởi nghĩa chống Pháp theo các khuynh hướng khác nhau, như các phong trào yêu nước theo hệ tư tưởng phong kiến đó là phong trào Cần Vương (1885– 1896), khởi nghĩa Yên Thế (1883 – 1913). Các  phong trào yêu nước theo hệ tư tưởng tư sản đó là phong trào Đông Du (1906 – 1908), phong trào Duy Tân (1906 – 1908).

Như vậy chúng ta thấy rằng, lúc này Đảng Cộng sản Việt Nam chưa ra đời nhưng đã xuất hiện nhiều phong trào yêu nước đấu tranh đòi đánh đuổi thực dân Pháp và chế độ phong kiến thối nát. Đây chính là nguyện vọng của đại đa số các tầng lớp nhân dân ta lúc bấy giờ.

Mặc dù các cuộc khởi nghĩa, phong trào đấu tranh đó vô cùng anh dũng, nhưng đã bị thực dân Pháp đàn áp tàn bạo và cuối cùng đều thất bại. Sự thất bại của các phong trào đặt cách mạng Việt Nam đứng trước sự khủng hoảng, bế tắc về đường lối cứu nước. 

Lịch sử cách mạng Việt Nam lúc này cần những con người mới với những tư duy, tư tưởng mới, để thay đổi cục diện. Tuy nhiên thời điểm này vẫn có nhiều nhà hoạt động cách mạng đi theo con đường cũ, vẫn còn sùng bái con đường theo khuynh hướng tư sản. Nhưng dồng thời cũng xuất hiện rất nhiều nhà cách mạng, thanh niên yêu nước trẻ tuổi, với những tư duy và tầm nhìn mang tính thời đại sâu sắc, đã tìm ra con đường cứu nước đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đấu tranh giải phóng dân tộc và thời đại, tiêu biểu nhất đó là Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh, bằng phương pháp kết hợp thực tiễn với lý luận, Người đã tìm ra được con đường cứu nước đúng đắn cho toàn thể dân tộc. Đặc biệt, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời vào ngày 3/2/1930 là sự kiện trọng đại, một bước ngoặt lịch sử có ý nghĩa to lớn đối cách mạng Việt Nam; chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về đường lối cứu nước, cách mạng Việt Nam trở thành một bộ phận của cách mạng thế giới và tạo cơ sở cho những bước nhảy vọt của cách mạng Việt Nam. Đảng đã xác định rõ con đường cách mạng của dân tộc ta, đó là con đường giải phóng dân tộc gắn với giải phóng giai cấp, độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, giai cấp vô sản phải nắm lấy ngọn cờ giải phóng dân tộc; gắn cách mạng dân tộc với phong trào cách mạng vô sản thế giới.

Và thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là tất yếu của tiến trình lịch sử dân tộc ta, thắng lợi đã mở ra bước ngoặt quan trọng và vĩ đại của cách mạng, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Đánh giá về ý nghĩa lớn lao này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cách mạng Tháng Tám đã lật đổ nền quân chủ mấy mươi thế kỷ, đã đánh tan xiềng xích thực dân gần 100 năm, đã đưa chính quyền lại cho nhân dân, đã xây nền tảng cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, độc lập, tự do, hạnh phúc. Đó là một cuộc thay đổi cực kỳ to lớn trong lịch sử của nước ta”.

Như vậy chúng ta cần phải khẳng định, Cách mạng Tháng 8 chính là cuộc đánh đuổi và đánh đổ kẻ thù xâm lược thực dân Pháp và chế độ Phong kiến bán nước, để đem lại độc lập, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân và dân tộc Việt Nam. Chúng ta không tranh giành, hay thỏa hiệp để nắm quyền lãnh đạo, đây là sứ mệnh của Đảng Cộng sản Việt Nam và nguyện vọng chính đáng của dân tộc Việt Nam./.

0 nhận xét: