Quay lưng với lợi ích quốc gia, dân tộc, hùa
theo tư tưởng thù địch, chối bỏ quê hương, đất nước… là hành vi của những kẻ
vong ân bội nghĩa. Nói về hạng người này, từ xa xưa, ông bà ta đã ẩn dụ: “Qua cầu
rút ván”.
Trong giai đoạn đất nước đẩy mạnh đổi mới, hội
nhập, không ít người trưởng thành từ môi trường giáo dục xã hội chủ nghĩa
(XHCN) đã bất mãn, tìm cách “rút ván” trên chính cây cầu mình đang đi. Họ không
ý thức được rằng, hành vi sai lầm ấy đã tạo ra lỗ hổng ngay dưới chân và tự
gieo mình xuống vực sâu. Có nhiều bài học nhãn tiền, nhưng kiểu dựa hơi, thừa
cơ “rút ván” vẫn cứ diễn ra…
Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Thủ tướng
Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu vừa kết thúc thành công tốt đẹp chuyến
công tác tại Hoa Kỳ và Liên hợp quốc. Đây là sự kiện ngoại giao có ý nghĩa quan
trọng của Việt Nam, được truyền thông quốc tế rất quan tâm. Theo dõi dư luận, bằng
thái độ khách quan, ai cũng thấy đại bộ phận truyền thông quốc tế đánh giá cao
thông điệp, hiệu quả chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam. Tại những
nơi Thủ tướng Việt Nam đến thăm và làm việc, đoàn luôn nhận được sự chào đón với
tình cảm thân tình, quý trọng, ấm áp của đông đảo kiều bào. Vậy mà trên một số
tài khoản mạng xã hội của một bộ phận người Việt Nam ở nước ngoài lại cố tình tạo
dựng, chia sẻ những clip mang tư tưởng thù địch.
Họ lu loa rằng, người Việt Nam ở Hoa Kỳ đã biểu
tình phản đối chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Thực chất,
cái gọi là “đoàn người biểu tình” chỉ lèo tèo vài nhóm người cực đoan, mang
theo cờ ba sọc, biểu ngữ, tụ tập ở một số điểm công cộng. Kiểu dàn dựng khiên
cưỡng để lấy hình ảnh làm truyền thông chống đối chỉ là tiếng hét lẻ loi, lạc
phách, lạc nhịp trong dòng chảy chủ lưu mang thông điệp tích cực, khách quan,
toàn diện, chính xác, kịp thời của môi trường truyền thông.
Đáng tiếc, một số phần tử có thái độ cực đoan
chính trị đã lấy đó làm cái cớ để thổi phồng, tuyên truyền xuyên tạc, kích động
hận thù, gây chia rẽ mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước, nhân dân ta với
kiều bào ở nước ngoài, bôi xấu, hạ thấp uy tín của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta
trong quan hệ quốc tế. Trong số những đối tượng có hành vi đi ngược lại lợi ích
chung của quốc gia, dân tộc, đáng buồn là có một số ít người từng được rèn luyện,
trưởng thành từ môi trường giáo dục XHCN. Họ, hoặc sau khi nghỉ hưu, nghỉ việc,
hoặc bất mãn vì một lý do nào đó, đã lên mạng “hóng hớt” những thông tin tiêu cực,
sai trái để làm chất liệu phát ngôn. Bằng kiểu lập ngôn bóng gió, suy diễn, ám
chỉ…, những bài viết trên các tài khoản mạng xã hội của họ thể hiện sự hằn học
với lãnh đạo Chính phủ, hả hê trước những khó khăn của đất nước, gián tiếp cổ
xúy những hành vi thù địch. Kiểu lập ngôn bóng gió, mỉa mai, ám chỉ… nhằm che
giấu bằng chứng theo kiểu “nói vậy mà không phải vậy” nguy hại như loài nấm độc
trên không gian mạng. Với những hành vi ấy, họ đang tự rút tấm ván trên mặt cây
cầu họ đang đi. Nếu không sớm thức tỉnh, dừng lại, sớm muộn họ cũng tự đưa chân
vào lỗ hổng, gieo mình xuống vực sâu.
Đất nước ta đang phải đối mặt với nhiều khó
khăn, thách thức do hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19 và những biến động bất
ổn cục bộ trên thế giới. Để đưa đất nước vượt qua khó khăn, lãnh đạo Đảng, Nhà
nước, Chính phủ đã nỗ lực triển khai các chủ trương, giải pháp phục hồi, phát
triển kinh tế-xã hội. Thúc đẩy các hoạt động ngoại giao quan trọng nhằm mở rộng
hợp tác quốc tế, tăng cường tiềm lực, vị thế và uy tín quốc gia là vấn đề mang
tính chiến lược. Những kết quả đạt được trên thực tế xuất phát từ chủ trương
đúng đắn ấy đã góp phần củng cố niềm tin vững chắc trong toàn Đảng, toàn dân,
toàn quân, nhất định chúng ta sẽ vượt qua thách thức, hoàn thành các mục tiêu
kinh tế-xã hội mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Tuy nhiên, trong bối cảnh chung đó, không ít đối
tượng có tư tưởng cực đoan, bất mãn lại bám vào những thông tin tiêu cực từ hải
ngoại để móc nối, cấu kết với các thế lực bên ngoài, quyết liệt thực hiện các
chiến dịch chống phá Đảng, Nhà nước theo kiểu “nội công ngoại kích”. Đó chính
là những hành động tiếp tay cho các thế lực thù địch nhằm bôi nhọ, hạ thấp uy
tín của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sử dụng cờ của ngụy quyền Sài Gòn trước năm
1975 nhằm tôn vinh thứ “thây ma” đã chết từ lâu, vẽ ra một tương lai ảo để lừa bịp,
lôi kéo những người nhẹ dạ cả tin và những đối tượng có tư tưởng bất mãn.
Trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Đảng
ta đã cảnh báo vấn đề này: “Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống
dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn,
nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu,
thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”.
Không khó để nhận diện kiểu dựa hơi, thừa cơ
“rút ván” của những đối tượng cực đoan, bất mãn, dù họ đã cố tình ngụy trang bằng
kiểu lập ngôn lấp lửng, ám chỉ, bóng gió… Bằng nhận thức, bản lĩnh và niềm tin
vào nền tảng tư tưởng của Đảng, chiến lược hành động của Chính phủ trong giai
đoạn mới, mỗi cán bộ, đảng viên, công dân yêu nước hãy cùng lan truyền năng lượng
tích cực trong đời sống xã hội theo tinh thần lấy xây để chống, lấy cái đẹp dẹp
cái xấu.
Cảnh tỉnh, nghiêm trị và đấu tranh ngăn chặn
Nhìn lại các vụ án xét xử những đối tượng phạm
tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” và “tuyên truyền chống Nhà nước
Cộng hòa XHCN Việt Nam” thời gian qua, chúng ta nhận thấy: Đa số các đối tượng
trước khi sa chân vào vực thẳm đều là những công dân được nuôi dưỡng, trưởng
thành trong môi trường giáo dục XHCN. Không ít đối tượng từng là trí thức, công
chức trong hệ thống chính trị, có ảnh hưởng xã hội nhất định. Chỉ vì bất mãn do
tham vọng cá nhân không được đáp ứng hoặc mâu thuẫn với tổ chức nên đã trở cờ,
biến mình thành con rối cho các thế lực thù địch giật dây, phản bội lại lý tưởng,
lẽ sống của chính bản thân và gia đình.
Thời gian gần đây, nhiều tài khoản trên các nền
tảng mạng xã hội chia sẻ thông tin liên quan đến đối tượng “mẹ Nấm” (còn có tên
khác là “mụ Nấm”, tên thật là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh). Theo đó, nhân vật từng
gây “bão” trên một số phương tiện truyền thông phát tiếng Việt có tư tưởng thù
địch ở hải ngoại và nhiều tài khoản mạng xã hội mấy năm trước hiện đã “vỡ mộng”
ở xứ người. Sau khi mãn hạn tù, năm 2018, “mụ Nấm” sang Mỹ định cư. Thời gian đầu,
“mụ Nấm” được các thế lực thù địch tung hô là “người hùng”. Nhưng rồi như một
miếng chanh bị vắt hết nước, khi không còn giá trị lợi dụng, “mụ Nấm” đã bị
chính những người từng tung hô mình tẩy chay, ruồng bỏ, sống ê chề, nhục nhã.
Đó là cái giá tất yếu phải trả cho thái độ vô ơn, ngông cuồng, ngạo mạn, tự chối
bỏ quê hương, đất nước. “Mụ Nấm” là điển hình của kiểu tự rút ván dưới chân
mình, sa vào lỗ hổng để cuộc đời rơi xuống vực sâu, đến khi ân hận thì đã muộn.
Mong rằng những đối tượng trót đưa tay nhúng
chàm, có tư tưởng bất mãn, đang thực hiện các hành vi đi ngược lại lợi ích quốc
gia, dân tộc, hãy nhìn những bài học nhãn tiền như vậy để điều chỉnh thái độ,
hành vi, quay đầu là bờ…
Mấy ngày nay, dư luận xã hội quan tâm đến vụ đối
tượng Trương Văn Dũng (58 tuổi, ngụ tại phường Nam Đồng, quận Đống Đa, TP Hà Nội)
bị Công an TP Hà Nội ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam để điều tra vì
tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam theo Điều 88, Bộ luật
Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009. Trương Văn Dũng là đối tượng từng
có tiền án, tiền sự, trình độ văn hóa thấp. Vì những mâu thuẫn về quyền lợi
kinh tế trong cuộc sống nên bất mãn, Dũng được các thế lực thù địch phỉnh nịnh,
tung hô dẫn đến ảo tưởng, ngày càng lấn sâu, điên cuồng thực hiện các hành vi
tuyên truyền, chống phá Đảng, Nhà nước. Nếu chí thú làm ăn, chấp hành luật
pháp, Trương Văn Dũng hoàn toàn có đủ điều kiện và khả năng để xây dựng cuộc sống
gia đình ổn định. Thế nhưng, chỉ vì ăn phải thứ “bánh vẽ” ảo tưởng do các thế lực
thù địch bày ra, y đã tiếp tay, “nối giáo cho giặc”. Với những đối tượng “ngựa
quen đường cũ”, không chịu ăn năn, hối cải như Trương Văn Dũng, pháp luật cần
nghiêm trị để răn đe.
Chiến lược thích ứng an toàn với dịch Covid-19,
khôi phục các hoạt động kinh tế-xã hội trong trạng thái bình thường mới đã và
đang đặt ra nhiều thách thức, tất yếu phát sinh những bất cập trong đời sống xã
hội. Những bất cập, hạn chế, điểm nghẽn trong quản lý nhà nước luôn là cái cớ để
các thế lực thù địch tập trung khai thác, xuyên tạc, chống phá. Chiến dịch tung
tin giả, chiêu trò xuyên tạc, thổi phồng, bóp méo sự thật, bôi đen chế độ, kích
động biểu tình, gây rối, bạo loạn… đã và đang được các đối tượng phản động lưu
vong ráo riết thực hiện. Mỗi cán bộ, đảng viên và công dân yêu nước cần tỉnh
táo, nhận diện rõ sự thật. Hành vi “rút ván” làm tổn hại lợi ích quốc gia, dân
tộc của những đối tượng cực đoan, bất mãn cần sớm được nhận diện, đấu tranh
ngăn chặn hiệu quả bằng sự tỉnh táo và sức mạnh đoàn kết ngay từ mỗi tổ chức cơ
sở đảng, mỗi cộng đồng dân cư, tổ chức xã hội, nghề nghiệp…
PTC-H8
0 nhận xét:
Đăng nhận xét