CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Tư, 22 tháng 9, 2021

TRUNG QUỐC ĐỪNG MONG THỰC HIỆN KIỂM SOÁT ĐI LẠI Ở BIỂN ĐÔNG

 

Vừa qua Trung Quốc đòi kiểm soát các tàu bè nước ngoài đi vào cái gọi là "vùng lãnh hải" của nước này sẽ không được các nước tuân theo, tương tự như những gì đã xảy ra khi Bắc Kinh tuyên bố thiết lập Vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông.

Thời gian gần đây Trung Quốc thông báo triển khai các quy định bổ sung trong luật an toàn hàng hải của nước này. Trong đó có những yêu cầu nhằm kiểm soát hoạt động của tàu nước ngoài đi vào cái mà Bắc Kinh gọi là "vùng lãnh hải” của Trung Quốc. Quy định bổ sung này chính thức có hiệu lực từ ngày 1/9.

Cụ thể, theo Cơ quan an toàn hàng hải (MSA) Trung Quốc, quy định mới yêu cầu tàu nước ngoài vào "vùng lãnh hải" Trung Quốc phải báo cáo thông tin về tàu và hàng hóa cho các cơ quan quản lý Trung Quốc.

Yêu cầu này áp dụng với các loại tàu ngầm, tàu hạt nhân, tàu chở vật liệu phóng xạ, hóa chất, dầu, khí đốt hóa lỏng và các chất độc hại khác, cũng như các tàu bị coi là mối đe dọa đối với an toàn giao thông hàng hải Trung Quốc.

Trung Quốc nêu rõ các tàu phải khai báo danh tính, số IMO (chuỗi ký tự xác định phân cấp của Tổ chức Hàng hải quốc tế cho một tàu), vị trí tàu, địa điểm và ngày giờ khởi hành, địa điểm sắp đến tiếp theo và ngày giờ dự kiến đến, số điện thoại vệ tinh, tên hàng hóa nguy hiểm và số lượng cụ thể.

Sau khi đi vào cái gọi là "vùng lãnh hải” của Trung Quốc, nếu hệ thống nhận diện tự động (AIS) trên tàu hoạt động tốt thì không cần khai báo. Với tàu không có AIS hoặc AIS bị hỏng, thủy thủ đoàn phải báo cáo danh tính, vị trí vào thời điểm báo cáo và tốc độ di chuyển cứ 2 tiếng/lần cho nhà chức trách Trung Quốc. Cần phải lưu ý rằng, Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố nhiều khu vực rộng lớn ở Biển Đông là "lãnh hải" của mình, bất chấp quy định của luật pháp quốc tế và phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế, bác bỏ yêu sách "đường chín đoạn" phi lý mà nước này đơn phương vẽ ra trên Biển Đông.

Đáng chú ý khác là trong số các loại tàu phải khai báo có "các tàu bị xác định có thể gây nguy hiểm cho an toàn giao thông hàng hải". Đây là một quy định rất mơ hồ, cho phép Trung Quốc diễn giải trong mọi trường hợp. Thực tế là chính quyền Trung Quốc cũng không nói rõ sẽ thực thi các quy định mới như thế nào nhưng cho biết họ sẽ áp dụng pháp luật nếu các tàu nước ngoài không tuân thủ.

Các nước trên Thế Giới  sẽ không tuân theo quy định Trung Quốc đặt ra

Collin Koh, một nhà nghiên cứu của Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, nhận định các “người chơi quan trọng”, bao gồm cả Mỹ sẽ không tuân theo quy định.

Trung Quốc sẽ thu về kết quả như họ từng nhận được khi tuyên bố thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông hồi năm 2013 – sự việc đã gây ra phản ứng dữ dội từ các nước, bao gồm cả Mỹ và Nhật Bản.

ADIZ liên quan đến việc xác định, định vị và kiểm soát máy bay vì mục đích an ninh, được Mỹ thực thi lần đầu tiên vào năm 1950, nhưng không được xác định bởi bất kỳ hiệp ước quốc tế nào và không được coi là vùng trời lãnh thổ quốc gia (không phận).

Hồi năm 2013, khi thông báo thiết lập ADIZ ở biển Hoa Đông, Trung Quốc nói rằng các máy bay nước ngoài, ngay cả khi hoạt động trong không phận quốc tế, nên khai báo thông tin với chính quyền Trung Quốc, nhưng thực tế việc này rất ít được thực hiện trong những năm gần đây.

Khi đó ông Koh nói: “Tôi không chắc quy định mới này có hiệu lực thực thi như thế nào khi tôi hình dung lại những gì đã xảy ra sau khi Trung Quốc tuyên bố thiếp lập ADIZ năm 2013. Các nhân tố chính và có ảnh hưởng lớn nhất trong khu vực khó có thể tuân thủ, đặc biệt là Mỹ - nước sẽ coi đó là một ví dụ khác về nỗ lực leo thang của Trung Quốc đối với quyền tài phán trên biển. Chúng ta cũng có thể thấy các cường quốc khác ngoài khu vực không coi trọng điều đó”.

Shi Yinhong, một chuyên gia về quan hệ quốc tế của Đại học Renmin ở Bắc Kinh cũng đồng ý rằng việc thực thi sẽ là một thách thức.

“Bất kỳ quốc gia nào có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông cũng như các nước phương Tây như Mỹ và Anh bác bỏ hầu hết các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc, sẽ không tuân theo quy định này,” Shi nói.

Năm 2016, phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế đã bác bỏ yêu sách phi lý của Trung Quốc về "các quyền lịch sử" đối với các vùng biển bao phủ 80% diện tích Biển Đông. Ông Koh cho rằng, quy định mới được thiết kế để củng cố quan điểm của Trung Quốc về “lãnh hải” và sẽ làm tăng nguy cơ bất ổn trong khu vực bởi Trung Quốc định nghĩa về vùng lãnh hải rất rộng, không hoàn toàn là vùng biển rộng 12 hải lý tiếp giáp đường cơ sở được nêu trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

“Nó sẽ liên quan đến việc Trung Quốc thực thi pháp luật ở những nơi mà nước này không có quyền theo UNCLOS 1982”, ông Koh bày tỏ quan điểm./.

Lân H8

0 nhận xét: