CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Hai, 26 tháng 4, 2021

NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ “DIỄN BIẾN HÒA BÌNH” CỦA CHỦ NGHĨA ĐẾ QUỐC VÀ CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH

Chiến lược “diễn biến hòa bình” ra đời vào cuối những năm 40 của thế kỷ XX, là một trong những chiến lược toàn cầu phản cách mạng của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch, nhằm lật đổ chế độ chính trị của các nước tiến bộ, trước hết là các nước xã hội chủ nghĩa.

“Diễn biến hòa bình” là chiến lược cơ bản nhằm lật đổ chế độ chính trị của các nước tiến bộ, trước hết là các nước xã hội chủ nghĩa từ bên trong, chủ yếu bằng các biện pháp phi quân sự do chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động tiến hành.

Vị trí của chiến lược “diễn biến hòa bình”: Là một chiến lược phản động nằm trong chiến lược toàn cầu phản cách mạng của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động tiến hành.

Đối tượng của chiến lược “diễn biến hòa bình”: Các nước xã hội chủ nghĩa và các “chính thể” không theo sự chỉ đạo của Mỹ và Phương Tây.

Mục tiêu của chiến lược “diễn biến hòa bình”: Xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa thay bằng chế độ tư bản chủ nghĩa ở các nước chủ nghĩa xã hội, thay thế các “chính thể” chống đối bằng những “chính thể” mới “thân” Mỹ và Phương Tây.

Chủ thể của chiến lược “diễn biến hòa bình”: Là chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động, đứng đầu là Mỹ tiến hành. Hiện nay chủ thể của  “diễn biến hòa bình” còn có cả các nước theo chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, bành trướng và bá quyền.

Thực chất của chiến lược “diễn biến hòa bình” là hòng che đậy bản chất của chủ nghĩa đế quốc, gây mơ hồ ảo tưởng, dao động về mục tiêu lý tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân lao động, thực hiện sự thẩm thấu hòa bình, làm cho các nước tiến bộ, trước hết là các nước xã hội chủ nghĩa, từng bước chuyển hóa thành chế độ tư bản chủ nghĩa. Đối với các “chính thể” không đi theo sự chỉ đạo của chúng buộc phải đi theo sự chỉ đạo của chúng hoặc sẽ bị thay thế bằng một “chính thể” khác.

Chiến lược “diễn biến hòa bình” được gọi bằng nhiều tên gọi khác nhau như: “chiến tranh không tiếng súng”, “cuộc chiến không biên giới”, “chiến tranh nhung lụa”, “cách mạng màu sắc”, “chuyển hóa hòa bình”…                             

Từ sau năm 2000 đến nay, Mỹ và một số nước phương Tây đã thực hiện thành công nhiều cuộc “cách mạng sắc màu”. Ðầu tiên là cuộc “cách mạng nhung” ở Nam Tư năm 2000, sau đó liên tiếp là “cách mạng hoa hồng” tại Gruzia năm 2003; “cách mạng cam” tại Ukraine năm 2004; “cách mạng hoa Tulip” ở Kyzgyzstan năm 2005… và lan rộng sang khu vực Trung Ðông với “cách mạng cây tuyết tùng” vào năm 2005 tại Lebanon; “cách mạng xanh” ở Kuwait năm 2005… rồi “Mùa xuân Ả-rập” đến nay đã tràn qua 20/22 quốc gia vùng Arab khiến hiện nay nhiều quốc gia tại vùng Ả-rập vẫn khủng hoảng chính trị, xảy ra chiến tranh, bạo lực, khủng bố hoặc có nguy cơ chiến tranh                        

Tại châu Á, cuộc xuống đường của phe áo vàng, áo đỏ ở Thái Lan khiến chính quyền của anh em nhà Thaksin mất quyền kiểm soát, tạo cớ cho phe quân sự đảo chính (2015). Tuy nhiên, thực tế trước đó âm mưu tiến hành cuộc “cách mạng màu sắc” đã được thử nghiệm tại Ba Lan (1981), Tiệp Khắc (1989) và tại Trung Quốc qua “Sự kiện Thiên An Môn” (1989).                                                

Phương thức tiến hành của chiến lược “diễn biến hoà bình” rất đa dạng, phức tạp, thâm độc, làm cho chế độ chính trị - xã hội ở các nước mục ruỗng từ bên trong, tự xụp đổ theo kiểu “chiến thắng không cần chiến tranh”. Chúng sử dụng triệt để chủ nghĩa dân túy - trào lưu tư tưởng đường lối chính trị mang tính mị dân, tác động vào tâm lý đám đông để tổ chức kêu gọi lôi kéo quần chúng nhân dân với mục đích chính trị cá nhân; chuyển trọng tâm từ bên ngoài tác động vào bên trong các nước sang thúc đẩy các hoạt động chống đối ngay bên trong nội địa, trong nội bộ và nội địa là chính; hình thành lực lượng đối lập sẵn sàng cho một cuộc bầu cử, kích động các cuộc bầu cử, tẩy chay không công nhận kết quả bầu cử; gây sức ép về kinh tế - tài chính và tiến công mạng thông tin; triệt để sử dụng các trang mạng xã hội trên internet và vai trò các tổ chức phi chính phủ để thúc đẩy xã hội dân sự.

Đối với Việt Nam: Chúng móc nối, kích động để nhiều người nhiều đối tượng cùng tham gia viết bài tuyên truyền đi trái với quan điểm của Đảng. Đồng thời, chúng đẩy mạnh tuyên truyền gieo rắc chủ nghĩa thực dụng văn hóa phương tây. Cùng với các thủ đoạn trên các thế lực thù địch còn lợi dụng lòng yêu nước cực đoan, hay một số sơ hở hạn chế của chính quyền cơ sở tạo sự kiện để kích động. Chẳng hạn: Vụ biểu tình đập phá có biểu hiện bạo loạn gần đây ở Bình Dương (2014), Hà Tĩnh (2016), Bình Thuận (6/2018).

  Tính chất của chiến lược “diễn biến hoà bình” là một cuộc đấu tranh giai cấp hết sức gay go quyết liệt, phức tạp, không phân tuyến, kẻ thù vừa trực diện, vừa dấu mặt, vừa công khai, vừa bí mật, len lỏi vào các lĩnh vực, các lực lượng, ở mọi lúc, mọi nơi, đối với mọi tổ chức và từng con người, kết hợp giữa lực lượng bên trong với lực lượng bên ngoài để chống phá ta.

Tư tưởng chỉ đạo của chiến lược “diễn biến hoà bình”: Là chủ động, tiếp cận, chọn lọc, êm thấm, chú trọng kết hợp "diễn biến hoà bình", với bạo loạn lật đổ.

Phương châm của chiến lược “diễn biến hoà bình”: Là đánh mềm, đánh ngầm, đánh sâu, đánh hiểm, đánh có trọng điểm. Đánh sâu: leo cao chui sâu như Gópbachôp (Liên Xô), Nôxacađa (Rumani), Rubôta (Ba Lan).

Thủ đoạn và biện pháp của chiến lược “diễn biến hòa bình”: Là chống phá toàn diện, nhưng mũi nhọn then chốt là chính trị, tư tưởng; trọng tâm là kinh tế và khoa học kỹ thuật. Hiện nay chúng đang tiến hành một chiến lược kết hợp “diễn biến hòa bình” với bạo loạn lật đổ và răn đe quân sự, khi có thời cơ tiến hành chiến tranh xâm lược với quy mô và cường độ khác nhau.

Do đó, chúng ta cần nắm rõ bản chất của chiến lược “diễn biến hòa bình” để đề cao tinh thần cảnh giác cách mạng, quán triệt và thực hiện nghiêm quan điểm của đảng; tăng cường đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động “diễn biến hoà bình” của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch; chủ động ngăn chặn, phản bác các thông tin, quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch./.

HDH.H2

0 nhận xét: