An ninh phi truyền thống (ANPTT)
là một khái niệm tương đối mới trong ngành khoa học nghiên cứu an ninh và
nghiên cứu quan hệ quốc tế của các học giả trên thế giới, khái niệm an ninh phi
truyền thống phản ánh nhận thức mới về an ninh quốc gia và thay đổi căn bản về
chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia theo mục tiêu hướng đến các mối đe dọa đối với
an ninh quốc gia
Trong suốt các chương trình nghị
sự, hội nghị diễn đàn mang tầm khu vực, quốc tế, trong các cuộc gặp song
phương, đa phương giữa các quốc gia khái niệm ANPTT xuất hiện thường xuyên với
các vấn đề điển hình như: Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, bênh truyền
nhiễm… Tuy nhiên xuất phát từ nhiều góc độ như: Thể chế chính trị, lập pháp,
thách thức về an ninh, quân sự đối với từng quốc gia, khu vực mà mỗi quốc gia
có cách nhìn, đánh giá khác nhau về ANPTT.
Tuy nhiên xuất phát từ thực tế
và quá trình phát triển trong giai đoạn hiện nay, các nghiên cứu về an ninh phi
truyền thống chỉ mới được phát triển, trong khi đó ANPTT lại liên quan nhiều
lĩnh vực, bao hàm nhiều thách thức an ninh mới như tội phạm có tổ chức xuyên quốc
gia, khủng bố, an ninh mạng và tội phạm sử dụng công nghệ cao, biến đổi khí hậu,
thiên tai, an ninh năng lượng, an ninh tài chính tiền tệ, an ninh lương thực,
an ninh thông tin… Các thách thức ANPTT đặt ra nhiều khó khăn cho công tác quản
trị của tất cả quốc gia trên thế giới; các thách thức này đang hàng ngày đe dọa
trực tiếp, nghiêm trọng đến sự tồn tại và phát triển bền vững, đến công tác bảo
vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Do đó cho đến nay các nhà nghiên
cứu tại Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung cho đến nay vẫn chưa đưa
ra được định nghĩa đồng nhất về an ninh phi truyền thống. Trên các diễn đàn,
nghị sự hay trong các nghiên cứu riêng lẻ của các học giả trên thế giới nói
chung mới chỉ để cập đến các khía cạnh của ANPTT. Tuy nhiên tựu chung lại thì
ANPTT có thể được đánh giá như sau: “An ninh phi truyền thống không phải là an
ninh quân sự, mà là an ninh tổng hợp, bao gồm: các mối đe dọa đến an ninh con
người và xã hội một cách toàn diện cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội,
quốc phòng - an ninh và môi trường sinh thái… Tổng hợp từ nhiều nghiên cứu khác
nhau, nội dung an ninh phi truyền thống bao gồm: Thiếu hụt tài nguyên, bùng
phát dân số, môi trường sinh thái suy giảm, xung đột tôn giáo, sắc tộc, bạo loạn
và ly khai trong nước, khủng hoảng kinh tế và tài chính tiền tệ, chủ nghĩa khủng
bố, tin tặc, phổ biến vũ khí giết người hàng loạt, nghèo đói, tội phạm ma túy,
tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm mới nổi, tội phạm mạng, di dân, tị nạn kinh tế,
dịch bệnh, tội phạm rửa tiền”.
An ninh phi truyền thống tại khu
vực Đông Nam Á và Việt Nam mang một tính chất rất khác so với các khu vực khác
trên thế giới do đây là khu vực có địa chính trị đặc biệt quan trọng, trong đó
sự tranh chấp ảnh hưởng giữa các cường quốc là yếu tố chính ảnh hưởng đến toàn
khu vực; kết hợp với nội tại khu vực Đông Nam Á là khu vực có nhiều quốc gia
đang phát triển, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn định dễ tác động đến an ninh quốc
gia của mỗi nước.
Việt Nam là một trong những quốc
gia chịu ảnh hưởng mạnh, trên phạm vi rộng của các nguy cơ, thách thức ANPTT.
Các thách thức ANPTT hiện hữu ngày càng rõ nét hơn và tác động trực tiếp đến mọi
lĩnh vực từ kinh tế, xã hội, văn hóa đến quốc phòng an ninh. Các nguy cơ, thách
thức ANPTT ở Việt Nam đang có những biến đổi theo chiều hướng bất lợi đối với
cuộc sống con người, thách thức sự phát triển bền vững của đất nước.
Các thách thức ANPTT phổ biến ở
Việt Nam hiện nay gồm: Biến đổi khí hậu, thiên tai, an ninh năng lượng, an ninh
nguồn nước, an ninh mạng và tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm có tổ chức
xuyên quốc gia… Nhận thức được vấn đề ANPTT từ rất sớm Đảng Cộng sản Việt Nam
đã sớm thể chế, lãnh đạo, chỉ đạo và cảnh báo các vấn đề này như tại Nghị quyết
số 08/NQ-TW, ngày 17/12/1998 của Bộ Chính trị khóa VIII; đồng thời thể chế vào
Nghị quyết Đại hội thứ XI, XII và đặc biệt, tại Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh
“Những vấn đề toàn cầu như: Bảo vệ hòa bình, an ninh con người, thiên tai, dịch
bệnh, an ninh xã hội và an ninh phi truyền thống, nhất là an ninh mạng, biến đổi
khí hậu, nước biển dâng, ô nhiễm môi trường… tiếp tục diễn biến phức tạp”. Từ
đó đặt ra yêu cầu “sẵn sàng ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh truyền
thống và phi truyền thống…”. Điều này thể hiện tư duy, nhận thức vừa mới, vừa
sâu sắc và toàn diện của Đảng ta về vai trò, vị trí của ANPTT đối với sự nghiệp
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phù hợp với chủ trương “bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ
xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy”.
Biểu hiện rõ ràng nhất của ANPTT
trong thời gian vừa qua là cách thức các quốc gia ứng phó với “Đại dịch
Covid-19” điển hình như hầu hết các quốc gia đều hạn chế tự do đi lại, tiếp
xúc, thiết lập các khu cách ly, khu điều trị trên diện rộng từ đó kéo theo một
loạt các vấn đề về an sinh xã hội, phát triển kinh tế, thâm hụt GDP… dẫn đến
nguy cơ mất an ninh quốc gia luôn hiện hữu nếu khống chế không thành công đại dịch.
Tại Việt Nam, ANPTT tại các khu công nghiệp trong thời gian chống dịch Covid-19
và phục hồi sau dịch là vấn đề rất nóng, các cuộc biểu tình, đình công, lãn
công của công nhân diễn ra dưới sự tác động, tiếp sức của các thế lực bên ngoài
thực hiện diễn biến hoà bình tại các khu công nghiệp cũng thể hiện phần nào một
khía cạnh của ANPTT trong tình hình hiện nay.
Trong tương lai dự báo các thách
thức ANPTT sẽ ngày càng gia tăng nghiêm trọng, sẽ có những diễn biến tiêu cực,
khó lường, khó kiểm soát. Chính vì vậy, để giảm thiểu tối đa những tác động do
ANPTT có thể gây ra yêu cầu phát hiện, xử lý, khắc phục kịp thời các vấn đề nội
tại là yêu cầu cao nhất với tôn chỉ “giữ vững bên trong là chính” bảo đảm an
ninh quốc gia từ sớm, từ xa, an ninh chủ động. Đồng thời cấp uỷ, chính quyền
các cấp cần sâu sát với nhân dân, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng từ cơ sở đảm bảo
trong sạch, vững mạnh. Phải chủ động, tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế để
nâng cao hiệu phát hiện, nhận diện các thách thức ANPTT, các yếu tố tác động từ
sớm, từ xã để phối hợp, khắc phục, giải quyết triệt để các vấn đề ANPTT trong
tình hình mới./.
TMN-H4
0 nhận xét:
Đăng nhận xét