CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Năm, 18 tháng 3, 2021

VIỆT NAM ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN, HƯỚNG TỚI TRỞ THÀNH QUỐC GIA MẠNH VỀ BIỂN

 


Việt Nam là quốc gia ven biển, có bờ biển dài trên 3.260 km, diện tích các vùng lãnh hải thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên 1 triệu km2, với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và trên 3.000 đảo, quần đảo khác. Nhận thức sâu sắc vai trò của biển, đảo trong phát triển bền vững, ngày 22 tháng 10 năm 2018, Việt Nam đã ban hành Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 36-NQ/TW). Cụ thể hoá Nghị quyết 36-NQ/TW, ngày 05 tháng 3 năm 2020 Chính phủ đã Ban hành Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW. Có thể thấy, sau hơn hai năm thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW, hệ thống chính sách, pháp luật, bộ máy quản lý nhà nước về biển, đảo từng bước được hoàn thiện và phát huy hiệu lực, hiệu quả.

Đến nay, kinh tế biển Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ. Điều đó thể hiện ở những đóng góp của kinh tế biển trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Cụ thể:

Việt Nam đã và đang xây dựng 19 khu kinh tế ven biển (mới nhất là Khu kinh tế ven biển Quảng Yên - Quảng Ninh). Số liệu thống kê cho thấy, đóng góp của 28 tỉnh, thành phố ven biển vào GDP cả nước luôn đạt trên 50%[1]. Cơ sở hạ tầng tại các địa phương ven biển được hình thành, mạng lưới giao thông vận tải kết nối các vùng biển, đảo với ven biển, cảng biển, cảng hàng không, các trung tâm kinh tế được phát triển, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội.

Về phát triển kinh tế thuỷ sản, tính đến hết năm 2019, kinh tế thuỷ sản đóng góp 24,4% GDP toàn ngành nông nghiệp, tương ứng 3,4% GDP toàn quốc. Giai đoạn 2015 - 2019, tăng trưởng bình quân đạt 5,3%/năm. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 8,6 tỷ USD, đạt mục tiêu Chiến lược thủy sản đề ra (đến năm 2020 đạt từ 8 - 9 tỷ USD)[2].

Về khai thác dầu khí trên các vùng biển của Việt Nam, giai đoạn 2006 -2015, ngành khai thác dầu khí đóng góp trung bình hàng năm khoảng 20 - 25% tổng thu ngân sách và 18-20% GDP của cả nước. Năm 2018, ngành Dầu khí đã khai thác được gần 400 triệu tấn dầu và 150 tỷ m3 khí, đáp ứng nhu cầu năng lượng cho sản xuất 170 tỷ kWh điện (chiếm khoảng 15% tổng công suất lắp đặt và 30% tổng sản lượng điện cả nước), sản xuất khoảng 55 triệu tấn sản phẩm xăng dầu (chiếm 33% tổng nhu cầu cả nước)[3].

Về du lịch biển, đảo, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 27 trong số 156 quốc gia có biển trên thế giới và là nước có diện tích ven biển lớn ở khu vực Đông Nam Á; có 125 bãi biển và hầu hết là các bãi tắm đẹp, trong đó bãi biển Đà Nẵng đã được Tạp chí Forbes bầu chọn là 1 trong 6 bãi tắm quyến rũ nhất hành tinh; là 1 trong 12 quốc gia có các vịnh đẹp nhất thế giới là Vịnh Hạ Long, Vịnh Nha Trang[4]. Với những tiềm năng to lớn, du lịch biển, đảo hứa hẹn đóng góp to lớn vào phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam.

Với những kết quả đã đạt được, có thể khẳng định, Việt Nam phát triển kinh tế biển, một mặt, tận dụng và phát huy được những lợi thế so sánh về biển trong phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia mạnh về biển. Mặt khác, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc./.

ToH3



[1] Viện Chiến lược và Chính sách tài chính - Bộ Tài chính: https://www.mof.gov.vn

[2] Viện Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản - Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn: http://vifep.com.vn

[3] Báo Nhân dân: https://nhandan.com.vn/

[4] Hiệp hội Lữ hành Việt Nam: http://www.vista.net.vn/

0 nhận xét: