CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Hai, 22 tháng 3, 2021

XÂY DỰNG BẦU KHÔNG KHÍ TÂM LÝ TÍCH CỰC LÀNH MẠNH TRONG CÁC TẬP THỂ QUÂN NHÂN ĐỂ PHÁT HUY NHÂN TỐ CON NGƯỜI


Phát huy nhân tố con người là một trong những quan điểm xuyên suốt của Đảng ta trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước cũng như trong xây dựng quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”. Đảng ta đã xác định và nhiều lần tái khẳng định: con người là “yếu tố cơ bản để phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế”, con người là “vốn quý” giữ vau trò quyết định cho sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, nhân tố con người chỉ được phát huy trong những điều kiện nhất định, trong đó có các điều kiện tâm lý – xã hội. Trong quân đội, xây dựng bầu không khí tâm lý của tập thể vừa là điều kiện, vừa là biểu hiện về mức độ phát huy nhân tố con người.

Thuật ngữ bầu không khí tâm lý của tập thể được quan niệm là trạng thái tâm lý của tập thể với tư cách là đặc trưng của những mối quan hệ giữa con người với con người trong hoạt động cùng nhau nói lên đời sống tinh thần của tập thể. Bầu không khí tâm lý của tập thể là sự biểu hiện tập trung nhất tính chất chất của các quan hệ người - người trong tập thể, sự tôn trọng tin tưởng hoặc không tôn trọng, không tin tưởng lẫn nhau, mức độ của sự quan tâm đến nhau và hết lòng vì nhau, vì sự nghiệp chung. Không đơn thuần chỉ là sự biểu hiện tập trung của các hiện tượng tâm lí mà còn phản ánh khá sinh động cả những nhân tố chính trị, tư tưởng và đạo đức của tập thể.

Đối với quá trình hoạt động lãnh đạo - quản lí bộ đội thì ảnh hưởng của bầu không khí tâm lí là vô cùng to lớn. Khi bầu không khí tích cực lành mạnh, con người sống thiện cảm và tin tưởng lẫn nhau thì quần chúng sẽ tin tưởng vào chỉ huy, lãnh đạo, tính tích cực sáng tạo và năng lực hoạt động của họ được phát huy. Còn ngược lại, bầu không khí tâm lý tẻ nhạt, tiêu điều sẽ là nguyên nhân của những thất bại trong công việc, của sự lộn xộn trong tổ chức hoạt động và rất dễ xuất hiện các hành vi phản ứng ngược với các yêu cầu của lãnh đạo- quản lí. Cao hơn, có thể dẫn đến xung đột tâm lí dưới các hình thức khác nhau trong tập thể. Bầu không khí tích cực lành mạnh của tập thể có ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến sự hình thành tâm trạng tích cực của tập thể. Các nhà tâm lý học quân sự đã chỉ ra rằng: Sức sống thực sự  của một tập thể quân sự suy cho cùng được thể hiện ở bầu tâm lý đó. Ngoài các nguyên nhân chính trị - tư tưởng, đạo đức thì nguyên nhân tâm lí cơ bản dẫn đến bầu không khí tâm lí tiêu cực trong hoạt động lãnh đạo- quản lí có thể kể đến: Do thiếu sót từ phía người lãnh đạo - quản lí, hoặc tập thể lãnh đạo - quản lý như thói quan liêu, quan hệ thiếu tế nhị, thiếu công bằng, phân công công việc không rõ ràng, không hợp lý…Do lỗi của các thành viên trong tập thể như thói gièm pha hoặc thiếu lịch sự, trạng thái vô công rồi nghề hoặc dựa dẫm, do hành vi thiếu trung thực, thái độ cẩu thả trong công việc. Do không có sự tương hợp tâm lí trong quá trình sống và sinh hoạt chung, sự đối lập về tính cách , phong cách sinh hoạt, do có sự định kiến lẫn nhau…

Xây dựng bầu không khí tâm lý tích cực lành mạnh trong tập thể quân sự là điều kiện quan trọng cho để phát huy nhân tố con người, để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ giáo dục nhân cách quân nhân. Cho nên xây dựng Bầu không khí tâm lý tích cực lành mạnh trong tập thể quân sự không chỉ là trách nhiệm của cán bộ chỉ huy, cán bộ chính trị ở đơn vị cơ sở, mà trước hết là người chính uỷ, chính trị viên cần tác động vào tâm lý của tập thể theo các hướng chủ yếu sau đây:

Một là, đưa nội dung của bầu không khí tâm lý tích cực lành mạnh vào các nội dung xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.

Bầu không khí là bộ mặt tinh thần – tâm lý của tập thể, phản ánh trạng thái của tất cả các hiện tượng tâm lý – xã hội đang tồn tại và phát triển trong hoạt động và sinh hoạt chung. Do đó, nội dung biểu hiện của nó là hết sức rộng lớn và phức tạp. Tuy nhiên, có thể nhận ra những nội dung biểu hiện chủ yéu của nó là: Thái độ quan tâm lẫn nhau, mức độ sẵn sàng chia sẻ khó khăn, đoàn kết giúp đỡ nhau trong hoạt động và sinh hoạt; Thái độ đòi hỏi lẫn nhau trong hoạt động vì tập thể; Đấu tranh vì nhau, không cả nể, không dung túng cho nhau làm việc xấu.

Thái độ quan tâm giúp đỡ lẫn nhau, chia ngọt, sẻ bùi, tinh thần đoàn kết nhất trí cao trong các tập thể là bản chất của các mối quan hệ trong quân đội ta. Không có một trạng thái tâm lý nào của tập thể không phụ thuộc vào những yếu tố trên. Nhìn nhận, phân tích đánh giá trạng thái tinh thần của tập thể, trong đó có bầu không khí tâm lý, trước hết phải nhận rõ mức độ của sự tôn trọng, ủng hộ và giúp đỡ lẫn nhau, sự thông cảm với nhau trong cuộc sống và  hoạt động, nhất là trong những lúc khó khăn gian khổ. Mọi người trong tập thể hiểu nhau, có thiện chí và sống tốt với nhau thì họ sẽ ít phẫn nộ với nhau về một điều nhỏ nào đó và sẽ tạo ra sự gắn bó giữa các thành viên thì tình trạng bất ổn, mất đoàn kết sẽ giảm đi nhiều và tập thể không còn khô khan và lạnh lùng và toan tính nữa mà mang đầy tính nhân văn. Khi con người không còn quan tâm đến nhau, cấp trên thờ ơ với nguyện vọng và nhu cầu của quần chúng, chiến sĩ thờ ơ trước thành công hay thất bại, hoàn thành hay không hoàn thành nhiệm vụ của tập thể và đồng ngũ, không xúc động trước tình cảm con người… Thì tập thể sẽ ngay lập tức rơi vào trạng thái tâm lý tiêu cực, với bầu không khí lạnh nhạt, ảm đạm, giảm sút nhiệt tình trong công tác và gây buồn chán.

Đối với các tập thể quân sự thì  quan tâm và yêu cầu cao lẫn nhau là hai yêu cầu song hành. Không thể chỉ quan tâm lẫn nhau mà lại không có yêu cầu cao đối với nhau trong một tập thể phải đảm nhiệm một chức năng chính trị xã hội cực kỳ phức tạp. Nếu chỉ thiên về phía quan tâm lẫn nhau sẽ đưa tập thể vào trạng thái tình cảm vô hướng. Ngược lại, thuần tuý chỉ yêu cầu cao mà thiếu quan tâm lẫn nhau sẽ đẩy tập thể đến trạng thái tâm lý căng thẳng rất bất lợi trong tập thể ảnh hưởng đến việc hoàn thành nhiệm vụ.

Yêu cầu cao không đơn giản chỉ là yêu cầu của cấp trên đối với cấp dưới, của lãnh đạo chỉ huy đối với bị lãnh đạo và phục tùng, mà còn cả chiều ngược lại và trong yêu cầu lẫn nhau giữa cá nhân với cá nhân, giữa các tập thể với tập thể trong hoạt động và sinh hoạt. Yêu cầu cao phải xuất phát từ trách nhiệm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, từ yêu cầu của kỉ luật quân đội, từ thành tích chung của tập thể chứ không thể từ ý muốn chủ quan của người lãnh đạo-quản lí. Yêu cầu cao và quan tâm lẫn nhau là sự biểu hiện tập trung nhất các nội dung của bầu không khí tâm lí tập thể quân sự.

Nhãn quan chính trị rộng cho phép người lãnh đạo quản lý, cũng như mọi thành viên trong các tập thể quân sự hiểu rằng chỉ có được tập thể phát triển lành mạnh với bầu không khí tâm lí tích cực khi ở đó có sự đấu tranh tích cực vì nhau. Nếu trong tập thể, người ta bỏ qua những hiện tượng sai trái, các hành vi tiêu cực, thậm chí bao che cho nhau, hoặc dung dưỡng sai lầm của một số người được ưa thích sẽ dẫn đến một trạng thái lộn xộn hay “dĩ hoà vi quý”, thậm chí rơi vào tình trạng vô kỉ luật, lỏng lẻo vô tổ chức.

Hai là, tổ chức tốt các hoạt động chung cho tập thể cơ sở quân nhân.

Bất kỳ tập thể nào cũng chỉ có thể phát triển và trưởng thành trong hoạt động và giao tiếp xã hội. Tuy nhiên, xu hướng và tốc độ phát triển của nó lại phụ thuộc một cách tất yếu vào năng lực tổ chức hoạt động tập thể của bộ phận chỉ huy, lãnh đạo. Bầu không khí lành mạnh trong tập thể quân sự là những cảm xúc tích cực bền vững của cán bộ chíên sĩ trong quá trình sống và hoạt động chung. Chỉ có trong bầu không khí lành mạnh con người mới tích cực hoạt động và các mục tiêu lãnh đạo quản lý mới đạt được kết quả cao. Do vậy, tập thể cơ sở quân nhân chỉ có thể trưởng thành và phát triển thông qua các hoạt động chung, mặt khác thông qua tổ chức tốt các hoạt động chung mà các hiện tượng tâm lí xã hội trong tập thể hình thành và phát huy tác dụng ảnh hưởng của nó.

Các hoạt động chung cần phải đa dạng, phong phú, thiết thực đối với tập thể cơ sở. Thông qua các hoạt động học tập chính trị, huấn luyện quân sự, rèn luyện kỷ luật, quan hệ, giao l­ưu, kết nghĩa củng cố địa bàn chính trị.... mà hình thành sự tương đồng tâm lí, tính kỷ luật, tinh thần đoàn kết, bầu không khí tâm lí tích cực lành mạnh trong đơn vị. Các nề nếp, những thói quen tốt được hình thành trên cơ sở các mặt hoạt động được tổ chức chặt chẽ, nghiêm túc, đúng đòi hỏi của điều lệnh quân đội, phù hợp với đặc điểm tâm lí của chiến sĩ trẻ.

Đi theo hướng này cần giáo dục uốn ắn bộ đội nhằm phát huy tinh thần làm chủ tập thể của mọi quân nhân. Mặt khác, định hướng chỉ  đạo cho các tập thể cơ sở quân nhân đưa chúng vào chỉ tiêu phong trào thi đua. Vì vậy, trong mọi mặt hoạt động và đời sống vật chất tinh thần của tập thể phải hướng vào vì lợi ích, mục đích chung của tập thể, quan tâm đầy đủ đến nhu cầu, nguyện vọng và sự tiến bộ của mọi thành viên, chống mọi biểu hiện cá nhân chủ nghĩa, cục bộ bản vị địa phương đi ngược với yêu cầu nhiệm vụ của tập thể. Trong thực tiễn ở đơn vị cơ sở để nâng cao hiệu quả tổ chức các hoạt động cho tập thể đòi hỏi sự phối hợp, hiệp tác giữa các bộ phận, các đơn vị đồng thời thực hiện sự quản lý chặt chẽ, thực hành công bằng, dân chủ; cán bộ phải thường xuyên lắng nghe ý kiến của quần chúng, đáp ứng được các nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của chiến sĩ.

Việc tổ chức lao động và nghỉ ngơi một cách khoa học chẳng những là một yêu cầu quan trọng đối với hoạt động lãnh đạo quản lý của cán bộ cơ sở mà còn góp phần rất lớn để giải toả những căng thẳng tâm lý của mỗi thành viên, tạo dựng được bầu không khí tâm lý tích cực lành mạnh của tập thể.

Ba là, chăm lo xây dựng các bộ phận tích cực trong tập thể, trước hết là đội ngũ cán bộ, sĩ quan dưới quyền, các đảng viên, đoàn viên ưu tú.

Một thực tế mâu thuẫn hiện nay là thời gian gian và công sức mà chỉ huy lãnh đạo cơ sở phải bỏ ra để giải quyết các vụ việc tiêu cực là quá lớn. Trong khi đó, nhiệm vụ xây dựng đơn vị ngày càng nhiều và phức tạp. Một đơn vị mà vụ việc diễn ra quá nhiều thì khó có được bầu không khí sôi động và tích cực. Do đó, bất luận trong điều kiện nào thì chỉ huy lãnh đạo cũng cần đầu tư thời gian và công sức chủ yếu vào xây dựng và phát huy mặt tích cực và các bộ phận tích cực của tập thể. Lấy đó làm đầu tàu để lôi cuốn hoạt động của đơn vị điều đó có ý nghĩa nền tảng cho việc xây dựng bầu không khí tâm lý lành mạnh. Cần tích cực hoá vai trò, chức năng, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ sao cho những chủ thể này giữ vai trò chủ đạo trong xây dựng tập thể. Sao cho họ nắm chắc mục đích, nhiệm vụ của tập thể và hiện thực hoá nó trong quá trình thực hiện chức trách. Những cán bộ chủ trì cần phải phát hiện và nhận thức đúng những  mặt mạnh, mặt yếu, những hạn chế bất cập của tập thể do mình phụ trách, trên cơ sở đó bằng ảnh hưởng uy tín và sự nêu gư­­ơng mà hướng dẫn hoạt động của đơn vị theo đúng quỹ đạo của quân đội.

Cùng với hệ thống lãnh đạo, chỉ huy quân sự còn có vai trò của tổ chức quần chúng: đoàn thanh niên, công đoàn, hội đồng quân nhân đều có vai trò nhất định trong xây dựng tập thể cơ sở quân nhân. Muốn vậy cần động viên họ tích cực tham gia học tập chính trị, trong giáo dục từng chuyên đề tư tưởng gắn với từng giai đoạn huấn luyện cụ thể, gắn với từng mốc son truyền thống lịch sử trong nước và đơn vị nhằm chuyển biến biến nhận thức cho đoàn viên thanh niên. Mặt khác trong từng buổi họp của các tổ chức quần chúng này phải đảm bảo tính dân chủ trong đó mọi quân nhân có quyền được thông tin, bàn bạc, trao đổi, bộc lộ ý kiến cá nhân. Đa dạng hoá các hình thức sinh hoạt, thích hợp với tâm lý bộ đội để thay thế cho các cuộc họp có tính chất áp đặt, cung cấp thông tin một chiều.

Tăng cường tác động của bộ phận nòng cốt tích cực đồng thời với việc hạn chế ảnh hưởng của nhóm và các thủ lĩnh không chính thức tiêu cực. Muốn vậy cán bộ phải dựa vào đội ngũ nòng cốt tích cực, khai thác uy tín và ảnh hưởng của nó làm chỗ dựa trong giải quyết các vấn đề của tập thể, tiến hành phân hoá “nhóm chống đối”, hướng hoạt động của nhóm tiêu cực theo quỹ đạo của chuẩn mực xã hội, điều lệnh quân đội và mục đích của tập thể.

Để phát huy vai trò, ảnh hưởng của cán bộ chủ trì và đội ngũ nòng cốt tích cực cần kết hợp công tác giáo dục với tổ chức các phong trào thi đua của đơn vị, kịp thời biểu dương những cá nhân và tập thể có thành tích, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thực hành kỷ luật của các quân nhân. Đồng thời, bản thân người cán bộ chỉ huy, cán bộ chính trị phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu chỉ huy, quản lý, giáo dục bộ đội. Trong hoạt động luôn tự đặt ra yêu cầu cao đối với bản thân, luôn quan tâm đến mọi mặt đời sống của chiến sĩ, chống mọi biểu hiện cán bộ tự cho mình có quyền đặt ra những “chế độ riêng” không phù hợp với điều lệnh quân đội cũng nh­ư mục đích hoạt động của tập thể.

Bốn là, chủ động, tích cực định hướng và điều chỉnh các hiện tượng tâm lý tập thể trong các tập thể quân nhân.

Bộ mặt tâm lý của tập thể quân nhân là một trong những thành phần quan trọng nhất tạo nên sự đoàn kết thống nhất của tập thể, tạo nên khả năng chi phối của nó đối với hoạt động và sinh hoạt của mỗi thành viên.                                  Do đó, định hư­ớng và điều chỉnh các hiện tư­ợng tâm lý tập thể là những tác động trực tiếp nhất, cụ thể nhất đến bầu không khí của tập thể quân nhân. Trong thực tế cán bộ lãnh đạo, chỉ huy phải biết định hướng, điều khiển dư luận tập thể, biết sử dụng nó làm phương tiện vũ khí để quản lý chỉ huy đơn vị

Để điều chỉnh, định hướng một cách khoa học, làm cho các hiện tượng này phát triển theo chiều hướng tích cực đòi hỏi người chỉ huy và các cán bộ chính trị không chỉ cần nắm bắt được các quy luật hình thành và phát triển chúng, mà còn có các thủ thuật, nghệ thuật tác động phù hợp.

Bản chất của tâm lí nhóm (tập thể) được các nhà tâm lí học Mác xít giải thích dựa trên cơ sở quan niệm duy vật biện chứng về mối quan hệ giữa tồn tại xã hội và ý thức xã hội. Tâm lí tập thể là một phức hợp những hiện tượng tâm lí xã hội trong nội bộ tập thể, là biểu hiện của tâm lí xã hội. Tâm lí của nhóm người, tập thể người thuộc về tâm lí xã hội. Đó là sự biểu hiện của đời sống tinh thần của một nhóm người trong những điều kiện xã hội lịch sử nhất định.

Tâm lí tập thể thuộc tâm lí xã hội nhưng không phải là sự sao chép lại tâm lí xã hội một cách đầy đủ và cứng nhắc. Trong tâm lí tập thể quân nhân vừa phản ánh những điều kiện xã hội lịch sử chung của xã hội, dân tộc, giai cấp vừa phản ánh điều kiện sống và sinh hoạt riêng của tập thể.

 Tâm lí của tập thể quân sự Quân đội nhân dân Việt nam phản ánh những tác động và biến đổi của điều kiện xã hội lịch sử như­ điều kiện về kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, hệ tư tưởng, trào l­ưu, xu hướng xã hội.... đồng thời phản ánh những đặc điểm riêng của mỗi tập thể nh­ư: nhiệm vụ chính trị được giao, đời sống vật chất- tinh thần, phong cách lãnh đạo chỉ huy của cán bộ các cấp, trình độ văn hóa của quân nhân, các mối quan hệ qua lại giữa các thành viên. Những đặc điểm của hoạt động quân sự sẽ quy định quá trình hình thành và phát triển của các hiện tượng tâm lí tập thể trong tập thể quân nhân.

Hoạt động quân sự thuộc loại hoạt động chính trị - xã hội, mà nội dung hoạt của nó làm cho các quyền lợi cá nhân mang nội dung xã hội sâu sắc, giúp con người đánh giá các hành vi của mình theo quan điểm cộng đồng xã hội, giúp mỗi cán bộ, chiến sĩ ý thức đúng đắn hơn về mối quan hệ giữa mình với người khác. Với nội dung vô cùng phong phú, đa dạng hoạt động quân sự tạo ra khả năng phát triển toàn diện của mỗi cá nhân; lao động của các quân nhân xét về mặt tính chất rất gần gủi với lao động xã hội chủ nghĩa tạo cho con người có tinh thần “chí công vô tư”; trong hoạt động này cũng đòi hỏi con người phải thể hiện rõ tính cộng đồng, cộng tác, tính nhân văn, tình cản đồng chí đồng đội…

Các hiện tượng tâm lý tập thể trong các tập thể quân nhân rất đa dạng, phong phú; hình thành và phát triển hết sức năng động và xen kẽ lẫn nhau, tác động tương hỗ lên nhau nhưng thường bao gồm hai nhóm hiện tượng chủ yếu. Một là, những hiện tượng tâm lý nảy sinh chủ yếu từ các quan hệ liên nhân cách (quan hệ cá nhân - cá nhân) như: bắt chước, ám thị, ganh đua, tự khẳng định…; Hai là, những hiện tượng tâm lý hình thành và phát triển với một quá trình hoạt động chung và quan hệ qua lại trong tập thể. Điển hình là các hiện tượng: dư luận, tâm trạng, uy tín, truyền thống, thói quen…

Sự hình thành và phát triển các hiện tượng tâm lý trong tập thể quân sự chịu sự quy định của các quy luật cơ bản của sự hình thành các tập thể quân sự.

Quy luật chung của sự hình thành tập thể quân sự của Quân đội nhân dân Việt nam là những hoạt động tồn tại của nó và mối quan hệ qua lại giữa các quân nhân phải phù hợp với bản chất xã hội. Sự nhất trí về kinh tế, chính trị - xã hội và tư tưởng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân là điều kiện quyết định tính thống nhất về mặt xã hội của tập thể quân đội, sự nhất trí về quyền lợi và nghĩa vụ của cán bộ, chiến sĩ. Người cán bộ, sĩ quan xuất thân từ công nhân, nông dân, trí thức gắn liền với quyền lợi của người lao động, gắn liền với quyền lợi của những quân nhân phục vụ dưới quyền.

Sự hình thành tập thể quân sự tuân theo quy luật chung của định hướng xã hội chủ nghĩa: sự phù hợp giữa lợi ích xã hội và lợi ích cá nhân càng kết hợp nhịp nhàng với lợi ích của mỗi thành viên của tập thể quân sự bao nhiêu thì quá trình hình thành của tập thể lại càng được xúc tiến bấy nhiêu và tập thể lại nhanh chóng trở thành một gia đình đoàn kết hoà thuận bấy nhiêu. Sự phù hợp giữa lợi ích xã hội và lợi ích cá nhân cũng chính là tiền đề quan trọng nhất đảm bảo sự phát triển lành mạnh của các hiện tượng tâm lí tập thể. Người lãnh đạo quản lí tập thể quân sự không thể điều chỉnh tốt các hiện tượng tâm lí, cũng như sự đoàn kết thống nhất của tập thể một khi trong tập thể nảy sinh xung đột giữa lợi ích xã hội và lợi ích cá nhân, lợi ích giữa các bộ phận.

Sự hình thành và phát triển của các hiện tượng tâm lí trong các tập thể quân sự phụ thuộc một cách tất yếu vào sự chuẩn bị về chính trị- tư tưởng và chuẩn bị chiến đấu cho bộ đội.

Đời sống tinh thần của bộ đội là một cấu thành phức tạp với ba mặt chủ yếu: mặt chính trị- tư tưởng, mặt tinh thần chiến đấu và mặt tâm lý. Các mặt đó đều có sự phụ thuộc và quy định lẫn nhau, trong đó mặt chính trị- tư tưởng là chủ đạo, là cơ sở hình thành và phát triển các mặt khác. Mặt chính trị tư tưởng được hình thành và phát triển một cách khách quan nhờ toàn bộ chế độ xã hội của nó. Đồng thời, sự hình thành các phẩm chất chính trị tư tưởng là nhờ hệ thống công tác đảng, công tác chính trị, công tác giáo dục tư tưởng…Mặt tinh thần chiến đấu chủ yếu được hình thành nhờ hệ thống chuẩn bị chiến đấu, kết hợp với sự đảm bảo về mặt chính trị- tư tưởng và tâm lí trong huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu. Mặt tâm lí được biểu hiện cụ thể trong các phẩm chất chiến đấu và phẩm chất chính trị- tư tưởng, trong đặc điểm của các quá trình, trạng thái… tâm lí của tập thể. Các hiện tượng tâm lí- xã hội trong các tập thể quân sự được hình thành và phát triển trong các hoạt động của tập thể, là bộ mặt tinh thần của tập thể.

Đặc trưng trên đòi hỏi các nhà lãnh đạo quản lí trong khi điều chỉnh định hướng các hiện tượng tâm lí xã hội của các tập thể quân sự phải gắn liền với công tác giáo dục nâng cao nhận thức về chính trị tư tưởng cho bộ đội, phải tổ chức tốt quá trình huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Lấy giáo dục chính trị - tư tưởng và xây dựng các phẩm chất chính trị - tư tưởng cho các quân nhân và tập thể quân nhân làm nền tảng.

Phân tích các quy luật của các hiện tượng tâm lí xã hội trong tập thể quân sự không hoàn toàn gạt bỏ nhiệm vụ tác động vào chúng của người lãnh đạo quản lí. Ngược lại, nó còn đòi hỏi phải có sự tác động chủ quan có hệ thống và nhất quán vào các hiện tượng này. Sự tác động của lãnh đạo- quản lí có thể được phân thành hai khâu chính: khâu định hướng và khâu điều chỉnh.

Tuy nhiên, dù là định hướng hay điều chỉnh thì trước hết cũng cần lưu ý rằng, đời sống tâm lý là một mặt của đời sống tinh thần của tập thể. Do đó, tác động của định hướng, điều chỉnh cần có mục đích rõ ràng trong toàn bộ quá trình chuẩn bị hoạt động và hoạt động của đơn vị, phải mang lại giá trị giáo dục chung cho tập thể, tăng cường sự giác ngộ của cán bộ bộ chiến sĩ về nghĩa vụ quân sự, lòng tự hào đứng trong lực lượng vũ trang bảo vệ Tổ quốc. Thường xuyên làm mọi cách cho lợi ích xã hội, lợi ích quân đội và lợi ích cá nhân nhất trí với nhau.

Điều chỉnh và định hướng quan hệ chặt chẽ với nhau, hỗ trợ cho nhau nhưng không phải là một. Do đó chúng có con đường và phương pháp khác nhau. Việc điều chỉnh các hiện tượng tâm lí- xã hội chủ yếu được thực hiện thông qua những cơ cấu tâm lí ít bền vững, còn sự định hướng thì thực hiện thông qua các cơ cấu tâm lí bền vững hơn.

Điều chỉnh được thực hiện một cách thiết thực trong hoạt động hàng ngày của các quân nhân, còn định hướng được thực hiện một cách có hệ thống trong toàn bộ quá trình hoạt động và giao tiếp, nhằm tăng cường chức năng chiến đấu, chức năng giáo dục của tập thể, đồng thời hoàn thiện phong cách lãnh đạo quản lí của đội ngũ cán bộ.

Các hiện tượng tâm lí xã hội trong tập thể là một cấu trúc trọn vẹn với nhiều loại hiện tượng và nhóm hiện tượng khác nhau, quan hệ tác động lẫn nhau như: đánh giá, dư luận, tâm trạng, sự bắt chước và tự khẳng định, ám thị, uy tín, sự tương hợp và xung khắc, các thói quen… Nhưng chúng có tác động ảnh hưởng không như nhau cả về mức độ lẫn tính chất, cả chiều sâu và tầm rộng. Người lãnh đạo quản lí trong quá trình tác động một cách toàn diện phải hướng mạnh vào dư luận, tâm trạng và truyền thống của tập thể.

Sự điều chỉnh và định hướng các hiện tượng tâm lí xã hội trong các tập thể quân sự không phải là mục đích tự thân nhưng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của các hoạt động lãnh đạo quản lí. Đó là phương thức để tác động tối ưu tới tập thể, nhằm tăng cường chức năng chiến đấu, chức năng giáo dục của nó, đồng thời để hoàn thiện phong cách lãnh dạo quản lí củ đội ngũ cán bộ nói chung.

Tóm lại: Xây dựng bầu không khí tâm lý lành mạnh trong tập thể quân nhân là một nhiệm vụ trọng tâm trong công tác lãnh đạo. Người lãnh đạo phải làm sao để mỗi người đều cảm thấy mình không bị bỏ quên, rằng mình là người cần thiết cho một vị trí công tác. Họ phải thấy được lợi ích của họ là công bằng. Họ thấy được tính chất đúng đắn của các quyết định về nhân sự, thấy mình thành tâm tôn trọng lãnh đạo và đồng nghiệp và ngược lại. Nếu trong tập thể, mọi người đều thấy mãn nguyện về công việc của mình, về cơ quan, về thủ trưởng và đồng nghiệp của mình thì ở đó là kết quả và biểu hiện của một bầu không khí hoà thuận. Bầu không khí đó có ảnh hưởng rất lớn đến phát huy nhân tố con người tạo ra sự yên tâm phấn khởi nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Vì vậy, bất cứ nhà lãnh đạo quản lý nào cũng cần phải quan tâm đến xây dựng bầu không khí tâm lý lành mạnh trong tập thể quân nhân.

 VTC-BC

 

 

 

 

 

 

0 nhận xét: