Những giá trị tích cực mà mạng xã hội mang lại là không phải bàn cãi. Và sử dụng mạng xã hội là một nhu cầu chính đáng của con người trong xã hội thông tin. Nó không chỉ giúp con người tiếp cận với thông tin một cách nhanh nhất mà còn đáp ứng các nhu cầu khác của mỗi người như học hỏi, giải trí, giao lưu, chia sẻ...Tuy nhiên, hiện nhiều mạng xã hội khá lỏng lẻo trong việc áp dụng hệ thống tiêu chuẩn cộng đồng với người dùng. Điều này tạo kẽ hở cho một bộ phận người sử dụng đăng tải, bình luận, chia sẻ nội dung sai sự thật, kém văn minh, phản văn hóa…
Với mục đích phát triển mạng xã hội văn minh tại Việt Nam,
xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội cho người dân
khi sử dụng các dịch vụ mạng xã hội, Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ
Thông tin và Truyền thông ban hành ngày 17/6/2021 xác định 4 tiêu chí chung gồm:
Tôn trọng, tuân thủ pháp luật; Lành mạnh; An toàn, bảo mật thông tin; Trách nhiệm.
Đây được xem là "thể chế mềm" điều chỉnh các hành vi ứng xử, chuẩn mực
đạo đức, văn hóa trên môi trường mạng và có tính chất khuyến nghị đối với các tổ
chức, cá nhân, nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội. Đó vừa là biện pháp giúp họ tự
vệ trước ma trận thông tin xấu, độc; vừa là giới hạn để không vi phạm các quy định
pháp luật, tiêu chuẩn cộng đồng, và đạo đức xã hội.
Dựa trên 4 tiêu chí trên, Bộ Quy tắc đưa ra các quy tắc cụ thể, tương ứng từng
nhóm đối tượng áp dụng, với trọng tâm chính là các tổ chức cá nhân, dùng mạng
xã hội. Đây là lượng người dùng phổ thông và đông đảo nhất, và hành vi của họ
trên mạng xã hội là cơ sở để đánh giá ứng xử văn minh trên không gian mạng tại
Việt Nam.
Khi thực hiện quyền tự do ngôn luận, người dùng mạng xã hội
cần phải hiểu rõ nghĩa vụ, trách nhiệm của bản thân với tư cách công dân Việt
Nam. Như khoản 6, Điều 4, Bộ Quy tắc đã nêu rõ: “Không đăng tải những nội dung
vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền
và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm,
vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh
doanh dịch vụ trái phép... gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật
tự an toàn xã hội”; đồng thời, Bộ Quy tắc cũng đề cập việc bảo vệ “người yếu thế”
trên mạng xã hội, đặc biệt là trẻ em, trẻ vị thành niên, vì đó là các đối tượng
dễ bị tổn thương trên không gian ảo. Chỉ khi bảo đảm quy tắc này, quyền tự do
ngôn luận mới phát huy được hiệu quả trên không gian mạng.
Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội chỉ mang tính chất khuyến cáo, khuyến nghị,
nhưng khi xảy ra các hành vi vi phạm pháp luật, các tổ chức, cá nhân sai phạm sẽ
bị xử lý theo các quy định của pháp luật. Mọi hành vi bịa đặt, xuyên tạc, không
đúng sự thật nhằm bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác
là vi phạm pháp luật và có đủ các chế tài pháp luật để xử lý.
Theo Điểm a, Khoản 1, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định
về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô
tuyên điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, các hành vi lợi dụng mạng
xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc,
vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá
nhân... bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng. Trường hợp tiết lộ thông tin thuộc
danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến
mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu
đồng, theo quy định tại Khoản 2, Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP. Người vi phạm
còn phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả: Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc
gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm.
Theo Khoản 2, Điều 155 của Bộ luật Hình sự năm 2015, nếu bị
truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người
khác trên mạng xã hội, sửa đổi, bổ sung năm 2017, người phạm tội có thể bị phạt
tù từ 3 tháng đến 2 năm với tình tiết định khung là “Sử dụng mạng máy tính hoặc
mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội”. Ngoài ra, người có hành vi
vi phạm còn phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người bị xúc phạm, ảnh hưởng
danh dự, nhân phẩm nếu có thiệt hại xảy ra theo quy định tại Điều 584 Bộ luật
Dân sự 2015. Mức thiệt hại được quy định chi tiết tại Điều 592 Bộ luật Dân sự
2015... Bên cạnh các chế tài xử lý, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức của những
người sử dụng mạng xã hội. Để tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra, người dân
hãy nâng cao tinh thần trách nhiệm với bản thân và cộng đồng bằng cách sử dụng
mạng xã hội đúng quy định và có văn hóa./.
NCB - H4
0 nhận xét:
Đăng nhận xét