Theo quan điểm của một số luật sư “tin giả, tin xấu, tin xuyên tạc” được ví như một loại “virus” hay “chất độc” có sức lan truyền ghê gớm và ảnh hưởng xấu đến mọi mặt của đời sống xã hội, nếu không được ngăn chặn kịp thời. Tin giả hậu quả thật.
Nói về tin giả, tin
xấu, tin xuyên tạc trên mạng xã hội, luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ nhiệm
Đoàn luật sư TPHCM cho rằng, trong thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh
như hiện nay, đây có thể xem như là một loại virus, tuy không gây ra dịch bệnh
nhưng lại gây hậu quả khó lường. Đặc biệt, khi dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến
phức tạp, thì loại “virus tin giả” này ảnh hưởng xấu đến công tác phòng, chống
dịch.
Dẫn chứng về việc
thông tin sai sự thật rất đa dạng, liên quan đến nhiều mặt đời sống của người
dân, luật sư Hậu lấy ví dụ: như thông tin giả về cách chữa bệnh COVID-19 tại
nhà, thông tin về số người tử vong tại Việt Nam, tin đóng cửa biên giới… hay
câu chuyện “bác sĩ Khoa rút ống thở”, đã ảnh hưởng, tác động đến công tác phòng
chống dịch tại Việt Nam. “Thông tin đó không đúng sự thật, nó là “virus tin giả”
lan truyền trên mạng khiến người tiếp nhận tưởng chừng đó là tin thật nếu ngành
Y tế, cơ quan truyền thông không lên tiếng bác bỏ” - luật sư Hậu nói.
Đồng tình với quan
điểm trên, luật sư Trần Tuấn Anh - Công ty Luật Minh Bạch đánh giá, tin giả,
tin xấu, tin xuyên tạc như loại “chất độc”, nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ
tạo ra rất nhiều hệ lụy cho xã hội. “Tin giả thường dễ định hướng những người cả
tin, đưa những vấn đề sai thực tế và rất nguy hiểm ở chỗ những thông tin này xuất
hiện trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp dẫn đến người dân hoang mang,
mất niềm tin vào công tác phòng, chống dịch và chính quyền” luật sư Tuấn Anh
nói. Phải xử phạt thật nghiêm.
Trước những tác động
tiêu cực của thông tin giả, luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng cần đẩy mạnh thông
tin chính thống lên mạng xã hội, qua các hình thức như livestream hay đăng tải
bài viết về công tác phòng, chống dịch để đập tan các thông tin giả, tin xấu,
tin xuyên tạc. “Mặt khác, cần xử phạt thật nghiêm đối với những trường hợp vi
phạm, thậm chí là xử lý hình sự đối với các đối tượng tàng trữ, phát tán, tuyên
truyền thông tin giả, tin xấu, tin xuyên tạc gây ảnh hưởng đến công tác phòng
chống dịch trong khung hình phạt 10-20 năm tù” luật sư Hậu nêu quan điểm.
Theo luật sư Hậu, đối
với những người có ảnh hưởng, uy tín đến công chúng, xã hội, người có chức vụ
có hành vi đăng tải, phát tán các thông sai sự thật thì cần phải có chế tài xử
phạt như cách chức, cho thôi giữ nhiệm vụ, nếu có danh hiệu thì tước danh hiệu
và công bố công khai rộng rãi. “Bởi những người có ảnh hưởng đến công chúng, xã
hội họ đạt được các danh hiệu đó phải là những người tiêu biểu và tác động đến
người khác những thông điệp tích cực. Tiếng nói của họ được mọi người tiếp nhận
và họ phải biết, nhận thức được thông tin đó đúng hay sai” luật sư Hậu chia sẻ.
Cùng quan điểm,
song luật sư Tuấn Anh cho rằng, cơ quan chức năng cần xem xét góc độ vụ việc có
thể hàng trăm người tung tin xấu, độc nhưng chỉ có 1 người bị xử lý. “Các thông
tin xuất hiện một cách đa chiều và từ rất nhiều nguồn khác nhau, bởi vậy, bản
thân những người chia sẻ thông tin bị xử phạt có thể không phải là người tung
tin đó hay chỉ là những người bày tỏ, chia sẻ lại. Do đó, chỉ có phần ít bị xử
lý dẫn đến nhờn luật. Tuy nhiên, việc xử lý cũng gặp khó khăn vì đa phần vi phạm
xảy ra trên không gian mạng” luật sư Tuấn Anh nêu quan điểm./.
NTH-H4
0 nhận xét:
Đăng nhận xét