Vũ khí công nghệ
cao là hệ quả của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực quân sự.
Nó được đánh giá bằng hàm lượng giá trị công nghệ chứa trong vũ khí đó. Theo
UNIDO (Tổ chức phát triển công nghiệp của Liên hợp quốc) thì vũ khí công nghệ
cao hiện nay gồm 8 loại chủ yếu, đó là: vũ khí điều khiển chính xác thế hệ mới,
vũ khí tàng hình, vũ khí tác chiến điện tử, vũ khí năng lượng định hướng (vũ
khí la-de, vũ khí chùm hạt…), vũ khí vi-ba, pháo điện từ, vũ khí thông minh và
vũ khí vũ trụ. Về lý thuyết sản xuất cũng như thực tiễn sử dụng đều cho thấy,
nhiều loại vũ khí công nghệ cao có ưu điểm nổi bật là: khả năng tự điều khiển,
tự nhận biết mục tiêu, khả năng tự loại bỏ nhiều yếu tố khí tượng, đặc biệt là
khả năng tiến công từ xa, độ chính xác và khả năng sát thương “mềm”, sát thương
“cứng”. Nói cách khác, vũ khí công nghệ cao là vũ khí thế hệ mới, có sự vượt trội
về tính năng kỹ thuật, chiến thuật so với hệ vũ khí thông thường.
Trong Văn kiện
Đại hội XIII, Đảng ta khẳng định: “nghiên cứu sản xuất vũ khí công nghệ cao; tăng
cường tiềm lực, tận dụng và đẩy mạnh phát triển hên kết công nghiệp quốc phòng,
an ninh và công nghiệp dân sinh”[1].
Các nhà lý luận
quân sự mácxít từng chỉ ra, vũ khí, kỹ thuật chiến đấu mới ra đời và việc chúng
được trang bị với số lượng lớn cho quân đội bao giờ cũng dẫn đến những biến đổi
lớn về tổ chức bộ đội và nghệ thuật quân sự. Ph. Ăngghen viết: Sự tiến bộ về kỹ
thuật, một khi đã có thể áp dụng được và được áp dụng vào trong lĩnh vực quân sự,
thì lập tức và hầu như cưỡng bức, thường thường là ngược lại với ý muốn của cấp
chỉ huy phải có những sự thay đổi, thậm chí những sự đảo lộn cả về phương pháp
tác chiến.
Thật vậy, sự ra
đời của vũ khí công nghệ cao và việc chúng được sử dụng ngày càng phổ biến
trong một số cuộc chiến tranh gần đây cho thấy, vũ khí công nghệ cao đã có sự
tác động sâu sắc đến những vấn đề lý luận và thực tiễn quân sự. Cụ thể, một số
mặt tác động chủ yếu như sau:
Một là, vũ khí
công nghệ cao tác động đến phương thức tiến hành chiến tranh xâm lược
Phương thức tiến
hành chiến tranh của các nước đế quốc trong các cuộc chiến tranh trước đây là
đưa quân đội đến xâm lược một nước khác. Ngày nay, về cơ bản vẫn vậy,
song cùng với đó, cũng xuất hiện một khả năng mới về phương thức tiến hành chiến
tranh do sự tác động của vũ khí công nghệ cao. Với việc trang bị vũ khí công
nghệ cao, kẻ xâm lược hoàn toàn có thể tiến công quân sự một nước khác mà không
cần đưa quân vào nước đó, thậm chí không cần đưa bộ binh ra khỏi lãnh thổ của
mình mà vẫn đạt được mục đích của cuộc chiến tranh. Một khái niệm chiến tranh mới
ra đời, đó là “chiến tranh trừng phạt”, “chiến tranh xâm lược mềm”.
Cuộc chiến tranh do Mỹ và các nước NATO thực hiện đối với Nam Tư năm 1999 là một
ví dụ phản ánh một phần kiểu chiến tranh như thế. Quân đội các nước này không cần
đưa quân vào lãnh thổ Nam Tư, không vận dụng các hình thức tác chiến trên bộ
nhưng vẫn cơ bản đạt được mục tiêu đề ra (phá hủy cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội,
quốc phòng của Nam Tư, buộc chính phủ mới giao nộp Tổng thống Mi-lô-xê-vích cho
tòa án La-hay, thực hiện sự có mặt của lực lượng quân sự của Mỹ và NATO ở
Cô-xô-vô, tạo cơ sở để chi phối tình hình Ban-căng có lợi cho Mỹ).
Hai là, vũ khí
công nghệ cao làm thay đổi không gian và thời gian tác chiến
Trong phần lớn
các cuộc chiến tranh trước đây thì quá trình tác chiến thường có chiến tuyến rõ
ràng giữa hai lực lượng quân sự đối địch. Mỗi bên tham chiến đều có sự phân biệt
giữa tiền tuyến với hậu phương. Ngày nay, vũ khí công nghệ cao với tính ưu việt
của nó đã cho phép đối tượng sử dụng có thể mở rộng không hạn chế không gian
tác chiến, cả trên bộ, trên biển, trên không và trong vũ trụ, trong điện từ trường.
Do vậy, sự phân biệt tiền tuyến và hậu phương chỉ còn là tương đối, ranh giới
giữa chúng ngày càng mờ nhạt.
Nếu như không
gian tác chiến được mở rộng, thì ngược lại, vũ khí công nghệ cao lại khiến cho
thời gian tác chiến giảm hẳn, tiến dần tới tác chiến theo thời gian thực; và do
đó, độ dài về thời gian của một chiến dịch hay một cuộc chiến tranh có xu hướng
rút ngắn xuống nhiều lần so với trước đây. Ví dụ: chiến dịch “Con cáo sa mạc”
do Mỹ - Anh tiến hành ở Irắc năm 1998 chỉ kéo dài 73 giờ; cuộc chiến tranh do Mỹ
và NATO tiến hành ở Nam Tư năm 1999 chỉ dừng lại ở một chiến dịch duy nhất,
mang tên “Sức mạnh đồng minh”, diễn ra trong 78 ngày; cuộc chiến tranh do Mỹ và
một số đồng minh của Mỹ tiến hành ở Irắc năm 2003 chỉ kéo dài 21 ngày. Trong
khi đó, các cuộc chiến tranh chủ yếu sử dụng vũ khí thông thường trước kia thường
kéo dài hàng năm, thậm chí hàng thập kỷ; chẳng hạn, cuộc chiến tranh Triều Tiên
kéo dài 3 năm, cuộc chiến tranh do Mỹ xâm lược Việt Nam kéo dài tới 21 năm.
Tương tự, thời gian của các chiến dịch quân sự cũng vậy, ví dụ: chiến dịch
I-a-đrăng của Mỹ (ta cũng mở chiến dịch-chiến dịch Plây-me) là chiến dịch có
quy mô không lớn nhưng cũng kéo dài 38 ngày; cuộc hành quân Gian-xơn Xi-ty (thực
chất là một chiến dịch của Mỹ - ngụy; về phía ta là chiến dịch đánh bại cuộc
hành quân Gian-xơn Xi-ty của Mỹ) kéo dài 52 ngày,... Tuy nhiên, đó chỉ là cách
so sánh tương đối vì thời gian của các trận chiến đấu, các chiến dịch hay cả một
cuộc chiến tranh, ngoài yếu tố tác động của vũ khí, trang bị kỹ thuật còn phụ
thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa./.
Hồ Dung - KNN-TV
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb
CTQGST, H. 2021, tr. 245.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét