CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Ba, 26 tháng 10, 2021

XÂY DỰNG ĐỨC “LIÊM, CHÍNH” ĐỐI VỚI CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ để lại tư tưởng lớn, mà Người là tấm gương sáng ngời của cả dân tộc về thực hành đạo đức cách mạng một cách cẩn trọng, chắc chắn. Người ra sức vun đắp, xây dựng đạo đức cho toàn thể nhân dân. Người yêu cầu tất cả mọi người đều phải rèn luyện đức “Liêm chính” như những phẩm chất tốt đẹp khác; đối với cán bộ, đảng viên, phải đi đầu để làm gương cho nhân dân học tập. Người nói rõ: “Nếu chính mình tham ô bảo người ta liêm khiết có được không? Không được. Mình trước hết phải siêng năng, trong sạch thì mới bảo người ta trong sạch, siêng năng được”(1); điều đó, trở thành một biểu tượng sáng ngời về nhân cách chính trị, về phẩm chất đạo đức cách mạng, trong sạch; với lối sống giản dị, nhân hậu trong mỗi con người chúng ta.

Quá trình 35 năm đổi mới đất nước, dưới sự tác động bởi mặt trái của cơ chế thị trường, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có những hành động, việc làm “bất chính”, “bất liêm”. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đánh giá: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”(2). Chính vì lẽ đó, Đảng ta đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng đạo đức của cán bộ, đảng viên: “Tập trung xây dựng Đảng về đạo đức, tích cực đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát huy thật tốt trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu”(3); xây dựng đội ngũ “cán bộ, đảng viên có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện nguyên tắc của Đảng và pháp luật của Nhà nước, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”(14). Dưới ánh sáng của tư tưởng Hồ Chí Minh, để xây dựng phẩm chất đạo đức “Liêm chính” cho đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay, cần tập trung thực hiện tốt những giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, Đảng, Nhà nước cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục ý thức thực hành đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên; làm tốt công tác tuyên truyền, không ngừng nâng cao dân trí, bởi vì, nếu nhân dân hiểu biết, không chịu hối lộ, thì “quan” dù không muốn Liêm, cũng phải Liêm và pháp luật phải nghiêm minh, trừng trị những kẻ “bất liêm”. Yêu cầu đặt ra hiện nay là cần tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, cửa quyền, triệt để loại bỏ những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất ra khỏi Đảng. Đặc biệt, cần có cơ chế, pháp luật để loại trừ “tham nhũng vặt”, vì “tham nhũng vặt” dù không lớn, nhưng hằng ngày tác động trực tiếp đến nhân dân, nên phải ngăn chặn những hành vi sai trái; đồng thời, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị, “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo hướng cụ thể, thiết thực, gắn liền với các tiêu chí thi đua, phân loại cán bộ, đảng viên. Cần đưa ra những chuyên đề cụ thể về “Liêm chính” với những nội dung thiết thực, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể. Thông qua đó, xây dựng tác phong, lề lối làm việc liêm chính, tận tụy phụng sự nhân dân của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị phù hợp với chức trách, nhiệm vụ và điều kiện cụ thể của từng cá nhân.

Thứ hai, cần phải tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước, để hạn chế sự lộng quyền, lạm quyền. Muốn kiểm soát quyền lực nhà nước, thì phải thực hành dân chủ rộng rãi; vì có thực hành dân chủ rộng rãi mới không còn sự lộng quyền, lạm quyền, gây phiền hà đối với nhân dân; từ đó, khắc phục bệnh tham ô, lãng phí,... Tăng cường, siết chặt kỷ luật đảng, kỷ cương hành chính, thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, bởi theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”; nhằm nâng cao nhận thức, ý thức và hành động chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong mỗi cán bộ, đảng viên. Pháp luật, kỷ cương càng nghiêm minh, thì cán bộ, đảng viên càng nâng cao ý thức chấp hành, nêu gương, làm gương; xây dựng và thực hành văn hóa từ chức theo nguyên tắc “làm được việc thì ở, không làm được việc thì lui”.

Thứ ba, mỗi cán bộ, đảng viên cần nâng cao ý thức tự giác, tự tu dưỡng, rèn luyện, tận tâm, tận lực cống hiến trí tuệ, sức lực cho Đảng, phụng sự đất nước và phục vụ nhân dân, nhất là phải đề cao trách nhiệm và sự gương mẫu của người đứng đầu. Cán bộ phải thực hành chữ Liêm trước, để làm kiểu mẫu cho dân; bởi niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân vào Đảng luôn gắn liền với niềm tin vào người đứng đầu; nên người đứng đầu phải nêu gương về đạo đức, giữ gìn phẩm chất liêm khiết, công minh, chính trực. Đảng lãnh đạo bằng “hành động gương mẫu của đảng viên”, dân có tin Đảng hay không là phụ thuộc vào sự trong sạch, vững mạnh của Đảng và sự gương mẫu của đội ngũ đảng viên. Nếu đảng viên không gương mẫu thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật, rèn luyện đạo đức, lối sống, thì các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước khó thực hiện được, thậm chí bị thực hiện sai; khi đó, nhân dân sẽ thiếu tin tưởng vào chủ trương, đường lối, chính sách, công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động của Đảng và Nhà nước. Để phát huy tính gương mẫu, đòi hỏi người cán bộ, đảng viên phải gương mẫu toàn diện; về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống; trong lời nói và việc làm với những hành động cụ thể, thiết thực trên mọi lĩnh vực, mọi hoàn cảnh, mọi lúc, mọi nơi, trong tổ chức, gia đình và ngoài xã hội.Mỗi cán bộ, đảng viên cần nâng cao ý thức tự giác, tự tu dưỡng, rèn luyện, tận tâm, tận lực cống hiến trí tuệ, sức lực cho Đảng, phụng sự đất nước và phục vụ nhân dân.

Thứ tư, cần nâng cao vai trò giám sát của nhân dân, người dân cần biết rõ quyền hạn của mình để kiểm soát cán bộ, giúp cán bộ thực hiện chữ Liêm. Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cấp ủy, chính quyền các cấp cần thực hiện có nền nếp và nghiêm túc việc lấy ý kiến phê bình, góp ý của quần chúng nhân dân; phải tiếp thu, sửa chữa những khuyết điểm được nhân dân chỉ ra. Đối với những ý kiến chưa đúng, thì phải giải thích cho nhân dân hiểu; cần xây dựng cơ chế khuyến khích, động viên nhân dân thực hiện vai trò giám sát một cách tự nguyện, tự giác. Để phát huy vai trò giám sát của nhân dân thì điều cơ bản, cốt lõi là nhân dân phải nhận thức đúng vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để nhân dân nắm rõ các quan điểm của Đảng, hệ thống văn bản pháp luật quy định quyền và nghĩa vụ của nhân dân trong hoạt động giám sát.

Thứ năm, thực hiện nghiêm túc công tác tuyển chọn, sử dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh, cán bộ là gốc của công việc, khi dùng người thì phải dùng người có tài năng, làm được việc; chớ vì bà con bầu bạn, mà kéo vào chức nọ, chức kia. Trong tuyển dụng cán bộ, phải tuyển người có khả năng làm việc hiệu quả; phải tránh xảy ra tình trạng thừa người trong biên chế, nhưng lại thiếu người làm được việc; phải khắc phục những tiêu cực trong tuyển dụng cán bộ và tình trạng “ăn non, ăn xổi” trong sử dụng cán bộ của một số địa phương, đơn vị ở nước ta hiện nay.

Tuyển dụng cán bộ cần tiêu chuẩn hóa, dân chủ hóa, trách nhiệm hóa, cấp độ hóa, kiểm nghiệm hóa; trong và sau khi tuyển chọn cán bộ theo cấp độ, cần kiểm nghiệm lại người được tuyển chọn một cách linh hoạt, khéo léo. Để sử dụng cán bộ có hiệu quả, đòi hỏi đội ngũ làm công tác tổ chức - cán bộ cần tinh thông kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp, và quan trọng hơn cả là cần có cái tâm với công việc. Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018, của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, cần có một đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức - cán bộ chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản về khoa học tổ chức, nghệ thuật dùng người. Trong sử dụng cán bộ, cần thường xuyên giám sát, kiểm tra cán bộ, đảng viên về tư tưởng, công việc, quan hệ xã hội và tác phong sinh hoạt; kịp thời phát hiện, ngăn chặn khi cán bộ có dấu hiệu vi phạm, sai lầm.

91 năm qua, tư tưởng về xây dựng phẩm chất thực hành “Liêm chính” của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn soi rọi cho Đảng ta, cho cán bộ, đảng viên phẩm chất tu dưỡng, rèn luyện đạo đức. Phần lớn cán bộ, đảng viên của Đảng luôn gương mẫu, tu dưỡng và rèn luyện đạo đức cách mạng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng với vai trò vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân. Hiện nay, với yêu cầu và nhiệm vụ mới, Đảng ta đặc biệt chú trọng đến việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, để không ngừng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên ngày càng liêm chính, thực sự xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân./.

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, 2011, t. 8, tr. 98
(2), (3), (4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 1, tr. 92, 41, 42.

                                                                 PVP-H4

 

0 nhận xét: