Ngay
từ đầu những năm 20 của thế kỷ XX, khi truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào
phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị những điều kiện
để thành lập Đảng Cộng sản, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã thể hiện
bản lĩnh chính trị với những quan điểm rất riêng và sáng tạo. Khi đó, Quốc tế Cộng sản chưa nhìn nhận
đầy đủ vai trò của cách mạng thuộc địa và cho rằng, cách mạng ở các nước thuộc
địa chỉ có thể thắng lợi sau khi cách mạng vô sản thắng lợi ở các nước tư bản
(chính quốc). Tháng 5-1921, Nguyễn Ái Quốc cho rằng, cách mạng các nước thuộc
địa ở châu Á có thể chủ động giành thắng lợi và còn "có thể giúp đỡ những
người anh em mình ở phương Tây trong nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn". Là
người hoạt động quốc tế sôi nổi, nhất là trong Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc
rất coi trọng tranh thủ sự ủng hộ, đoàn kết, giúp đỡ của đồng chí, bạn bè quốc
tế đối với sự nghiệp giải phóng của dân tộc mình. Nhưng Người ý thức rất rõ là
phải dựa vào thực lực của chính mình để tự giải phóng, "muốn người ta giúp
cho, thì trước mình phải tự giúp lấy mình đã". Ý chí tự lực, tự cường của
Người là rất rõ ràng và đã trở thành ý chí của toàn Đảng và toàn dân tộc.
Ở một nước thuộc địa, phong kiến lạc hậu như Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc hiểu rõ chính sách tàn bạo của chủ nghĩa thực dân Pháp; từ đó, Người đã viết "Bản án chế độ thực dân Pháp". Ở xứ thuộc địa, mâu thuẫn dân tộc là cực kỳ gay gắt; vì vậy, đấu tranh giải phóng dân tộc phải được đặt lên hàng đầu, chứ không phải là đấu tranh giai cấp như ở các nước tư bản phương Tây. Đó là điều rõ ràng trong quan điểm của Nguyễn Ái Quốc. Các giai cấp bóc lột ở Việt Nam (địa chủ, tư sản) đều nhỏ bé, một bộ phận có tinh thần dân tộc và yêu nước ở mức độ nhất định. "Cuộc đấu tranh giai cấp không diễn ra giống như ở phương Tây". "Nếu nông dân gần như chẳng có gì thì địa chủ cũng không có tài sản gì lớn; nếu nông dân chỉ sống bằng cái tối thiểu cần thiết thì đời sống của địa chủ cũng chẳng có gì là xa hoa; nếu thợ thuyền không biết mình bị bóc lột bao nhiêu thì chủ lại không hề biết công cụ để bóc lột của họ là máy móc; người thì chẳng có công đoàn, kẻ thì chẳng có tơrớt.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hợp tác xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên (năm 1954). Ảnh: Tư liệu
Do
đặc điểm và mâu thuẫn dân tộc, mâu thuẫn giai cấp như thế, nên khi sáng lập
Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 2-1930), trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng, lãnh
tụ Nguyễn Ái Quốc nêu rõ mục tiêu chiến lược là: Làm cho nước Nam hoàn toàn
độc lập, để đi tới xã hội cộng sản. Đảng chủ trương tranh thủ mọi tầng lớp,
giai cấp trong xã hội vào thực hiện nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Quan điểm đó
của Nguyễn Ái Quốc đã không được Quốc tế Cộng sản và một số đồng chí hiểu đúng,
thậm chí còn cho là biểu hiện của chủ nghĩa quốc gia, dân tộc. Tuy nhiên,
Nguyễn Ái Quốc vẫn kiên trì giữ vững quan điểm nêu cao đấu tranh dân tộc, và
phải đến Đại hội VII Quốc tế Cộng sản (tháng 7-1935), một số đồng chí trong
Quốc tế Cộng sản mới chia sẻ với quan điểm của Nguyễn Ái Quốc, khi Quốc tế Cộng
sản chủ trương các đảng cộng sản phải lập Mặt trận dân tộc, dân chủ chống nguy
cơ chủ nghĩa phát-xít, nguy cơ chiến tranh thế giới. Năm 1938, Quốc tế Cộng sản đồng ý để Nguyễn Ái Quốc trở về
nước để lãnh đạo phong trào cách mạng. Cần nhấn mạnh rằng, thực tiễn cách mạng
Việt Nam những năm 30 của thế kỷ XX đã chứng minh quan điểm của Nguyễn Ái Quốc
là đúng đắn, sáng tạo, không giáo điều. Hội nghị Trung ương Đảng (tháng
11-1939) do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chủ trì, họp ở Bà Điểm (Hóc Môn, Gia
Định) đã chủ trương đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Chủ trương đúng đắn đó đã đoàn kết mọi lực
lượng có thể và phát huy được sức mạnh toàn dân tộc quyết "đem sức ta mà
tự giải phóng cho ta", để làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám
năm 1945. Trên tầm cao nhận thức, giành được độc lập, tự do cho dân tộc đã có
lợi ích của bộ phận, giai cấp trong đó. Giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa
lợi ích dân tộc và lợi ích giai cấp đã thể hiện bản lĩnh chính trị và tầm trí
tuệ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau này, Chủ tịch Hồ
Chí Minh nhắc lại quan điểm phải luôn luôn xuất phát từ thực tiễn của đất nước,
không nên "nghe người ta nói giai cấp đấu tranh, mình cũng ra khẩu hiệu
giai cấp đấu tranh, mà không xét hoàn cảnh nước mình như thế nào để làm cho
đúng".
Những
năm 1945 - 1946, cách mạng Việt Nam phải chống giặc ngoài, thù trong, tình thế
"nghìn cân treo sợi tóc". Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng tỏ
rõ bản lĩnh và sự nhạy cảm đặc biệt về chính trị, đã quyết tâm bảo vệ nền độc
lập và chính quyền cách mạng, giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời có những
quyết sách khôn khéo, "dĩ bất biến ứng vạn biến". Ngày 11-11-1945,
Đảng tuyên bố tự giải tán, thực chất là rút vào hoạt động bí mật, bảo toàn lực
lượng. "Đảng phải dùng mọi cách để sống còn, hoạt động và phát triển, để
lãnh đạo kín đáo và có hiệu quả hơn, và để có thời giờ củng cố dần dần lực
lượng của chính quyền nhân dân, củng cố Mặt trận dân tộc thống nhất. Lúc đó,
Đảng không thể do dự. Do dự là hỏng hết, Đảng phải quyết đoán mau chóng, phải
dùng những phương pháp - dù là những phương pháp đau đớn - để cứu vãn tình
thế".
Trong
lãnh đạo cách mạng xã hội chủ nghĩa, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng tư duy
sáng tạo, phân tích hoàn cảnh cụ thể của đất nước, kết hợp với việc học hỏi
kinh nghiệm các nước, nhưng không máy móc, giáo điều. Năm 1956, Người đã nhận
thức "Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho dân giàu nước mạnh". "Ta
không thể giống Liên Xô, vì Liên Xô có phong tục tập quán khác, có lịch sử địa
lý khác". Năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích điều kiện của Việt Nam
vừa thoát khỏi ách thực dân, phong kiến, hết sức lạc hậu. "Trong những
điều kiện như thế, chúng ta phải dùng những phương pháp gì, hình thức gì, đi
theo tốc độ nào để tiến dần lên chủ nghĩa xã hội? Đó là những vấn đề đặt ra
trước mắt Đảng ta hiện nay". Người chỉ rõ: "Chúng ta phải nâng cao sự
tu dưỡng về chủ nghĩa Mác - Lênin để dùng lập trường, quan điểm, phương pháp
chủ nghĩa Mác - Lênin mà tổng kết những kinh nghiệm của Đảng ta, phân tích một
cách đúng đắn những đặc điểm của nước ta. Có như thế, chúng ta mới có thể dần
dần hiểu được quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam, định ra được những
đường lối, phương châm, bước đi cụ thể của cách mạng xã hội chủ nghĩa thích hợp
với tình hình nước ta".
Trong
quá trình lãnh đạo và cầm quyền, Đảng cũng phạm phải một số sai lầm, khuyết
điểm, hoặc trên những vấn đề lớn, hoặc trong phạm vi hẹp hay ở một số đồng chí.
Đó là, sai lầm "tả" khuynh trong Chỉ thị thanh Đảng của Xứ ủy Trung
Kỳ (năm 1931), Trung ương đã kịp thời phê phán khuyết điểm của một số đồng chí
trong hợp tác vô nguyên tắc với các phần tử tơ-rốt-xkít và về công tác tuyên
truyền, vận động quần chúng; là việc tồn tại 2 Xứ ủy (Xứ ủy Tiền Phong và Xứ ủy
Giải Phóng) ở Nam Kỳ trước Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945. Khi Đảng nắm chính
quyền, một số cán bộ đã phạm những lầm lỗi: Trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư
túng, chia rẽ, kiêu ngạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh kịp thời phê bình và yêu cầu sửa
chữa. Khi xảy ra sai lầm trong cải cách ruộng đất (năm 1956), Trung ương Đảng
và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tự phê bình trước nhân dân và quyết tâm sửa sai.
Chủ
tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt
Nam. Tư tưởng của Người đã, đang và sẽ mãi mãi soi sáng sự nghiệp cách mạng vẻ
vang của Đảng và dân tộc. Bản lĩnh Hồ Chí Minh chính là bản lĩnh chính trị của
Đảng chân chính cách mạng, thể hiện ở những nội dung chủ yếu:
Một
là, Đảng nêu cao khát vọng độc lập, tự do của Tổ quốc, đồng bào; đặt lợi ích
quốc gia, dân tộc lên hàng đầu, đồng thời tuyệt đối trung thành với lý tưởng xã
hội chủ nghĩa, lý tưởng cộng sản chủ nghĩa; trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh
nào cũng không xa rời những mục tiêu chiến lược căn bản đó.
Hai
là, độc lập, tự chủ, luôn luôn tinh thần xuất phát từ thực tiễn của cách mạng,
đất nước để vận dụng sáng tạo lý luận khoa học Mác - Lê-nin, lựa chọn hình
thức, phương pháp đấu tranh thích hợp và phương châm, con đường xây dựng chủ
nghĩa xã hội có hiệu quả. Kiên quyết chống chủ nghĩa xét lại, cơ hội
"tả" khuynh, "hữu" khuynh; đồng thời, chống giáo điều, nóng
vội, duy ý chí.
Ba
là, nắm vững nguyên tắc cách mạng, đồng thời linh hoạt, mềm dẻo về sách lược
"dĩ bất biến ứng vạn biến"; chủ động, kiên cường vượt qua mọi khó
khăn, thách thức, kiên quyết giữ vững nền độc lập, vì lợi ích quốc gia, dân
tộc, không hoang mang, dao động trong hoàn cảnh hiểm nghèo, vững tin ở thắng
lợi.
Bốn
là, thẳng thắn thừa nhận những sai lầm, khuyết điểm với thái độ nghiêm túc, cầu
thị và quyết tâm sửa chữa. Những sai lầm, khuyết điểm trong quá trình lãnh đạo,
cầm quyền đều được Đảng sửa chữa có kết quả, từ đó củng cố được niềm tin của
nhân dân, tăng cường thống nhất, tinh thần đoàn kết trong Đảng và sự đồng thuận
trong xã hội./.
TĐC-BC
0 nhận xét:
Đăng nhận xét