Mới đây, một số
bài viết đăng trên báo mạng nước ngoài đặt điều cho rằng, ở Việt Nam nên có sự
cạnh tranh lãnh đạo giữa các đảng phái mới có thể phát hiện ra những “ung nhọt”
hạn chế, yếu kém của nhau; qua đó mới giúp công tác PCTN chuyển biến thực chất.
Cùng với đó, chúng còn vu cáo Đảng, Nhà nước Việt Nam đang ở thế “lưỡng nan đối
nghịch” với hàm ý chống tham nhũng nhưng ngại thay đổi thể chế chính trị, rồi
giả danh những người yêu nước để hiến kế “một cách nghĩa hiệp”...
Các bài viết trên
cũng tập trung phủ nhận kết quả đấu tranh PCTN, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta.
Chúng rêu rao, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã và đang ra sức phát động PCTN, tiêu cực
nhưng đều không thành công, thậm chí, vấn nạn này ngày càng gia tăng rộng khắp.
Bởi “bới” chỗ nào cũng ra tham nhũng, sờ đến đâu thì kỷ luật cán bộ đến đấy. Viện
dẫn bằng chứng cho những suy diễn đó, chúng chắp vá một số vụ việc tham nhũng,
tiêu cực, suy thoái, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên được phát hiện
trong thời gian gần đây, rồi quy chụp hiện tượng thành bản chất, quy chụp những
sự vụ đơn lẻ thành lỗi hệ thống.
Những lập luận,
suy diễn trên hoàn toàn thiếu cơ sở; với mưu đồ gây nhiễu loạn thông tin dư luận,
gây bất lợi cho công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ở Việt
Nam. Bởi vì, tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, biến chất là hiện tượng mang tính
xã hội, tồn tại ở các quốc gia, do quyền lực nhà nước bị thao túng, tha hóa gây
ra, không phân biệt chế độ xã hội, thể chế chính trị nào, chế độ đa đảng hay một
đảng lãnh đạo. Có nghĩa, ở bất cứ nơi nào có quyền lực và quyền lực chính trị
mà bị tha hóa, lạm dụng thì nơi ấy sinh ra tham nhũng. Nói đến nhà nước là nói
đến quyền lực-một quyền lực to lớn và sự lạm quyền, lộng quyền, quyền lực có
nguy cơ bị “tha hóa” là điều dễ xảy ra; tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh của
quyền lực”. Tham nhũng là “căn bệnh” của nhà nước, có nhà nước là có tham
nhũng, có chăng chỉ khác nhau ở mức độ nghiêm trọng.
Trải qua các thời
kỳ cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn xác định tham nhũng, tiêu cực là “giặc nội
xâm”; một trong các nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ, cản trở tiến trình
phát triển của đất nước, phải kiên quyết đấu tranh loại ra khỏi đời sống xã hội.
Đảng ta kiên định, phải chủ động phòng ngừa, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực;
xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng, lãng phí, hành vi bao che,
dung túng, tiếp tay cho tham nhũng. Kết hợp giữa xây và chống, phòng ngừa gắn
liền với xử lý nghiêm minh mọi hành vi tham nhũng; không có ngoại lệ, không có
“vùng cấm” trong chống tham nhũng ở Việt Nam.
Kết quả PCTN giúp
Việt Nam không ngừng ổn định, phát triển, tạo thế và lực của đất nước trên trường
quốc tế. Đặc biệt, từ kết quả PCTN, niềm tin của nhân dân dành cho Đảng Cộng sản
Việt Nam và chế độ xã hội chủ nghĩa được nâng lên. Tuy nhiên, PCTN là cuộc chiến
phức tạp, còn kéo dài với nhiều gian khổ, hiểm nguy nên tinh thần là phải tiếp
tục làm, làm quyết liệt, làm tập trung, dứt điểm; đòi hỏi sự kiên quyết, kiên
trì, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta.
Để tiếp tục phòng,
chống tham nhũng, tiêu cực và làm thất bại các âm mưu, thủ đoạn chống phá,
xuyên tạc thành tựu phòng, chống tham nhũng tiêu cực của Đảng, Nhà nước và Nhân
dân, mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng phải tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt
những nội dung cơ bản của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, XIII về tăng cường
xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị,
đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ,
phòng chống tham nhũng, tiêu cực; nhất là, Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021
của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống
chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy
thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Thực hiện công tác
phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng,
chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị hiện nay của toàn Đảng, toàn dân, toàn
quân và cả hệ thống chính trị. Do đó, phải tiến hành đồng bộ, với phương châm
“nhận thức phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải lớn và phương pháp phải
đúng”, “dọc ngang thông suốt”, tránh “trên nóng, dưới lạnh”, “đầu voi, đuôi chuột”,
“đánh trống bỏ dùi”… làm cho dân tin vào Đảng và mỗi đảng viên xứng đáng là người
lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân./.
NVM-BS
0 nhận xét:
Đăng nhận xét