CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2023

CẢNH GIÁC VỚI ÂM MƯU THÂM ĐỘC, XUYÊN TẠC VẤN ĐỀ ĐẤT ĐAI CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH, PHẢN ĐỘNG

  Vấn đề đất đai luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm, coi đây là mục tiêu của cách mạng, là vấn đề quan trọng của quốc gia. Vì vậy, từ khi giành được chính quyền, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, chính sách về đất đai, bảo đảm cho người dân có đất đai để làm nhà ở, có ruộng vườn làm tư liệu sản xuất bảo đảm đời sống. Đất đai được coi là một loại tài sản gắn liền với quyền và nghĩa vụ của công dân khi được Nhà nước giao quyền sử dụng. Điều 4 (Luật đất đai năm 2013) quy định: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người dân sử dụng đất theo quy định của Luật này”, đây chính là cơ sở pháp lý bảo đảm quyền, nghĩa vụ hợp pháp cho người sử dụng; bảo đảm tôn chỉ “đất đai là tài sản quốc gia” luôn là nguyên tắc bất di, bất dịch trong quá trình quản lý, sử dụng đất đai.

Tuy, được Nhà nước thống nhất quản lý, được pháp luật quy định và bảo đảm nhưng quá trình quản lý và sử dụng đất đai luôn có những vấn đề phức tạp phát sinh dẫn đến tình trạng mâu thuẫn, tranh chấp về nghĩa vụ, quyền lợi giữa các chủ thể quản lý, sử dụng đất đai. Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, để phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất đai ngày càng lớn, đòi hỏi Đảng, Nhà nước phải có chủ trương, chính sách phù hợp để bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ cho các chủ thể sử dụng đất đai nhằm tạo sự công bằng, bình đẳng và hạn chế phát sinh mâu thuẫn trong quá trình chuyển đổi quyền và mục đích sử dụng đất đai giữa các chủ thể.

Mặc dù, đây là vấn đề khách quan, tất yếu không thể tránh khỏi trong quá trình biến đổi xã hội; do đó Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho các chủ thể quản lý, sử dụng đất đai nhưng tình trạng tranh chấp, xung đột vẫn có xu hướng gia tăng, tính chất ngày càng trở nên phức tạp và trở thành vấn đề nóng của xã hội hiện nay.

Hiện nay, các thế lực thù địch đang triệt để lợi dụng vấn đề đất đai để tuyên truyền, xuyên tạc, kích động chống phá, gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Cho nên, dù ở đâu, hễ cứ có chương trình, có dự án, có vấn đề liên quan đến việc đền bù, giải phóng mặt bằng, giải tỏa đất đai là chúng tìm mọi cách tuyên truyền, kích động, tạo dựng hiện trường, quay phim, chụp ảnh tán phát trên các trang mạng xã hội những thông tin thất thiệt và đưa ra những yêu sách hết sức phi lý nhằm kích động chống Đảng, Nhà nước.

Thủ đoạn của chúng là thường lôi kéo những đối tượng bất đồng chứng kiến và các phần tử cơ hội để xuyên tạc, kích động, cản trở việc thực thi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đất đai. Chúng triệt để lợi dụng những sơ hở, yếu kém và những hành vi tiêu cực của một bộ phận cán bộ trong công tác quản lý, quy hoạch, sử dụng đất đai; trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để kích động, gây tâm lý hoang mang, chống đối, gây khó khăn, cản trở việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất đai của Nhà nước, gây khó khăn cho doanh nghiệp và chủ đầu tư, gây chia rẽ, mất đoàn kết và tạo ra những tranh chấp, xung đột trong các tầng lớp nhân dân, cố ý tạo điểm nóng gây xung đột xã hội.

Trong tình hình hiện nay, đất đai là vấn đề nhạy cảm vì liên quan trực tiếp đến lợi ích của chủ thể được Nhà nước trao quyền sử dụng; liên quan trực tiếp đến các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước. Quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta về đất đai là tôn trọng luật pháp, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân trong quản lý, quy hoạch và sử dụng đất đai. Đối với các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, dù ở cấp độ nào cũng phải kết hợp hài hòa lợi ích Nhà nước, lợi ích của nhân dân và lợi ích của doanh nghiệp. Việc thu hồi, đền bù, giải tỏa, giải phóng mặt bằng phải dựa trên chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, lợi ích và sự đồng thuận của nhân dân trên cơ sở bảo đảm tính công khai, công bằng, bình đẳng và bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.

Với tốc độ phát triển như hiện nay, hằng năm số lượng đất đai thu hồi, đền bù, giải phóng mặt bằng đất đai là rất lớn nhưng do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, cơ quan ban ngành, đoàn thể chính trị xã hội và sự đồng thuận của nhân dân nên phần lớn các dự án có liên quan đến sử dụng đất đai đều bảo đảm tiến độ, và bảo đảm quyền, lợi ích của nhân dân trong quá trình thu hồi đất đai, giải tỏa, giải phóng mặt bằng. Nhưng cũng còn có một số dự án gặp nhiều khó khăn do âm mưu, thủ đoạn, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch gây nên. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là bên cạnh việc làm tốt công tác quản lý, quy hoạch, sử dụng đất đai mỗi người dân cần phải nêu cao tinh thần cảnh giác, đề cao trách nhiệm chủ động đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch đang lợi dụng vấn đề đất đai để kích động, chống Đảng, Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc./.

=TXD-H2=

0 nhận xét: